ĐẤU TRANH NGĂN CHẶN HOẠT ĐỘNG TRUYỀN ĐẠO TRÁI PHÉP Ở TÂY NGUYÊN HIỆN NAY

Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước, là nơi cư trú của nhiều tộc người, nơi hội tụ nhiều hình thức tín ngưỡng, tôn giáo; Quá trình du nhập và phát triển của các tôn giáo trong đồng bào dân tộc (tộc người) thiểu số thể hiện đặc trưng của một vùng dân tộc, miền núi, có tính phong phú, đa dạng nhưng cũng có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là sự phát triển không bình thường của một số hệ phái Tin Lành trong các tộc người thiểu số. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình” bằng các hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền để kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, thành lập tổ chức “Tin Lành Đề Ga” để tập hợp lực lượng chống phá ta, xúi dục, tổ chức quần chúng biểu tình bạo loạn, vượt biên trái phép.
Hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên thời gian qua tương đối ổn định, đại bộ phận các chức sắc tôn giáo và quần chúng có đạo bày tỏ sự phấn khởi tin tưởng vào chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là khi Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo đi vào cuộc sống, tuy nhiên thời gian qua vấn đề cần được quan đúng mức tâm là vấn đề truyền đạo trái pháp luật.
Truyền đạo trái phép là việc cá nhân, tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân hoặc chưa có tư cách pháp nhân bằng nhiều hình thức khác nhau đi tuyên truyền đạo vượt quá phạm vi mình phụ trách, chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương nơi truyền đạo, nhằm mục đích lôi kéo, phát triển người theo đạo. Theo nghĩa này có thể phân ra các hình thức truyền đạo trái phép như sau: các cá nhân, tổ chức chưa được công nhận tư cách pháp nhân tôn giáo đi truyền đạo là bất hợp pháp; cá nhân, tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân được phân công phụ trách một địa bàn cụ thể nhưng nhưng đi truyền đạo vượt quá địa bàn mình phụ trách; thông qua các hoạt động từ thiện xã hội, giúp đỡ về vật chất những vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn để tuyên truyền lôi kéo người theo đạo.
Ba hình thức trên diễn ra khá phổ biến trên địa bàn Tây Nguyên, nhất là những năm trước khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo ra đời và chủ trương bình thường hóa với đạo Tin Lành trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên hiện nay, việc truyền đạo trái phép chủ yếu do 2 tôn giáo Công giáo và Tin Lành thực hiện. Còn đối với Phật giáo và Cao Đài do tư tưởng và giáo lý của 2 tôn giáo này chủ yếu đề cao tinh thần giác ngộ, tự nguyện nên không có những chức sắc cá nhân lén lút truyền đạo mà chủ yếu do mỗi cá nhân mỗi người cảm thấy có đức tin thì theo đạo.
Nghiên cứu hoạt động truyền đạo trái phép trên địa bàn Tây Nguyên có thể khái quát thành những điểm chủ yếu như sau:
          Một là, lợi dụng các hoạt động tuyên truyền củng cố đức tin, phát triển tín đồ, đào tạo chức sắc để chuẩn bị lực lượng chống phá cách mạng ngay trong Công giáo và Tin Lành.
          Trong thời gian qua hoạt động truyền đạo, phát triển tín đồ, đào tạo chức sắc, xây dựng cơ sở thờ tự... ở Tây Nguyên được các tổ chức tôn giáo đặc biệt quan tâm, nhất là Công giáo và Tin Lành, thu hút sự tài trợ, giúp đỡ khá nhiều của các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài. Bên cạnh những hoạt động thuần túy tôn giáo, hợp pháp, có cả các hoạt động truyền đạo bất hợp pháp, có trường hợp gắn với mưu đồ chính trị của các thế lực thù địch nhất là việc truyền bá “Tin Lành Đề Ga” và một số hệ phái khác của đạo Tin Lành. Lợi dụng việc tự phong, tự lập trái phép, các mục sư, truyền đạo đã đẩy nhanh các hoạt động lôi kéo, ép buộc người theo đạo... từ những hoạt động đơn lẻ, lén lút chuyển sang hoạt động tập trung đông người, khá rầm rộ ở các thôn, buôn, thực chất, đây là hoạt động tranh giành ảnh hưởng trong đồng bào tín đồ, tập hợp, lôi kéo đồng bào các dân tộc thiểu số và tôn giáo vào các hoạt động phản cách mạng.
          Hai là, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, xúi dục đồng bào các tôn giáo đòi yêu sách, công khai đấu tranh chống chính quyền nhân dân, móc nối, tổ chức vượt biên trái phép sang Campuchia.
Thông qua hoạt động truyền đạo, các hoạt động xã hội - từ thiện, các đoàn đến thăm và tặng quà cho đồng bào có tôn giáo cùng với sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền nói xấu Đảng, nói xấu chế độ, làm lung lạc lòng tin trong nhân dân, kích động chia rẽ đoàn kết đồng bào giáo với đồng bào lương, đồng bào các tộc người thiểu số theo đạo Tin Lành với người Kinh, xúi dục tín đồ đấu tranh đòi yêu sách, gây sức ép với chính quyền địa phương.
Trong thời gian qua ở hầu hết các tỉnh Tây Nguyên đều có các vụ tranh chấp, khiếu kiện đòi lại các cơ sở tôn giáo cũ hoặc xây dựng, cơi nới trái phép, tổ chức các điểm nhóm họp, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trái phép, khi chính quyền có phản ứng thì chúng vu cáo chính quyền “vi phạm chính sách tự do tín ngưỡng”, “đàn áp tôn giáo”, “vi phạm nhân quyền”, kích động tín đồ chống đối, khi có điều kiện thì chuyển từ tranh chấp, khiếu kiện thành bạo loạn chính trị.
          Ba là, lợi dụng chủ trương hợp tác, mở rộng hội nhập quốc tế để tăng cường quan hệ móc nối với các tổ chức tôn giáo ở nước ngoài, tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ tiền của và phương tiện hoạt động.
          Sự phát triển mạnh mẽ của các tôn giáo ở Tây Nguyên trong thời gian qua nhất là Công giáo và Tin Lành do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự hà hơi, tiếp sức từ bên ngoài qua nhiều con đường công khai hoặc bí mật, hợp pháp, bất hợp pháp. Thông qua các hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tôn giáo ở nước ngoài để tuyên truyền phát triển đạo, tạo điều kiện vật chất cho các tổ chức tôn giáo trong nước hoạt động, xây dựng, sửa chữa các cơ sở tôn giáo để phô trương thanh thế. Mặt khác chúng buộc chặt các tổ chức tôn giáo trong nước với nước ngoài để chỉ đạo trực tiếp, kèm theo đó là sự chỉ đạo về đường hướng hoạt động, củng cố đức tin, phát triển tín đồ, mở rộng cơ sở thờ tự, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và những cách thức đối phó với chính quyền trong các vụ tranh chấp, khiếu kiện…
          Bốn là, tăng cường câu kết với bọn phản động lưu vong, kết hợp lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo với lợi dụng vấn đề dân tộc để xây dựng cơ sở ở Tây Nguyên, thực hiện chống phá cách mạng cả trước mắt và lâu dài.
          “Tôn giáo hoá” các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, kết hợp chặt chẽ lợi dụng vấn đề tôn giáo với lợi dụng vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền là khâu then chốt trong âm mưu, thủ đoạn phá hoại Tây Nguyên của các thế lực thù địch. Chúng vừa ra sức kích động tư tưởng hẹp hòi, kỳ thị dân tộc, địa phương chủ nghĩa..., vừa dùng tôn giáo như một công cụ, phương tiện hữu hiệu để thực hiện âm mưu “tự trị” ở Tây Nguyên.
Gần đây, bọn phản động lưu vong và các thế lực thù địch đặt mục tiêu đấu tranh đòi thành lập “Nhà nước Đề Ga độc lập” ở Tây Nguyên với phương thức, thủ đoạn: đấu tranh chính trị bên ngoài để quốc tế thừa nhận, kết hợp tuyên truyền tác động vào trong nước, lợi dụng quần chúng, kích động tụ họp đông người, tạo cớ gây sức ép với chính quyền, từng bước chuyển hoá thành đấu tranh vũ trang để công khai, hợp pháp hoá “Nhà nước Đề Ga”. Hoạt động chủ yếu của chúng là lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, kích động tín đồ chống lại chính quyền địa phương, tách Tin Lành của người Thượng ra khỏi Tin Lành của người Kinh, lấy “Tin Lành Đề Ga” làm ngọn cờ tập hợp lực lượng, xây dựng cơ sở chính trị để tuyên truyền cho “Nhà nước Đề Ga tự trị”, biến sinh hoạt của “Tin Lành Đề Ga” thành các cuộc tập dượt chống phá ta.
Dự báo trong những năm tới các thế lực thù địch sẽ tiếp tục tăng cường lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để tổ chức, chỉ đạo bọn FULRO hoạt động phá hoại trên tất cả các lĩnh vực, kích động ly khai, đòi “tự do tôn giáo”, lôi kéo, lừa mỵ quần chúng để phát triển “Tin Lành Đề Ga”. Chúng sẽ tiếp tục lôi kéo, đào tạo, bố trí nhân sự làm ngọn cờ trong tổ chức “Tin Lành Đề Ga”, xây dựng, củng cố Ban chấp sự ở từng thôn, buôn. Tổ chức này hoạt động theo xu hướng chuyển từ bí mật sang công khai, qua đó xây dựng Hội thánh cơ sở và tiến tới xây dựng cơ sở thờ tự. Được sự trợ giúp từ bên ngoài, các đối tượng cầm đầu, cốt cán của “Tin Lành Đề Ga” sẽ phô trương thanh thế, kết hợp hoạt động tôn giáo bất hợp pháp với hoạt động từ thiện rồi lấn sang các hoạt động của đoàn thể, chính quyềnLợi dụng các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức hoạt động nhân đạo, hợp tác, đầu tư, du lịch, bọn phản động, cực đoan nấp dưới danh nghĩa nhà truyền đạo như “mục sư”, “tình nguyện viên” để tiếp tục đi sâu tuyên truyền, rao giảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kích động ly khai với Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), thành lập các Ban chấp sự “Tin Lành Đề Ga” rồi từ đó xây dựng “khung chính quyền ngầm”, khôi phục các tổ chức phản động cũ.
Nguy hiểm hơn là chúng sẽ tiếp tục kích động đồng bào vượt biên trái phép sang Campuchia, đẩy đồng bào vào cảnh màng trời chiếu đất, tạo cớ cho các tổ chức quốc tế lập trại tỵ nạn, gây mất ổn định chính trị ở khu vực biên giới. Không loại trừ khả năng đây là chiêu bài tập hợp lực lượng, tổ chức huấn luyện số cốt cán của cái gọi là “Nhà nước Đề Ga” và “Tin Lành Đề Ga”.
Từ thực tế truyền đạo trái phép, cấp ủy chính quyền các cấp cần tập trung giải quyết vấn đề này thông qua các biện pháp như sau:
Thứ nhất, Ban tôn giáo các tỉnh ở Tây Nguyên cần phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh về việc hướng dẫn cho các tổ chức tôn giáo đăng ký chương trình mục vụ, phân công mục vụ cho các chức sắc tôn giáo phụ trách các địa bàn phù hợp với từng địa phương. Qua đó có thể biết được phạm vi hoạt động cụ thể của từng chức sắc nhằm quản lý và khắc phục tình trạng hoạt động tôn giáo vượt quá phạm vi phụ trách của các chức sắc, chức việc các tôn giáo; các huyện, thị xã, thành phố cần triển khai thực hiện việc bố trí cán bộ để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở quản lý các hoạt động tôn giáo trên địa bàn.
Thứ hai, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho số cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở, thực thế hiện nay cán bộ ở cơ sở làm công tác tôn giáo còn mới, chưa được đào tạo cơ bản, chưa am hiểu sâu sắc về tôn giáo, chưa nắm chắc các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác tôn giáo. Đề nghị Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên tăng cường kinh phí cho việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm công tác tôn giáo ở cơ sở. Việc củng cố, kiện toàn đội ngũ làm cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cần đặt ra một cách nghiêm túc, với yêu cầu vừa bám sát chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vừa xuất phát từ thực tế tình hình Tây Nguyên trong điều kiện hiện nay, có như vậy công tác nắm tình hình và xử lý vấn đề tôn giáo mới có hiệu quả.
Thứ ba, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, dồn sức cho cơ sở, nắm chắc tình hình mọi mặt các buôn làng; thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân để họ không hoạt động và nghe theo những kẻ truyền đạo trái phép, không để kẻ thù lợi dụng, làm tốt công tác chính trị tư tưởng, công tác dân vận, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng; phải đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp vận động cho phù hợp với Tây Nguyên (tính chất phác của đồng bào, nhận thức còn hạn chế, kinh tế còn chậm phát triển, địa bàn rộng đi lại khó khăn, cũng như kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, biến động với nhiều nhân tố phức tạp…) Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, các cấp, các ngành cần tập trung hướng về cơ sở để giải quyết tốt những vấn đề nêu trên.
Thứ tư, tập trung nâng cao đời sống vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, phải sớm có những cải cách, sửa đổi với những chủ trương, chính sách chưa phù hợp; khắc phục sự phân hóa giàu nghèo giữa các dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân, phải giải quyết vấn đề còn tồn đọng liên quan đến tôn giáo như khiếu nại đất đai cơ sở, nơi thờ tự… ; thực hiện ngay những chính sách kinh tế - xã hội mang tính đòn bẩy đối với kinh tế vùng nói chung, kinh tế các dân tộc thiểu số nói riêng, đặc biệt là chính sách nâng cao dân trí trong sự phát triển kinh tế vùng.

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý các hoạt động từ thiện nhân đạo, nhất là các dự án do các tổ chức phi chính phủ tài trợ, trong đó liên quan đến tôn giáo, đây là một kênh quan trọng nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ sẽ có tác động không nhỏ đến việc phát triển đạo trên địa bàn; phát huy các giá trị văn hóa trong tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống như cần duy trì tính thiêng trong sinh hoạt lễ hội, sinh hoạt tại nhà Rông hay ứng xử với rừng, núi, bến nước, sông suối… Việc duy trì các giá trị tín ngưỡng tôn giáo truyền thống sẽ giảm nguy cơ đứt gãy truyền thống tạo ra sự hẫng hụt trong quá trình giao lưu văn hóa, đó là giải pháp tinh thần, bồi đắp những giá trị chuẩn mực tạo nên sức đề kháng mạnh mẽ trong quá trình hội nhập. Cùng với đó, từng bước xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật có liên quan đến tôn giáo để tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.
                                                                                       Nguyễn Đình

Nhận xét

nguyễn nguyên đã nói…
bài viết rất bổ ích
người yêu nước đã nói…
cần phải kết hợp để tuyên truyền cho đồng bào Tây nguyên nêu cao tinh thần cảnh giác.

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC