CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN - BIỆN PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO, SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG



 Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta đã nêu lên một luận điểm đặc sắc: “Một dân tộc, một đảng, và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn còn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Theo Hồ Chí Minh “chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”. Bởi vậy, đồng thời với rèn luyện đạo đức cách mạng phải kiên trì đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.
Biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, nó trái ngược với đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh cho rằng: “chủ nghĩa cá nhân là thứ vi trùng rất độc”, do nó mà sinh ra hàng trăm thứ bệnh rất nguy hiểm như: “kiêu ngạo”, “hiếu danh”, “óc hẹp hòi”, “óc lãnh tụ”… và các tệ nạn quan liêu, “coi thường tập thể”, “xem khinh quần chúng”, dẫn tới “xa rời quần chúng”, “xa rời thực tế”… vì vậy, chủ nghĩa cá nhân “là kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội. Theo Người, đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân là điều kiện để bảo đảm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”.
Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng Hồ Chí Minh không bao giờ coi nhẹ mà luôn coi trọng lợi ích cá nhân, sự phát triển của cá nhân, sở trường và tính cách riêng của mỗi người. Người khẳng định: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân nhưng không phải giày xéo lên lợi ích cá nhân. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu”. Người rất quan tâm đến việc giải quyết hài hoà lợi ích cá nhân trong mối quan hệ với lợi ích tập thể, lợi ích xã hội. Coi đó là biện pháp hữu hiệu để kích thích phát huy sức mạnh con người - động lực bao trùm, quan trọng nhất đảm bảo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội - với tư cách cá nhân người lao động.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng tinh thần làm chủ xã hội chủ nghĩa không phải xoá bỏ lợi ích cá nhân, mà trái lại, theo Hồ Chí Minh, Đảng nhà nước cần phải luôn chăm lo khuyến khích sự phát triển của những tính cách và năng khiếu của cá nhân, sở trường và tài năng cá nhân, càng không được phủ nhận vai trò và trách nhiệm của cá nhân trong sự nghiệp của tập thể. Đây chính là biện pháp tạo điều kiện phát triển mọi khả năng sẵn có của mỗi con người - một mục tiêu, một đặc điểm của chủ nghĩa xã hội theo quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin. Để làm được điều đó, đòi hỏi Đảng, nhà nước ta phải có được những chủ trương, chính sách đúng đắn trong đó đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cách mạng đồng thời không ngừng quan tâm đến sự phát triển, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân.
Như vậy, ở Hồ Chí Minh, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cần phải nhận thức rõ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tránh nhầm lẫn chủ nghĩa cá nhân với lợi ích cá nhân chân chính, tính cách cá nhân, năng khiếu, sở trường… của mỗi con người. Nhận thức đúng đắn và đầy đủ để phát huy mặt mạnh ở mỗi con người, tạo điều kiện cho họ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng.
Muốn đẩy lùi và xoá bỏ chủ nghĩa cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Để quá trình đó có kết quả theo Hồ Chí Minh rất cần biện pháp tự phê bình và phê bình một cách thẳng thắn và trung thực trên tinh thần đồng chí, anh em. Tự phê bình là nêu lên ưu điểm và vạch ra khuyết điểm của mình. Phê bình là nêu ưu điểm và khuyết điểm của đồng chí mình. Hai công việc này phải luôn đi liền với nhau, để cho mọi người học tập ưu điểm của nhau, phát huy mặt mạnh và giúp nhau sữa chữa khuyết điểm. Người lý giải, có khuyết điểm mà không thực hiện tự phê bình và phê bình đúng đắn thì nhiều khuyết điểm nhỏ sẽ cộng lại thành khuyết điểm to, rất tai hại; không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tiến bộ được. Cho nên, người cách mạng chân chính không sợ phê bình, luôn mong đồng chí, đồng nghiệp và những người xung quanh phê bình mình và bản thân cũng thường xuyên nghiêm túc tự phê bình mình. Người cũng cho rằng, chủ nghĩa cá nhân không dám tự phê bình cũng như không muốn người khác phê bình vì thế khó có thể tiến bộ được.
Có thể thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Người luôn coi đây là biện pháp quan trọng, cần tiến hành thường xuyên liên tục để thực sự có được những con người xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên” - nguồn nhân lực quan trọng nhất quyết định sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Không những vậy, đây cũng là biện pháp quan trọng để làm trong sạch Đảng, đảm bảo “Đảng là đạo đức, là văn minh”, tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc, để nhân dân mãi tin yêu, tín nhiệm sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong giai đoạn mới.
Hồ Chủ tịch vĩ đại đã đi xa, nhưng những tư tưởng về rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân của Người để lại vẫn còn nguyên giá trị. Kế thừa những tư tưởng đó của Người, Đại hội XII của Đảng xác định: “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng”. Trong giai đoạn hiện nay, để phát huy những thành tựu đã đạt được qua 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, cần chăm lo công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng - lực lượng lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam. Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta phải tự giác, thường xuyên, kiên trì trau dồi rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân - một bài học kinh nghiệm mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm nhắc nhở.

                                                                           Thảo Nga




Nhận xét

songdo294@yahoo.com đã nói…
sao gọi là chủ nghĩa cá nhân?
songdo294@yahoo.com đã nói…
sao gọi là chủ nghĩa cá nhân?

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC