BÁC HỒ VỚI VẤN ĐỀ GIÁO DỤC, RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng, trong đó Người đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[1].

1. Về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng của người đảng viên là bất kỳ khó khăn đến mức nào cũng kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng, làm gương mẫu cho quần chúng. Mọi đảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng; phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại chủ nghĩa cá nhân”[2]. Đồng thời, Hồ Chí Minh đã nêu lên chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên có sáu đức tính: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm, Trung. Người giải thích:
- Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn sàng chịu khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ uy quyền… Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì phải họ đều làm được.
- Nghĩa là ngay thẳng không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải dấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất cứ việc to, việc nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc trái thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.
- Trí, vì không có việc tư túi đó là mù quáng cho nên đầu óc trong sạch, sang suốt. Dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng, biết xem người, biết xét việc. Vì vậy mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cân nhắc người tốt, đề phòng người gian…
- Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. thấy khuyết điểm có gan sửa chữa, cực khổ khó khăn có gan chịu đựng, có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý không chính đáng, nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè nhút nhát.
- Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham người tang bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”[3].
 - Trung: Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trung là trung thành với sự nghiệp giữ nước, với mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Theo Hồ Chí Minh đạo đức cách mạng không phải là đạo đức thủ cựu, nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. Nói tóm lại, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là quyết tâm phấn đấu suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.
2. Về giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Theo Hồ Chí Minh, trước hết phải làm cho cán bộ, đảng viên thấy rõ mục đích giáo dục đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng giữ vai trò quan trọng hàng đầu vì người cán bộ, đảng viên là cái gốc của mọi công việc, “công việc thành công hoặc thất bại là do cán bộ tốt hay kém”. Người nhấn mạnh: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì song cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng dân tộc, giải phóng loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”[4].
Hồ Chí Minh coi đạo đức là cái gốc, cái nền tảng của người đảng viên. Theo Hồ Chí Minh thì đối với con người, sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa, người cán bộ, đảng viên phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng, vì sự nghiệp giành được độc lập cho dân tộc và xây dựng CNXH là sự nghiệp cách mạng khó khăn, gian khổ, to lớn và lâu dài. Muốn làm cách mạng thì con người phải có cái tâm, cái đức trong sáng. Có đạo đức cách mạng làm nền tảng cán bộ, đảng viên mới nhận rõ được mục đích động cơ vào Đảng của mình. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là kiên quyết xóa bỏ những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức phong kiến đã từng trói buộc nhân dân lao động vào lễ giáo hủ bại phục vụ cho chế độ đẳng cấp, nô dịch xã hội. Đạo đức cách mạng là đạo đức mang bản chất của giai cấp công nhân kết hợp chặt chẽ với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam với tinh hoa đạo đức nhân loại.
Giáo dục đạo đức cách mạng làm cho cán bộ, đảng viên nhận rõ mục đích, động cơ vào Đảng, tự nguyện đứng vào hàng ngũ tiên phong của giai cấp công nhân để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, làm đúng chính sách của Đảng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: ‘Mỗi đảng viên, mỗi người cán bộ, từ trên xuống dưới phải hiểu rằng; mình vào Đảng để làm đầy tớ cho nhân dân. Người nhấn mạnh: Làm đầy tớ nhân dân chứ không phải là “quan” nhân dân”[5]. Vào Đảng không phải để thăng quan tiến chức, “làm quan cách mạng đè đầu cưỡi cổ nhân dân” mà để gánh vác nhiệm vụ cách mạng, sẵn sang chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ, kể cả hy sinh tính mạng của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”[6]. Lý tưởng cao đẹp mà chúng ta đang phấn đấu thực hiện đã được Hồ Chí Minh xác định kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc và CNXH. Con đường đi tới lý tưởng ấy là con đường khó khăn gian khổ, là một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, không chỉ có một bầu nhiệt huyết và lòng yêu nước mà còn có cả sự thông minh, sáng suốt của khối óc, có nghị lực phi thường và tinh thần bất khuất của một chiến sĩ kiên cường, tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, nguyện phấn đấu hy sinh cho mục tiêu lý tưởng cao cả đó. Theo Hồ Chí Minh trong giáo dục đạo đức, một tấm gương sáng còn hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền, vì thế, Người thường xuyên nêu những tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên học tập. Người viết: “Trong Đảng ta các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”[7].
Theo Hồ Chí Minh, muốn trung thành với Đảng, với cách mạng, cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, học tập về chuyên môn nghiệp vụ, học ở trường học, học ở đoàn thể, học ở nhân dân để nâng cao hiểu biết của mình. Con người thực sự có đạo đức thì bao giờ cũng khiêm tốn, chịu khó học tập, phấn đấu để bồi dưỡng năng lực, nâng cao tài năng, trí tuệ của mình để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao phó.
Đạo đức cách mạng là ra sức thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và khiêm tốn, giản dị. Trong giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên, Hồ Chí Minh rất chú trọng đến giáo dục những phẩm chất cao quý cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… Đó là tinh thần lao động tích cực, siêng năng, táo bạo và sáng tạo; ngay thẳng, thật thà. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng khiêm tốn, giản dị trong lao động, trong học tập, trong công tác, có đời tư trong sáng “vị công vong tư”. Theo Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức không thể thiếu của một con người, cũng như bốn mùa của trời, bốn phương của đất, “thiếu một mùa thì không thành trời, thiếu một phương thì không thành đất, thiếu một đức thì không thành người”[8]. Vì vậy, người cán bộ, đảng viên giữ được cần, kiệm, liêm, chính là người chí công vô tư, tức là chính tâm than dân. Người cán bộ, đảng viên chính tâm tu thân thì luôn có ý thức phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, của Đảng lên trên hết, trước hết.
Giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên phải chú trọng cả đức lẫn tài, để làm tròn nhiệm vụ cách mạng của mình, người cán bộ, đảng viên vừa phải có đạo đức, vừa có tài năng, vừa có phẩm chất, vừa có năng lực. Hai mặt đó gắn bó chặt chẽ với nhau, không được thiếu mặt nào. Phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên phải căn cứ vào hoàn thành nhiệm vụ được giao phó, chứ không phải căn cứ vào lời nói về đạo đức, khoe khoang về tài năng.
Đạo đức của cán bộ, đảng viên là phải hòa mình với nhân dân, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Cán bộ, đảng viên là cầu nối giữa dân với Đảng, phải hòa mình với quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết chặt chẽ, tổ chức tuyên truyền vận động quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng. Hồ Chí Minh phê phán những cán bộ, đảng viên theo đuôi quần chúng hoặc làm những việc quan liêu mệnh lệnh, gò ép quần chúng, coi thường nhân dân.
Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh nội dung tự giáo dục, tự rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân. Trong giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên theo Hồ Chí Minh, học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi phải vất vả và khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ như ở trên đỉnh núi chỉ trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu. Vì thế, việc phấn đấu tu dưỡng của cá nhân phải bền bỉ hằng ngày, gạt bỏ mọi cám dỗ của đời thường, để không ngừng tiến bộ.
          Tư  tưởng Hồ chí Minh về vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm.  Ôn lại những bài học quý giá, những việc làm trong sáng của Người sẽ là dịp chúng ta soi chung tấm gương lớn, và mong sao mỗi người chúng ta ở mỗi cương vị, vị trí công tác đều học và làm theo Bác, để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.
                                                                      Nga Hằng


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12,  NXB CTQG, Hà Nội 2000
[2] Sđd, Tập 12, tr 288
[3] Sđd, Tập 5, tr 251 -252

[4] Sđd, Tập 5, tr 252- 253

[5] Sđd, Tập 12,  tr 222
[6] Sđd, Tập 11, tr 372
[7] Sđd, Tập 9, tr 284
[8] Sđd, Tập 5, tr 631

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC