ĐẤU TRANH CHỐNG TƯ TƯỞNG ĐÒI “TƯ NHÂN HÓA NỀN KINH TẾ” Ở VIỆT NAM
Kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế được hình thành và phát
triển dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và lợi ích cá nhân. “Kinh tế
tư nhân gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân, hoạt động dưới
hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp tư nhân”.
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế
quốc tế sâu rộng, kinh tế tư nhân ngày càng chứng tỏ được sức mạnh, là một
trong những động lực quan trọng trong phát triển đất nước. Đến Hội nghị Trung
ương 5 khóa IX của Đảng, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân đã được đưa ra thảo
luận trong một chuyên đề riêng và ra Nghị quyết “Về tiếp tục đổi mới cơ chế,
chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”; trong đó
khẳng định: “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế
quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát
triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là một
bước tiến đáng kể về tư duy lý luận và quan điểm, đường lối kinh tế của Đảng
ta, thể hiện tính nhất quán của đường lối đổi mới theo hướng kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo nên động lực và sự
yên tâm cho các doanh nhân và nhà đầu tư được tự do kinh doanh theo pháp luật.
Qua các kỳ Đại hội Đảng ta đã nhận thức đầy đủ hơn về kinh tế tư
nhân. Đại hội lần thứ X năm 2006 đã nhận định: Kinh tế tư nhân là khu vực “có
vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”. Trong Nghị
quyết Đại hội XI năm 2011 của Đảng đã chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để
phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh
tế”. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 nêu rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính
sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và
lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện
chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp
vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân là một động lực quan
trọng của nền kinh tế”. Như vậy đã có sự nhấn mạnh rõ hơn, coi kinh tế tư nhân
là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Đây là bước tiến quan trọng trong
tư duy, quan điểm của Đảng về vai trò của các khu vực kinh tế nhìn từ phương
diện sở hữu.
Thực tế trong những năm qua kinh tế tư nhân đã có những bước phát
triển tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016, khu vực kinh tế tư
nhân hiện có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp, chiếm gần 90% số doanh nghiệp của
cả nước. Trong thời gian tới, khu vực kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục đóng góp
khoảng 30% ngân sách và khoảng 40% GDP của cả nước. thu hút khoảng 51% lực
lượng lao động cả nước và tạo khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi
năm. Góp phần tăng thu ngân sách nhà
nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải
quyết các vấn đề xã hội…
Tuy nhiên, kinh tế tư nhân đã bộc lộ không ít những hạn chế, yếu
kém: Tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm trong những năm gần đây; phần lớn
doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới;
trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh,
chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu kém. Nhiều doanh nghiệp hoạt động
thiếu ổn định, bền vững, thậm chí bị thua lỗ, giải thể, phá sản. Tình trạng vi
phạm pháp luật, gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, cạnh tranh không lành
mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không quan tâm bảo đảm lợi ích của người lao động,
không đầu tư vào những ngành nghề, công trình có ý nghĩa phúc lợi xã hội, đã
ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
Đánh giá hạn chế như vậy không phải chúng ta phủ nhận vai trò
của kinh tế tư nhân. Khẳng định rằng trong những năm qua, kinh tế tư nhân ở
Việt Nam cũng có những bước phát triển mạnh mẽ và trở thành động lực quan trọng
của nền kinh tế. Tuy nhiên nếu vì những mặt tích cực mà kinh tế tư nhân mang
lại mà ngộ nhận khẳng định: Kinh tế tư nhân giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế
và kêu gọi đòi tư nhân hóa nền kinh tế ở Việt Nam thì đó là một tư duy ấu trĩ,
sai lầm, tư tưởng muốn đưa nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, nó trái
với quan điểm của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và “gán
cho kinh tế tư nhân một nhiệm vụ mà bản thân nó không bao giờ đảm đương nổi”.
Nói
đến vai trò chủ đạo trong nền kinh tế tức là nói đến tầm quan trọng của nó và
tính chất quyết định của thành phần kinh tế đó đối với một chế độ xã hội. Bộ
phận kinh tế chủ đạo đó phải chi phối và dẫn dắt các bộ phận kinh tế khác cùng
phát triển. Nước ta phát triển nền kinh tế thị
trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong các văn kiện Đại hội Đảng và
cương lĩnh xây dựng đất nước đều xác định: “Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ
đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Điều này hoàn
toàn đúng về lý luận và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh”. Đất nước vững bước tiến lên xã hội chủ nghĩa.
LQD
Nhận xét