CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG THÔNG TIN SAI LỆCH VỀ DỊCH BỆNH COVID - 19


Trong những ngày qua dịch bệnh Covid - 19 lại có xu hương lây lan trở lại ở nước ta. Lợi dụng tình hình đó một số thế lực, người dân thiếu hiểu biết lo ngại thái quá đến mức tung tin đồn thất thiệt – “hoang tin” gây ra sự hoang mang trong dư luận xã hội. Mặc dù, những thông tin sai sự thật này dù cố tình hay do sự thiếu hiểu biết gây ra cũng đã tạo nên những hậu quả xấu đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid – 19 của Nhà nước, ảnh hưởng đến sản xuất – kinh doanh, đời sống sinh hoạt của nhân dân. Do vậy, việc nắm và xử lý thông tin một cách chính xác, có hiệu quả trước tình hình diễn biến khá phức tạp của dịch bệnh là vấn đề hết sức quan trọng trong công tác phòng, chống trước sự lây lan của dịch bệnh của mỗi người dân, của các cơ quan chức năng. Muốn thực hiện được điều trước hết chúng ta cần tổ chức quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, phải nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, không được chủ quan nhưng không lo lắng thái quá.
Dịch bệnh Covid - 19 bắt đầu bùng phát từ tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc đến nay đã bùng phát và lan rộng đến hơn 113 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến ngày 10/3/2020 thế giới hiện ghi nhận 114.285 ca nhiễm Covid - 19, 4.025 người tử vong và 62.841 người đã bình phục. Từ những con số trên gây ra tâm lý lo sợ của người dân cũng là tất yếu. Do đó, họ sẽ làm tất cả mọi cách có thể để phòng tránh Dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã bị thổi phồng so với mức độ nguy hại của nó. Trong quá trình phản ánh tình hình dịch bệnh, các phương tiện truyền thông toàn cầu, đặc biệt là các trang mạng xã hội dường như đã phản ứng quá mức dẫn đến sự lo lắng thái quá của người dân gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Hai là, chủ động phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với những thông tin sai lệch về dịch bệnh Covid - 19.
 Trước hết, mọi người dân hết sức tỉnh táo, cần chọn lọc thông tin, nâng cao trách nhiệm với những thông tin do mình đăng tải, chia sẻ lên môi trường mạng. Cảnh giác, chọn lọc thông tin, không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở. Mọi người dân hãy tiếp cận và chia sẻ thông tin từ các nguồn tin chính thống. Không chia sẻ những bài viết, những thông tin sai lệch để tiếp tay cho kẻ xấu. Những tin giả, tin nhiễu không chỉ gây tình trạng hoang mang trong cộng đồng, mà còn gieo nỗi sợ hãi cho xã hội, tạo kích động trong cộng đồng mạng có những hành vi không có lợi cho xã hội. Các cơ quan, các đơn vị chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh; chủ động kế hoạch, phương án phòng, chống, tham gia dập tắt dịch bệnh và bảo đảm an ninh, trật tự trong tình huống có dịch bệnh bùng phát tại các cơ quan, đơn vị, địa phương mình đảm nhiệm
Ba là, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vị  tung tin đồn thất thiệt, phản ánh sai lệch về tình hình dịch bệnh Covid – 19 ở nước ta.
Việc tung tin thất thiệt nhất là thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh Covid -19 gây hoang mang dư luận xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung tin thất thiệt như thế nào sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý theo Luật Hình sự, Luật An ninh mạng. Những người tung tin thất thiệt về dịch bệnh nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi Vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự. Những người có hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội cần bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội đưa thông tin hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet. Những trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,… thì người đăng tin cần phải bị xử phạt hành chính theo Nghị định 15/ 2020/ NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Trong trường hợp người dân phát hiện có tin đồn thất thiệt về dịch bệnh Covid - 19 thì phải thông báo ngay với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Để phòng chống lại dịch Covid - 19 một cách có hiệu quả, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của mọi người dân. Mỗi người dân hãy thực sự thận trọng khi tiếp cận và chia sẻ thông tin một cách tích cực và có trách nhiệm đối với cộng đồng, tránh làm nhiễu loạn thông tin về tình hình dịch bệnh.
PHẠM AN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC