ĐẤU TRANH PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM PHỦ NHẬN SỨ MỆNH LỊCH SỬ THẾ GIỚI CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN CỦA CÁC THẾ LỰC CHỐNG CỘNG DƯỚI MỌI MÀU SẮC
Trong giai đoạn
hiện nay, trước sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, người ta
lại thấy không ít những luận thuyết, quan điểm khác nhau hoà trong một dàn “hợp
xướng” tiến công chủ nghĩa Mác - Lênin, hy vọng có thể hạ bệ và thay thế chủ
nghĩa Mác - Lênin. Những luận thuyết phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công
nhân lại được nở rộ ở nhiều nơi. Người ta cố tình lập luận rằng, C. Mác đã gắn
cho giai cấp công nhân cái sứ mệnh mà nó không có chỉ bởi vì ông thương đó là
giai cấp nghèo khổ; rằng, chủ nghĩa tư bản đã thay đổi về chất, đã trở thành
“chủ nghĩa tư bản nhân dân”, nhà nước tư bản đã là “nhà nước phúc lợi chung”,
nó không còn dựa trên sự bóc lột lao động làm thuê nữa; rằng, công nhân ở các
nước tư bản không còn bị bóc lột nữa, địa vị của họ đã có sự thay đổi căn bản,
cho nên không còn sứ mệnh lịch sử nữa! ...
Có đúng là ngày
nay giai cấp công nhân đã mất vai trò lịch sử? Câu trả lời ở đây là: không phải
như vậy! Thực chất của những quan điểm trên là sự biện hộ cho địa vị thống trị
và bóc lột của giai cấp tư sản, biện hộ cho sự tồn tại “vĩnh hằng” của chủ
nghĩa tư bản trên cơ sở phủ nhận vai trò lịch sử khách quan của giai cấp công
nhân, phủ nhận tính tất yếu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Để làm rõ vấn đề
này cần phải dựa trên cơ sở luận chứng địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp
công nhân hiện nay gắn với việc làm sáng tỏ bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện
đại.
1. Phương pháp
luận trong xem xét vai trò lịch sử của một giai cấp là phải dựa trên cơ sở địa
vị kinh tế - xã hội của giai cấp đó trong xã hội, chứ không phải xuất phát từ ý
muốn chủ quan của bất kỳ một cá nhân hoặc một lực lượng xã hội nào. Trong lịch
sử, chế độ tư bản chủ nghĩa đã từng chiến thắng chế độ phong kiến bởi vì giai
cấp tư sản đại diện cho lực lượng sản xuất hiện đại, đại diện cho phương thức
sản xuất mới, dựa trên nền đại công nghiệp, tiến bộ hơn hẳn phương thức sản
xuất lạc hậu của chế độ phong kiến.
Đối với giai cấp công nhân, “Vấn đề là ở chỗ tìm hiểu xem giai cấp vô
sản thực ra là gì, và phù hợp với tồn tại ấy của bản thân nó, giai cấp vô sản
buộc phải làm gì về mặt lịch sử”. Trên cơ sở luận giải địa vị kinh tế - xã hội
của giai cấp công nhân trong xã hội tư bản, C.Mác và Ph.Ăng ghen đã đưa ra kết
luận khoa học: sự sụp đổ của giai cấp tư sản và sự thắng lợi của giai cấp vô
sản đều là tất yếu như nhau.
Điều kiện khách
quan quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không phải giai cấp này là
giai cấp nghèo khổ, mà điều quyết định là do địa vị kinh tế - xã hội của chính
nó. Trong xã hội tư bản, các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự
phát triển của đại công nghiệp; trái lại, giai cấp công nhân là sản phẩm của
nền đại công nghiệp, là lực lượng sản xuất tiên tiến đại diện cho phương thức
sản xuất tiên tiến, phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa. Đây là điều quyết
định giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có sứ mệnh thủ tiêu chủ nghĩa tư
bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
Lấy sự nghèo khổ làm cơ sở để luận giải sứ mệnh lịch sử của giai cấp
công nhân là một lập luận phản khoa học và là mưu đồ hòng xuyên tạc chủ nghĩa
Mác - Lênin.
2. Lại có quan
điểm cho rằng, hiện nay ở các nước tư bản phát triển, giai cấp công nhân không
còn bị bóc lột như trước nữa; nó đã trở nên “trung lưu hoá” thậm chí trở thành
“nhà tư bản” khi đã có cổ phiếu trong các xí nghiệp, công ty. Đúng là hiện nay,
việc thực hiện cổ phần hoá ở các nước tư bản phát triển đang diễn ra với quy mô
ngày càng rộng khắp. Người dân hễ có tiền tích luỹ là có thể mua cổ phiếu ở xí
nghiệp, công ty cổ phần nào đó (ở Mỹ 10%, ở Anh 12% người lao động có cổ phần)
với hy vọng thu lợi tức cổ phần và lãi vốn.
Tuy nhiên, cần
khẳng định rằng, việc bán cổ phiếu cho công nhân không những không động chạm
đến quyền lợi của giới chủ, mà trái lại càng làm tăng thêm quyền lực kinh tế
cho bọn tư bản. Một chủ tư bản không cần một số lượng tư bản lớn cũng có thể
chi phối cả công ty, hoặc nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hết
sức lớn. Bán cổ phiếu cho người lao động chỉ diễn ra trong chừng mực không tổn
hại đến quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, đến lợi ích của giới chủ. Khi đã có
cổ phiếu, dù người công nhân có được những quyền lợi nhất định gắn với tình
hình sản xuất của Công ty và lợi tức do kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh
đem lại, nhưng thực chất nguồn lợi nhuận ấy chẳng qua là một phần giá trị thặng
dư do chính công nhân làm ra, chứ không phải bớt đi giá trị thặng dư mà giới
chủ tư bản đã bỏ túi. Vậy là, người công nhân không phải đã trở thành nhà “nhà
tư bản” theo cái cách người ta nói, mà là “thành nhà tư bản đối với chính
mình”.
Như vậy, công
nhân hiện nay dù có cổ phiếu với giá trị cao hơn trước cũng chẳng vì thế mà
thay đổi địa vị làm thuê và bị bóc lột trong xã hội tư bản. Chế độ cổ phiếu
thật sự là phương pháp hữu hiệu cột chặt người lao động là bắt họ lệ thuộc hơn
nữa vào giới chủ. Hy vọng thay đổi địa vị người lao động trở thành người chủ
thật sự ở các nước tư bản chủ nghĩa, do đó chỉ là ảo tưởng, hoặc đó là hành
động tự lừa dối mà thôi.
Giai cấp công
nhân nếu đã trở nên “trung lưu hoá”, thì cái sự “trung lưu hoá” ấy là sự phản
ánh mức sống của họ trong điều kiện mới chứ không phải làm thay đổi bản chất
cách mạng của giai cấp công nhân; đó là do tiến bộ chung của sự phát triển xã
hội và là kết quả đấu tranh liên tục, bền bỉ của chính giai cấp công nhân trong
đấu tranh chống giai cấp tư sản suốt nhiều thế kỷ qua. Sự phát triển của lực
lượng sản xuất và phân công lao động xã hội, cũng như sự biến đổi cơ cấu xã
hội, mức sống cao về vật chất, tinh thần của giai cấp công nhân làm cho diện
mạo của giai cấp công nhân hiện đại trong xã hội tư bản không còn giống như
những mô tả của C.Mác trong thế kỷ XIX. Đó là sự thật. Thế nhưng, từ những biến
đổi đó mà đi đến kết luận giai cấp công nhân không còn bản chất cách mạng nữa,
thì đó là sai lầm cả về chính trị và khoa học.
3. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen nhận định:
chủ nghĩa tư bản đã tạo ra lực lượng sản xuất hùng hậu hơn các thế kỷ trước
cộng lại. Trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, lực lượng
sản xuất đó càng được tăng lên nhanh chóng với những bước tiến nhảy vọt. Chính
những yếu tố đó là cơ sở vật chất giúp cho chủ nghĩa tư bản có thể tận dụng một
cách hữu hiệu những thành tựu khoa học - công nghệ mới để kéo dài tuổi thọ của
mình. Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản đã và đang tìm mọi cách điều chỉnh để
thích nghi với điều kiện mới.
Mặc dù có những thay đổi và đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế
trong những thập kỷ gần đây, nhưng trong lòng thế giới tư bản hiện đại, mâu
thuẫn vốn có của nó giữa lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất dựa
trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất không những
vẫn còn tồn tại, mà có mặt còn sâu sắc hơn là lan ra phạm vi rộng hơn. Đại hội
IX của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: chủ nghĩa tư bản hiện đại đang nắm ưu
thế về vốn, khoa học và công nghệ, thị trường, song không thể khắc phục nổi
những mâu thuẫn vốn có”.
Mâu thuẫn xã hội
cơ bản giữa giai cấp những người vô sản và giai cấp những người hữu sản; giữa
những người nghèo và những người giàu không chỉ còn trong phạm vi một quốc gia,
nó đã phát triển ở tầm quốc tế. Sự phát triển của các tập đoàn tư bản, các công
ty tư bản xuyên quốc gia tăng sự bòn rút tài nguyên và bóc lột nhân dân nhiều nước
thuộc “thế giới thứ ba”; các cuộc chiến tranh đẫm máu chống các quốc gia độc
lập có chủ quyền do chủ nghĩa đế quốc phát động... là nguyên nhân chủ yếu khiến
cho hơn 500 triệu người bị đe đoạ chết đói, 1,6 tỷ người sống trong cảnh khốn
cùng, 600 triệu người thất nghiệp, hơn 800 triệu người mù chữ... Tất cả điều đó
đã nói lên tính chất ăn bám, bóc lột, phản động và tất yếu diệt vong của chủ
nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc.
Rõ ràng, chủ
nghĩa tư bản niện đại dù có biến đổi, thích nghi thì về bản chất vẫn là chủ
nghĩa tư bản, là chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước ở trình độ cao, chủ nghĩa
tư bản độc quyền xuyên quốc gia, chứ không hề có sự thay đổi bản chất; nó vẫn
là chế độ bóc lột, bất công và đầy mâu thuẫn.
4. Theo
V.I.Lênin, chủ nghĩa đế quốc là “phòng chờ” đi vào chủ nghiã xã hội. Như thế,
phải chăng trong điều kiện mới, cùng với sự phát triển và tác động của cuộc
cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại thì “phòng chờ” đó càng được mở rộng
hơn. Đúng như vậy, với sự mở rộng “phòng chờ” đó, tất yếu sẽ diễn ra sự vùng
dậy của lực lượng sản xuất làm nổ tung toàn bộ cái quan hệ sản xuất đang trói
buộc nó. Những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, mà chủ
nghĩa tư bản đang lợi dụng để kéo dài tuổi thọ của nó, đang dần vượt ra khỏi
“sự kiểm soát của chính nó”. Do thực hiện chế độ cổ phiếu, nên giới chủ không
phải muốn làm gì cũng được mà không tính đến lực lượng cổ đông đông đảo là giai
cấp công nhân, tuy giá trị cổ phiếu của họ là nhỏ bé.
Trong điều kiện đó, Đảng Cộng sản, công đoàn, các tổ chức, đoàn thể của
giai cấp công nhân được mở rộng và hoạt động ngày càng phong phú hơn, tạo áp
lực đối với giới chủ ngày càng mạnh mẽ hơn. Phong trào cộng sản và công nhân ở
các nước tư bản phát triển ngày càng gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh của các
nước đang phát triển trong một mặt trận chung chống chủ nghĩa tư bản độc quyền,
chủ nghĩa đế quốc. Giai cấp công nhân ngày càng được rèn luyện và trưởng thành
trong đấu tranh chống giai cấp tư sản cả về chính trị và kinh tế trên quy mô
quốc gia và quốc tế.
Cần nhắc lại
luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Giai cấp
tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình mà nó còn tạo ra những
người sử dụng vũ khí ấy - những công nhân hiện đại, những người vô sản”. Luận
điểm nổi tiếng đó càng trở nên có ý nghĩa trong điều kiện lịch sử mới.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đối với những người
cộng sản, giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ trên thế giới, quả là một
thực tế nghiệt ngã và đau xót. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là chủ nghĩa
xã hội bị “tiêu vong”, giai cấp công nhân đã “mất vai trò lịch sử”: cũng không
làm mất đi ý chí phấn đấu và niềm tin vào tương lai xã hội chủ nghĩa của giai
cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Trái lại, giai cấp công nhân
có thêm những bài học quý giá về những vấn đề cơ bản của cách mạng, bài học sâu
sắc về “cách mạng phải biết tự bảo vệ”; càng nhận thức rõ hơn tính chất quyết
liệt, gay go của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong thời đại ngày
nay; càng hiểu rõ hơn những bước thăng trầm, những khúc quanh trên con đường
thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình.
Sân Đình
Nhận xét