GIỮ VỮNG TRẬN ĐỊA CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG, CHỐNG CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Hiện nay, trong khi nhân
dân ta đang nỗ lực đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước; tăng cường quốc phòng, an ninh, đấu tranh chống “diễn biến hòa
bình", bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, thì lại có người cho rằng “diễn biến
hòa bình" là do chúng ta “cố tình nặn ra”, là “sản phẩm trí tuệ không có
thực tế”; rằng, chúng ta đã cố tình thêu dệt để hù dọa nhân dân, để che đậy
khuyết điểm, chứ không có “diễn biến hòa bình"! Đây là một sự mơ hồ về
chính trị của một số người hay là một thủ đoạn chống phá mới của các thế lực
thù địch.
Chúng ta cần nhận thức rằng, khái niệm “diễn biến hòa
bình" không phải là sự “sáng tạo” của những người cộng sản, cũng không
phải là con "ngáo ộp" được thêu dệt nhằm hù dọa nhân dân, mà đó là
một chiến lược, là một sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc nhằm thủ tiêu chủ nghĩa
xã hội. Như vậy có thể khẳng định: “Diễn
biến hoà bình” là chiến lược cơ bản của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản
động, đứng đầu là Mỹ nhằm lật đổ chế độ chính trị - xã hội của các nước tiến
bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện
pháp phi quân sự”.
Như vậy nội dung chính của diễn biến
hòa bình là: Sử dụng mọi thủ đoạn phi quân sự, kết hợp với răng đe quân sự để
ngầm phá từ bên trong, tạo ra các lực lượng chính trị đối lập núp dưới chiêu
bài tự do, dân chủ, nhân quyền. Kích động các mâu thuẫn tôn giáo, dân tộc, sắc
tộc. Triệt để khai thác và lợi dụng những khó khăn, sai sót của Nhà nước hiện
hành, tạo nên sức ép ngày càng lớn buộc lãnh đạo nhà nước phải từng bước chuyển
hoá, thay đổi đường lối chính trị, nhường quyền lãnh đạo cho lực lượng đối lập.
Nhìn lại quá trình hình thành phát
triển chiến lược “Diễn biến hòa bình”:
Ngày
22 tháng 12 năm 1946 người đại diện của Mỹ ở Liên Xô, đã trình lên Chính phủ Mỹ
kế hoạch chống Liên Xô toàn diện: bao vây quân sự; phong toả kinh tế; lật đổ
chính trị; có thể dùng vũ lực can thiệp. Cũng thời gian này, giám đốc CIA (cơ
quan tình báo Mĩ) tuyên bố: Mục tiêu là phải gieo rắc ở Liên Xô sự hỗn loạn và
phải bắt đầu bằng chiến tranh tâm lí, thay giá trị của họ bằng đồ rởm và tìm
mọi cách ủng hộ và nâng đỡ đám gọi là “nghệ sĩ” để họ truyền bá bạo lực, đồi
trụy, chủ nghĩa vô liêm sỉ, phản bội… Từ đó chiến tranh tâm lí chống Liên Xô được
nâng lên hàng quốc sách ở Mỹ, gọi là chiến tranh tâm lí tổng lực. Trong hai năm
1949 - 1950, Mỹ đã chi 50 triệu đô la cho hoạt động chiến tranh tâm lí, năm
1949 Mỹ lập Uỷ ban Châu Âu tự do có đài phát thanh riêng (đài phát thanh “Châu
Âu tự do”). Như vậy đến thập kỷ 50, ý tưởng diễn biến hòa bình đã được bổ sung
cho chiến lược tiến công quân sự.
Những
năm 60 Tổng thống John F. Kennedy (J. Kennơđi) đưa ra chiến lược hoà bình, với
chính sách “mũi tên và cành ô lưu”. Từ đây diễn biến hòa bình bước đầu trở
thành chiến lược của chủ nghĩa đế quốc và luôn đi bên cạnh sức mạnh quân sự.
Những năm 70, Tổng thống Richard Nixon
(R. Nich-xơn) triệt để sử dụng chính sách ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt”.
Với chính sách này, Mĩ vừa đe doạ bằng sức mạnh quân sự, vừa mua chuộc bằng lợi
ích kinh tế nhằm khuất phục các nước, nhất là các nước chậm phát triển. Trên
thực tế, một mặt tiếp xúc hoà hoãn với các nước xã hội chủ nghĩa: Tiến hành
thẩm thấu tư tưởng và văn hoá, gieo rắc hạt giống phá hoại từ bên trong; thực
hiện đối thoại thay cho đối đầu đối với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.
Đàm phán trên thế mạnh là một phương sách của R.Nixon để thực hiện diễn biến
hòa bình trong giai đoạn này.
Những năm 80, lúc này các nước xã hội
chủ nghĩa thực hiện cải tổ, cải cách, đổi mới, đây là một chủ trương đúng đắn
nhằm làm cho xã hội chủ nghĩa phát triển. Nhưng quá trình thực hiện, có
một số sai lầm, kẻ địch lợi dụng và chúng dùng diễn biến hòa bình ráo riết tiến
công nhằm làm các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Năm 1988, R. Nixon xuất bản
cuốn sách “1999 chiến thắng không cần chiến tranh”. Đó là cơ sở làm mốc cho sự
hoàn chỉnh chiến lược diễn biến hòa bình về lí luận. Năm 1989, Tổng thống
George Bush (G. Bu-sơ) đi thăm một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu: Ba Lan,
Hunggari, đã phát hiện ra những mâu thuẫn trong nội bộ Đảng Cộng sản và những
sai lầm của Đảng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, G. Bush đã xúc tiến nhanh
chóng học thuyết “Vượt trên ngăn chặn”. Và vào cuối những năm 80 đầu những năm
90, diễn biến hòa bình được chủ nghĩa đế quốc thực hiện ráo riết, nó trở thành
một chiến lược tiến công mạnh mẽ vào các nước xã hội chủ nghĩa Đông âu và Liên
Xô, làm cho các nước này nhanh chóng bị sụp đổ.
Đối
với cách mạng Việt Nam: Ngày 3 tháng 2 năm 1994, Mĩ tuyên bố bỏ cấm vận
kinh tế với Việt Nam. Ngày 11 tháng 7 năm 1995, Mĩ tuyên bố bình thường hoá
quan hệ Việt - Mĩ. Ngay đêm 11 tháng 7 năm 1995 Tổng thống Mĩ - Bil Clintơn (B.
Clin-tơn) tuyên bố: “Việc bình thường hoá quan hệ của chúng ta
với Việt Nam không phải là kết thúc nỗ lực của chúng ta. Chúng ta sẽ tiếp tục
phấn đấu cho đến khi chúng ta có được những câu trả lời mà chúng ta có thể có”.
“Tôi tin tưởng rằng việc bình
thường hoá và tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa người Mĩ và người Việt Nam sẽ
thúc đẩy sự nghiệp tự do ở Việt Nam như đã từng diễn ra ở Đông Âu và Liên Xô
trước đây”. Như
vậy, âm mưu xuyên suốt của Mỹ đối với Việt Nam là, xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam càng nhanh càng tốt.
Vì sao Mỹ và các thế lực thù địch lại
luôn theo đuổi âm mưu đó? Các chiến lược gia phương Tây phân tích và cho rằng: Việt
Nam là ngọn cờ đấu tranh cho độc lập dân tộc và đang kiên quyết nhất trong việc
chống phá chủ nghĩa đế quốc. Nếu xoá bỏ được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, sẽ có
thêm nhiều thuận lợi để xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở các nước còn lại và uy hiếp
độc lập dân tộc của các nước khác. Cùng với
các lí do để xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, các chiến lược gia của Mỹ cũng
thấy được các trở ngại khi thực hiện âm mưu trên vì Việt Nam có một Đảng Cộng
Sản giàu truyền thống, có đội ngũ kế cận vững vàng. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
không những không sụp đỗ như Đông Âu và Liên Xô mà còn tiến lên; lòng tin của
nhân dân Việt Nam vào Đảng Cộng sản và chủ nghĩa xã hội ngày càng được củng cố.
Vì vậy, Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch luôn coi Việt Nam là một
trọng điểm chống phá. Mục tiêu là xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lôi
kéo Việt Nam vào quỹ đạo của chúng.
Phương châm chỉ đạo: Mềm, ngầm, sâu. Diễn biến hòa bình là chính
kết hợp răn đe quân sự có lựa chọn và khi có thời cơ, xây dựng lực lượng phản
động người Việt Nam ở trong và ngoài nước Việt Nam là chính: (ngụy quân, ngụy
quyền cũ không cải tạo, lực lượng phản động trong dân tộc, tôn giáo, trí thức,
văn nghệ sĩ, các phần tử thoái hoá biến chất, bất mãn trong các cơ quan Đảng,
Nhà nước và trong nhân dân ta); phá hoại càng cao, càng sâu càng tốt, phá có
trọng điểm, chui sâu leo cao vào
các cơ quan lãnh đạo của Đảng,
Nhà nước, lực lượng vũ trang, phá hoại kinh tế là trọng tâm.
Thủ
đoạn hoạt động chủ yếu: Từ diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ để tạo ra quá
trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” từ trong nội bộ chúng ta: Đảng, Nhà
nước, lực lượng vũ trang và nhân dân. Âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa
bình" của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam đến nay là nhất
quán, nhưng đã có nhiều thay đổi, không còn giữ nguyên nghĩa như trước. Nó đã
chuyển sang kết hợp thực hiện “diễn biến hòa bình" về tư tưởng, lý luận
với “diễn biến hòa bình" trên tất cả các lĩnh vực, với tiến công về chính
trị, công kích trực tiếp, trực diện vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng kết hợp xuyên tạc lịch
sử, lên án, phủ định sự nghiệp cách mạng và các cuộc kháng chiến chống xâm lược
đầy hy sinh gian khổ của nhân dân ta, với việc phủ định những giá trị hiện tại,
những thành tựu của sự nghiệp đổi mới, với việc làm lệch hướng tương lai phát
triển của dân tộc. Những thủ đoạn tiến công đó được chúng kết hợp với việc sử
dụng con bài pháp lý đòi Việt Nam phải thay đổi chế độ, chính sách, pháp luật
quốc gia; gắn với những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực,
nhất là tình hình Biển Đông.
Chúng kết hợp đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” với việc khuyến
khích, tạo điều kiện, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.
Những kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, pháp luật theo quan điểm dân chủ và giá trị
phương Tây, đòi hạn chế vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội,
đòi tự do báo chí (ra báo, nhà xuất bản tư nhân…), tự do lập hội (đòi thành lập
công đoàn độc lập), tự do hội họp, biểu tình, đòi xóa bỏ nhiều quy định trong
Bộ luật Hình sự liên quan đến lĩnh vực an ninh quốc gia..., cho thấy ngón đòn
“diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được chúng thực
thi rất ráo riết và đặc biệt nguy hiểm.
Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phòng, chống
“diễn biến hòa bình” của nhân dân ta càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Tính
phức tạp, khó khăn trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” biểu hiện
ở chỗ, chúng ta khó phân định rạch ròi đâu là “diễn biến hòa bình”, đâu là
những hạn chế, khuyết điểm của chúng ta. Đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa
bình” hiện nay là một cuộc đấu tranh mang tính tổng hợp. Chúng ta cùng một lúc
phải đối phó với nhiều thế lực thù địch, ngăn chặn đồng thời nhiều nguy cơ đối
với cách mạng Việt Nam, để bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ
quốc, bảo vệ công cuộc đổi mới đất nước, bảo vệ thành quả cách mạng của nhân
dân ta. Đảng và nhân dân ta vừa phải đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa
bình” vừa phải ra sức khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, đặc biệt là những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ. Hay nói cách khác, chống “diễn biến hòa bình” phải gắn chặt với
đấu tranh khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương
4 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo: “Từ suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một
bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay
hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp
cách mạng của Đảng và dân tộc”
Đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” hiện nay là một
cuộc đấu tranh mang tính sống còn đối với chế độ xã hội và độc lập dân tộc, chủ
quyền quốc gia của nước ta. Cuộc đấu tranh này dù có muôn vàn khó khăn, nhưng
chúng ta chỉ có một sự lựa chọn, đó là: phải chiến thắng.
Lê Văn
Nhận xét