GIÁ TRỊ VĨNH HẰNG CỦA CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945
"Không có gì quý hơn độc lập, tự do" không chỉ là nằm
trong trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn là lẽ sống, là một chân lý bất hủ có ý nghĩa
lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc. Đó là mục tiêu chiến đấu, là
nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp vĩ đại
đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc; đồng thời
còn là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân loại tiến bộ, đặc biệt đối
với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì cuộc sống
và hạnh phúc của mình. Ý nghĩa và giá trị to lớn của tư tưởng "Không có gì
quý hơn độc lập, tự do" đã được khắc sâu, in đậm vào con tim, khối óc của
mọi người dân Việt Nam, trở thành niềm tin, lẽ sống, mục tiêu và động lực phấn
đấu của toàn thể nhân dân Việt Nam. Và thành quả lớn lao nhất, vĩ đại
nhất mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đem lại là độc lập dân tộc, nền tảng của
tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi con người.
Tuy nhiên hiện nay có một số luận điệu xuyên tạc cho
rằng: Cách mạng tháng Tám thành công là một sự ăn may, họ cho rằng, khi phát
xít Nhật đã bị quân đồng minh đánh tan, chịu thất bại thảm hại và đầu hàng vô điều
kiện. Như vậy, ở Việt Nam xuất hiện “khoảng trống quyền lực”. Vì vậy Đảng đã
kêu gọi nhân dân đứng lên giành chính quyền để tận dụng khoảng trống đó. Vậy
đâu là sự thật?
Trước hết, cần hiểu rằng: Việc phát xít Nhật đầu hàng
đã tạo ra thời cơ khách quan thuận lợi cho cách mạng của nhiều nước ở khu vực
châu Á trong đó có Việt Nam, nhưng vì sao mà chỉ có cách mạng Việt Nam giành
được thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực tiễn lịch sử cho thấy: Cách mạng
tháng Tám nổ ra và thắng lợi, ngoài yếu tố khách quan thuận lợi thì cần phải
nhận thức một cách đầy đủ những điều kiện chủ quan đóng vai trò quyết định. Đó
là, sự chuẩn bị về lực lượng cách mạng để nắm lấy thời cơ, là nghệ thuật chỉ
đạo khởi nghĩa giành chính quyền dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam để đưa cách mạng đến thành công.
Một
luận điệu khác còn cho rằng:
Cách mạng Tháng Tám là “việc không nên làm” vì khi đó đã có chính phủ dân tộc
rồi. Cái lý do mà họ đưa ra cho "việc không nên làm" là vì theo họ, khi
thay thế Pháp, Nhật đã có chính quyền Trần Trọng Kim. Đây là dụng ý thâm độc,
nhằm làm méo mó bản chất và phủ nhận ý nghĩa, giá trị của Cách mạng Tháng Tám.
Ở đây, họ đã cố tình nhập nhằng "đánh lận con đen", làm đánh tráo bản
chất, tính chất giữa một cuộc cách mạng của nhân dân với một "chính
phủ" làm "tay sai bản xứ" cho ngoại bang; giữa một cuộc cách
mạng giành độc lập dân tộc, giành quyền lực cho nhân dân, mở đầu kỷ nguyên phát
triển mới của dân tộc: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với chính quyền
hướng "cơ đồ nước Việt Nam" phát triển dựa trên "lòng thành thực
của nước Đại Nhật Bản".
Chúng ta đều biết rằng, chính phủ Trần
Trọng Kim ra đời khi bộ máy hành chính thực dân mà Nhật muốn kế thừa từ Pháp đã
tan rã, việc thiết lập một bộ máy cai trị tay sai bản xứ được xem là vấn đề cấp
bách đối với Nhật. Ngày 30/3/1945, Trần Trọng Kim đang ở Băng Cốc được Nhật Bản
đưa về Sài Gòn, sau đó ra Huế thành lập chính phủ vào ngày 17/4/1945. Trần
Trọng Kim đã bày tỏ sự tri ân của mình rằng: “Không thể quên ơn nước Đại Nhật
Bản đã giải phóng cho ta”, và tin tưởng: “Trên nhờ lòng tin cậy của đức Kim
Thượng (Bảo Đại), dưới nhờ sự ủng hộ của quốc dân, ngoài tin vào lòng thành
thực của nước Đại Nhật Bản” để “mong nền móng xây đắp được vững vàng để cơ đồ
nước Việt Nam ta muôn đời trường cửu”. Như vậy, chính phủ Trần Trọng Kim thực
tế vẫn nằm dưới sự bảo hộ của quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương. Và như vậy,
những người nói rằng, “khi thay thế Pháp, Nhật đã có chính quyền Trần Trọng
Kim” thì hẳn họ cũng đã tự hiểu bản thân chính quyền ấy là ai và nếu có “độc
lập”, thì sự "độc lập" ấy là trong sự bảo hộ mới của thế lực bên
ngoài.
Chính phủ Trần Trọng Kim không thể là biểu
tượng cho sự thống nhất, quy tụ ý chí độc lập và khát vọng giải phóng của dân
tộc Việt Nam. Vì thế, chính phủ này đã tự đặt mình vào thế đối lập với xu thế
phát triển của lịch sử dân tộc và xu thế thời đại. Trên thực tế, nó chỉ là một
tổ chức bù nhìn, bất lực trước các nhiệm vụ tự nó đặt ra; là sản phẩm trực tiếp
của chính sách chiếm đóng, cai trị của phát xít Nhật trước sự thất bại không
tránh khỏi; vì thế sự nhanh chóng cáo chung của nó là một điều tất yếu.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - cuộc cách mạng giải
phóng dân tộc do nhân dân ta “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản, khác hẳn về bản chất của sự “giải phóng” do “Đại Nhật
Bản đã giải phóng”. Cuộc cách mạng ấy nổ ra là cần thiết, tất yếu khi: “Trong lúc này, nếu không giải quyết
được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân
tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà
quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Và, chúng
ta phải tích cực chuẩn bị lực lượng, để nay mai đây khi cuộc chiến tranh châu Á
– Thái Bình Dương và cuộc chiến tranh chống Nhật của nhân dân Trung Quốc thắng
lợi, thì với lực lượng hiện có chúng ta có thể tiến hành khởi nghĩa từng phần ở
từng địa phương, giành thắng lợi, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính
quyền trong cả nước” như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Ðảng đã
xác định.
Cần một lần nữa khẳng định rằng: Thắng
lợi của Cách mạng Tháng Tám đã dẫn đến sự ra đời của nhà nước công nông đầu
tiên ở Đông Nam Á. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, nhân dân lao động Việt
Nam từ thân phận bị nô lệ, bị áp bức bóc lột vươn lên làm chủ, giành chính
quyền về tay mình, đứng ra tổ chức xây dựng xã hội mới. Đó là cuộc cách mạng
không phải thay đổi chế độ bóc lột này bằng chế độ bóc lột khác, không phải là
thay đổi chế độ bảo hộ này bằng chế độ bảo hộ khác; mà là cuộc cách mạng nhằm
thủ tiêu chế độ bóc lột, áp bức, bất công, giành quyền tự do, tự chủ; là cuộc
cách mạng đưa nhân dân lao động lên làm chủ, thay đổi căn bản địa vị của họ
trong xã hội. Thắng lợi của
Cách mạng tháng Tám còn khẳng định rằng, trong điều kiện trào lưu của cách mạng
vô sản, cuộc cách mạng do một đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo không chỉ có
thể thành công ở một nước tư bản kém phát triển, nơi mắt xích yếu nhất của chủ
nghĩa đế quốc mà còn có thể thành công ở ngay một nước phong kiến và nửa thuộc
địa lạc hậu để đưa cả dân tộc đó đi lên theo con đường của chủ nghĩa xã hội.
Đây là sự phát triển rất sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều
kiện cụ thể của nước ta.
Chính vì vậy, Cách mạng Tháng Tám là
một sự nghiệp giải phóng sâu sắc và triệt để, là việc làm tất yếu của nhân dân
Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Luận điệu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là
“Sự ăn may”, là "việc không nên làm" thực chất là luận điệu phi lịch
sử, phản nhân dân, phản dân tộc, không thể đánh lừa được ai./.
Yến Chi
Nhận xét