HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” được Đại hội Đảng lần thứ X đặt ra là một sự sáng tạo để thực hiện được các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cụm từ “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nay đã trở nên phổ biến, dễ nhớ đối với quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, để hiểu cụm từ này một cách tường tận, lý giải đúng nghĩa theo quan điểm, đường lối của Đảng thì chưa hẳn ai cũng lý giải toàn diện.
Để thống nhất hiểu một cách đúng nghĩa cụm từ trên, đồng thời nhằm tránh những cách lý giải khác nhau, đặc biệt là để chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chúng ta cần phải hiểu đúng nghĩa nội dung của mỗi khái niệm“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thứ nhất: Về khái niệm “dân giàu”.
Trước hết, “dân giàu” là mong muốn của mọi người dân, và được xem là một trong những tiêu chí của chủ nghĩa xã hội. Lâu nay, chúng ta vẫn nói “dân cường nước thịnh ”, nói đến “dân giàu” là mục tiêu phấn đấu của mọi nhà nước cho nhân dân của mình.
Theo quan điểm của Đảng ta ngày nay, dưới chủ nghĩa xã hội “dân giàu” là một trong những điều kiện để nhân dân được hưởng hạnh phúc. Khuyến khích làm giàu một cách hợp pháp, đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, chủ trương ấy không đi ngược lại mục đích của chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên chủ trương trên còn phải bao hàm các biện pháp, chính sách sao cho đúng mục đích, bản chất của chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, dưới chủ nghĩa xã hội làm giàu luôn là động lực phát triển kinh tế bên cạnh những động lực khác. Tại Hội nghị lần thứ năm, khóa XII Đảng ta xác định: phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (NQ số 10)
Nếu chỉ hiểu và nói chung chung “dân giàu” thì đây không phải đặc điểm riêng của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa tư bản cũng thực hiện “dân giàu”. Nhưng dưới chủ nghĩa tư bản giàu bao giờ cũng đi đôi với nghèo, như hai mặt đối lập không tách rời nhau. Phân hóa hai cực là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Dưới chủ nghĩa xã hội vẫn còn tình trạng “người này giàu hơn người kia”, song không còn “phân hóa hai cực”, bởi lẽ cơ sở, nguồn gốc của tình trạng đó là chế độ bóc lột giá trị thặng dư đã bị xóa bỏ.“Dân giàu” chỉ mang bản chất xã hội chủ nghĩa khi “dân giàu” đi đôi với công bằng xã hội, tiến tới một xã hội người người đều giàu, nhà nhà cùng giàu, căn bản không còn những người thu nhập thấp, đời sống khó khăn, những người thất nghiệp phải sống nhờ vào cứu tế xã hội. Dưới chủ nghĩa xã hội, nguồn gốc của “dân giàu” và xã hội giàu không phải là bóc lột lao động trong nước, bóc lột lao động tài nguyên ở nước ngoài. Khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng hoàn chỉnh, mọi người chỉ có thể làm giàu từ lao động, kể cả lao động quản lý; không lao động, lao động hiệu quả kém, lao động giản đơn thì không có cơ hội “làm giàu”. Dưới chủ nghĩa xã hội không ai có thể làm giàu chủ yếu bằng cách buôn bán cổ phiếu; càng không thể làm giàu bằng đầu cơ và các hoạt động kinh tế chụp giật.
Dân giàu và xã hội giàu còn được thể hiện ở những lợi ích công cộng phúc lợi xã hội ngày càng phong phú mà mỗi thành viên xã hội đều được hưởng. Đối với chúng ta, một nước đang phát triển mục tiêu “dân giàu” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Làm cho nhân dân ngày càng giàu là một trong những mục tiêu chủ yếu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng là thách thức vô cùng to lớn. Không những “phải cải biến tình trạng kinh tế - xã hội kém phát triển” thông qua công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn phải vươn tới địa vị một nước phát triển, tiến tới hội đủ hai yếu tố bảo đảm dân giàu: 
Một là, có lực lượng sản xuất hiện đại dựa trên trình độ khoa học công nghệ hiện đại, năng suất lao động xã hội cao, có tiềm lực về tài nguyên “chất xám”, có một nền kinh tế tri thức phát triển cao. Dân giàu đi đôi với công bằng xã hội là ước mơ ngàn đời của nhân dân ta, ước mơ ấy chỉ có thể được thực hiện dưới chủ nghĩa xã hội.
Hai là, xã hội công bằng với những cơ chế cho phép mỗi cá nhân, mỗi cơ sở kinh tế được làm giàu một cách hợp pháp
Trong điều kiện của đất nư­ớc ta hiện nay không thể đòi hỏi mọi người đều “làm giàu”. Nói “làm giàu không khó” là không thực tế. Tuyệt đại đa số công nhân, nông dân, trí thức, cán bộ, công chức - lực lượng chủ chốt làm giàu cho Tổ quốc - đời sống đã đ­ược cải thiện nhiều song chư­a thể giàu đ­ược. Vấn đề ở chỗ việc khuyến khích làm giàu chính đáng song không phải ai cũng làm giàu cho cá nhân được. Không nhất thiết phải làm giàu cho bản thân mới có thể làm giàu cho đất nư­ớc. Không nên, không đ­ược phép chê đất nước, chê nhân dân nghèo. Nếu ai có tư tưởng đó thì họ thực sự không hiểu, không biết xuất phát điểm của đất nước ta từ đâu.
Thứ hai: Về khái niệm “nước mạnh”
“Nước mạnh” với tính cách đặc trưng của chủ nghĩa xã hội không phải “nước mạnh” chung chung, hiểu theo bất cứ nghĩa nào mà “nước mạnh” nói một cách cụ thể: nước mạnh chỉ trở thành mục tiêu của chủ nghĩa xã hội khi “nước” là nước của nhân dân, do nhân dân làm chủ; khi nước mạnh là điều kiện để nhân dân được hưởng hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc.
V.I.Lênin chỉ ra rằng; xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội chính là phải làm cho nước Xô viết trở thành Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hùng cường. Đó là quan điểm xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc. Như vậy “nước mạnh” trong mối quan hệ biện chứng, thống nhất với “chủ nghĩa xã hội vững mạnh”.
Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ giai cấp - dân tộc trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đại hội IV của Đảng cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Ngày nay Tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập thì dân tộc và chủ nghĩa xã hội là một”, “có chủ nghĩa xã hội, Tổ quốc ta mới có kinh tế hiện đại, văn hóa khoa học tiên tiến, quốc phòng vững mạnh; do đó bảo đảm cho đất nước ta vĩnh viễn độc lập tự do và ngày càng phát triển phồn vinh”(1).
Cương lĩnh năm 1991 của Đảng nêu bài học đầu tiên trong 4 bài học lớn của cách mạng Việt Nam như sau: “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc vẫn là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ hữu cơ với nhau”(2).
Đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, “nước mạnh” là một mục tiêu lớn vô cùng quan trọng. “Nước mạnh” thể hiện ở ba vấn đề sau đây:
Vấn đề thứ nhất: Luôn nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Luôn duy trì đủ khả năng bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống với các nội dung “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”(3).
Vấn đề thứ hai: Luôn tranh thủ tối đa những cơ hội phát triển thông qua mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thế giới toàn cầu hóa.
Vấn đề thứ ba: Luôn nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới. Vì " hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn", là điều kiện thuận lợi để phát huy chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân; Việt Nam giàu mạnh là nhân tố tích cực của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Tóm lại, “nước mạnh” là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Thứ ba: Về khái niệm “dân chủ”
Chúng ta phải hiểu; dân chủ nghĩa là nhân dân làm chủ, trước hết làm chủ về chính trị tức nhân dân là chủ thể của quyền lực trong quốc gia) vừa là động lực, vừa là mục đích và bản chất của chủ nghĩa xã hội.
 “Dân chủ" mà chúng ta đang nói ở đây không phải dân chủ chung chung dân chủ hình thức, dân chủ cho một số ít người. Mà dân chủ với tính cách một tiêu chí của CNXH ở Việt Nam là dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là dân là chủ đất nước và dân làm chủ mọi công việc của đất nước. Không chỉ làm chủ về chính trị mà còn làm chủ trong kinh tế, xã hội. Hồ Chí Minh chỉ rõ:
“Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiều quyền hạn đều của dân
Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của dân
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân
Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra
Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân(4)
Dân chủ là giá trị lớn của loài người trong lịch sử và trong thời đại ngày nay. Chúng ta nên phân biệt dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Qua tổng kết thực tiễn, Đảng ta đi đến nhận định quan trọng rằng muốn hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa phải hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa trong khuôn khổ pháp luật xã hội chủ nghĩa. Trong đó quan trọng nhất là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Dưới chủ nghĩa xã hội, dân chủ không chỉ là một chế độ nhà nước mà còn tồn tại với tư cách một chế độ tự quản của nhân dân đối với mọi hoạt động xã hội. Do vậy, vai trò quản lý xã hội của các đoàn thể nhân dân ngày càng tăng lên.
Thứ tư: Về khái niệm “công bằng”
Chúng ta khẳng định chắc chắn rằng: chủ nghĩa xã hội là chế độ đầu tiên trong lịch sử loài người được xây dựng trên nguyên tắc công bằng xã hội. việc xóa bỏ áp bức, bất công và những cơ sở nảy sinh áp bức bất công, xây dựng các điều kiện để con người phát triển tự do và toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc là mục đích của chủ nghĩa xã hội. Đây là điều khác biệt căn bản giữa chế độ xã hội chủ nghĩa với các chế độ xã hội có giai cấp.
Các học giả tư sản không đề cao giá trị công bằng mà đề cao giá trị “dân chủ” “tự do” (theo kiểu chủ nghĩa tư bản). Công bằng theo quan niệm tư sản là công bằng trên cơ sở chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, xem đó là quy luật tự nhiên, muôn đời. Đó là công bằng trên cơ sở kinh tế không công bằng, là hình thức.
Xã hội công bằng mà chúng ta quan niệm, là một trong những mục tiêu của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Công bằng xã hội mà chúng ta phấn đấu để đạt được là công bằng theo quan điểm của chủ nghĩa xã hội. Về kinh tế, công bằng thể hiện trên cả ba mặt: công bằng trong quan hệ sở hữu, công bằng trong tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất và hoạt động kinh tế nói chung, công bằng trong phân phối kết quả lao động, của cải vật chất, văn hóa. Đó là nguyên tắc làm theo khả năng, hưởng theo việc làm. Cống hiến ngang nhau thì hưởng thụ ngang nhau, không ai có đặc quyền, đặc lợi.
Công bằng xã hội trên lĩnh vực kinh tế là cơ sở, là điều kiện cốt lõi của công bằng xã hội nói chung. Ở nước ta, trong thời kỳ quá độ, công bằng xã hội với tính cách là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội thì chỉ có thể đạt tới khi chế độ công hữu tư liệu sản xuất phải dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại thì mới bảo đảm công bằng xã hội. Thực tiễn cho chúng ta thấy, chế độ công hữu tư liệu sản xuất được áp đặt một cách chủ quan duy ý chí, không dựa trên lực lượng sản xuất phát triển cao đã không đưa đến công bằng xã hội lâu bền mà chỉ đưa đến “công bằng” theo chủ nghĩa bình quân.
Tóm lại, tiêu chí “công bằng xã hội, phải bao hàm mục tiêu tiến tới chế độ công hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu gắn với lực lượng sản xuất hiện đại xã hội hóa cao.
Công bằng xã hội quan hệ mật thiết với “dân chủ”, đòi hỏi “dân chủ” vì dân chủ là điều kiện tiên quyết để thực hiện công bằng xã hội.
Thứ năm: Về khái niệm “văn minh”
Cũng như khái niệm “dân chủ”, khái niệm “văn minh” lần đầu tiên được xem như một mục tiêu, tiêu chí của chủ nghĩa xã hội. “Văn minh” là khái niệm rất rộng, rất chung, khá trừu tượng, có thể hiểu ở nhiều góc độ, do đó, với tính cách đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nội dung khái niệm “văn minh” cần phải được xác định cụ thể.
Theo quan niệm của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lênin, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không phải một xã hội biệt lập tách khỏi dòng chảy của nền văn minh nhân loại. Trái lại, chủ nghĩa cộng sản là kết quả tất yếu của sự phát triển của văn hóa, văn minh. Nền văn minh mà chúng ta cần phát triển và xây dựng là nền văn minh toàn diện và nhân bản nhất. Đó không chỉ là văn minh vật chất - kỹ thuật mà còn là văn minh tinh thần, không chỉ văn minh trong quan hệ giữa người với thiên nhiên mà còn là văn minh trong quan hệ giữa người với người, văn minh trong tổ chức xã hội, văn minh trong chất lượng cuộc sống và lối sống. Đó là nền văn minh của một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng”, nền văn minh của một xã hội do nhân dân làm chủ. Nền văn minh xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là kết quả của sự kế thừa những thành tựu của văn minh nhân loại kết hợp với sự kế thừa những giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc. Xã hội xã hội chủ nghĩa phải là một xã hội hiện đại, văn minh, giàu bản sắc dân tộc. Văn minh là đất nước do dân làm chủ; "Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại là chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnhphúc, có điều kiện phát triển toàn diện; Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; Có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”.
"Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" là những mục tiêu không tách rời nhau, bổ sung cho nhau, mục tiêu này làm cơ sở, điều kiện, tiền đề cho mục tiêu kia. Đó là những mục tiêu lâu dài, những giá trị bền vững, từng bước được hiện thực hóa trong quá trình đổi mới đất nước trên con đường xã hội chủ nghĩa.
                                                                                       Biển Đông

Nhận xét

Unknown đã nói…
nội dung bài viết rất sâu sắc
người yêu nước đã nói…
rất hay, nhưng ngắn gọn thì càng hay hơn
Nặc danh đã nói…
Viết ngắn rất khó, càng ngắn càng khó, cực ngắn là cả một quá trình.

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC