Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI SỬ ĐỔI

 Trong gần 10 năm thực hiện Luật đất đai 2013, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhưng thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa khai thác đầy đủ thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác thu hồi đất, bồi hoàn, hỗ trợ tái định cư nhiều nơi chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người có đất thu hồi, nhà nước và nhà đầu tư. Khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra phức tạp. Vẫn còn “kẽ hở” dẫn đến một số cán bộ chuyên trách lĩnh vực đất đai ở các địa phương chuyển nhượng trái pháp luật… Do đó, sửa đổi Luật đất đai là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

          Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, kiều bào nước ngoài... Với kết cấu 16 chương, 237 điều, đặc biệt là nội dung có nhiều điểm mới như: Sửa quy định về đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ; Bỏ khung giá đất, sửa quy định về bảng giá đất, giá đất cụ thể; Bổ sung khoản thu tài chính từ đất đai (như thu tiền sử dụng đất hàng năm khi sử dụng đất kết hợp với các mục đích khác; Tăng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án chậm tiến độ); Bổ sung quy định về thời hạn sử dụng đất; Sửa đổi, bổ sung quy định người sử dụng đất; Bổ sung trường hợp thu hồi đất… Dự thảo Luật đất đai sửa đổi có ý nghĩa to lớn. Một mặt, Dự thảo Luật đã thể hiện tính thống nhất với quy định của Bộ Luật Dân sự, Luật doanh nghiệp; Luật kinh doanh bất động sảnLuật Đầu tư…; Mặt khác, từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, đóng góp vào ngân sách của từng địa phương và cả nước.

Tuy nhiện, hiện nay vẫn có một số người đang tìm cách xuyên tạc đường lối, chính sách pháp luật đất đai của Nhà nước, đưa ra luận điểm cũ đòi tư nhân hóa đất đai; đòi thay đổi chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Họ còn lợi dụng những vấn đề mới phát sinh đang còn hội thảo, trao đổi, lấy ý kiến... đã tung tin để thao túng thị trường bất động sản, tạo ra những bất ổn trên thị trường bất động sản nhằm trục lợi. Những luận điệu đó đi ngược lại với mong mỏi của nhân dân có một Luật Đất đai sửa đổi hoàn chỉnh nhằm điều chỉnh các quan hệ liên quan đến đất đai, góp phần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực về đất đai, phục vụ cho phát triển đất nước.

Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của đa số các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, Luật Đất đai sửa đổi sẽ được hoàn thiện, góp phần bảo đảm thực hiện hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; hướng tới thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định trong Nghị quyết đại hội XIII./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC