CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA – GIÁ TRỊ TO LỚN ĐỐI VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Một trăm năm kể từ ngày nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười do Lênin lãnh đạo, biết bao sự kiện sôi động trên mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới đã diễn ra. Trong tất cả những sự kiện ấy, Cách mạng Tháng Mười Nga là một sự kiện có ý nghĩa, tầm vóc lịch sử vĩ đại, để lại những dấu ấn không thể phai mờ, ấn định cả chiều hướng phát triển của xã hội loài người, mang một sức sống bất diệt, mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đặc biệt đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười có giá trị vô cùng to lớn, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh dành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Khi nhân dân Nga tiến hành cách mạng vô sản thành công (07/11/1917), nhân dân Việt Nam vẫn đang chìm đắm trong đêm dài nô lệ. Mặc dù không ngừng vươn lên đấu tranh chống đế quốc và tay sai, song các phong trào yêu nước theo đường lối phong kiến hoặc theo khuynh hướng tư sản ở Việt Nam lúc này đều thất bại vì không đáp ứng được nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân lao động. Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc, sau nhiều năm bôn ba tìm con đường cứu nước đã đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười. Đến với Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa xã hội, những người yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX “tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”. Từ “cảm tình” đến niềm tin khoa học, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa xã hội là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi và chính Người đã dẫn  dắt nhân dân Việt Nam đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười.
Người đã có những nhận xét rất sâu sắc, toàn diện về Cách mạng Tháng Mười Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”(1). Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến chân lý về con đường giải phóng của Việt Nam, Người khẳng định rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.
Những định hướng cơ bản từ Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa phù hợp điều kiện cụ thể của nước ta, đưa cách mạng vượt qua nhiều khó khăn, liên tục giành được những thắng lợi to lớn, đó là:
Một là: Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.
Vai trò lãnh đạo của Đảng được C.Mác, Ph.Ăng-ghen khẳng định và trong Cách mạng Tháng Mười Nga, Lê-nin đã vận dụng rất thành công thông qua Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga (Bolshevik).
Nhận thức về vấn đề này, trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy.”(2).
Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu xây dựng những cơ sở ban đầu cho sự ra đời của một chính đảng kiểu mới ở Việt Nam theo nguyên tắc Mác-xít. Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, các tổ chức cộng sản lần lượt được thành lập: Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ. Tuy nhiên, sự tồn tại của 3 tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia là nguy cơ dẫn đến chia rẽ trong phong trào công nhân, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Yêu cầu bức thiết lúc đó là thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam và ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối, là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Hai là: Tập hợp, huy động lực lượng toàn dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng
Tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cần vận động tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam đang bị mất nước. Người luôn khẳng định đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam mà nhờ đó mới tạo nên nhiều chiến công lẫy lừng của dân tộc. Từ thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng, Người nêu cao chân lý: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công. Qua đó, lần lượt các tổ chức được thành lập như Mặt trận dân tộc thống nhất, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) nhằm đoàn kết và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, đánh đuổi Pháp, Nhật.
Trải qua các bước tìm tòi, thử nghiệm, tháng 11-1939 và đến tháng 5-1941, Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mới lần lượt đưa ra các quyết định: Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại… chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng” và nhiệm vụ đánh Pháp, đuổi Nhật không phải riêng của công, nông mà là nhiệm vụ chung của toàn thể nhân dân. Đến thời điểm này, quan điểm dựa vào sức mạnh toàn thể của nhân dân trong cộng đồng dân tộc làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do được thực thi trọn vẹn, tạo nên nguồn lực mạnh mẽ tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa dành thắng lợi.
Ba là: Tự chủ và sáng tạo, tranh thủ những điều kiện và thời cơ thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, chớp thời cơ khởi nghĩa
Trong Cách mạng Tháng Mười, Lênin và Đảng Bolshevik Nga đã có sự chuẩn bị chu đáo, trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình đã chớp thời cơ khởi nghĩa sớm một ngày, làm cho chính phủ lâm thời tư sản hoàn toàn bất ngờ và sụp đổ nhanh chóng, Cách mạng Tháng Mười thắng lợi hoàn toàn trên phạm vi cả nước Nga rộng lớn chỉ trong thời gian ngắn.
Ở Việt Nam, từ sự chuẩn bị mọi mặt cho cách mạng về đảng chính trị, về lực lượng, về cách thức, phương pháp tiến hành cách mạng, cùng trình độ nhận thức nhạy bén, đánh giá đúng tình hình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Chấp hành Trung ương Đảng có những nhận định sáng suốt và quyết định táo bạo. Sau khi biết tin thắng trận của Hồng quân Liên Xô và quân đồng minh trên chiến trường châu Âu đánh bại phát xít Đức, tiếp đó quân đồng minh tiến hành phản công trên Mặt trận châu Á - Thái Bình Dương và trong nước, phong trào đấu tranh của nhân dân diễn ra dồn dập, lực lượng chính trị, vũ trang phát triển nhanh chóng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cần chuẩn bị hết sức gấp rút để phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền đúng thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa.
Mặc dù đang ốm nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cơ sở chọn lọc những yếu tố tích cực của mô hình tổ chức nhà nước Xôviết và các nhà nước dân chủ khác, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Như vậy, dưới ánh sáng soi đường của Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ phong kiến, đập tan ách thống trị của thực dân, làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Châu Á. Tiếp đến là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, viết nên bản hùng ca Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện trọn vẹn lời Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, làm nên khúc tráng ca khải hoàn Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Lào và Cam-pu-chia.  
Ngày nay, sau sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch đã và đang chống phá quyết liệt, mưu toan phủ nhận mọi thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga và cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng vĩ đại, đó là Chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhiều chính trị gia phản động, xét lại, cơ hội chính trị đã coi Cách mạng Tháng Mười là “một sai lầm của lịch sử”, là “một cuộc cách mạng đẻ non”. Đây là những quan điểm xuyên tạc, bóp méo lịch sử, phủ nhận vai trò to lớn của cuộc cách mạng mở ra thời đại lịch sử mới cho nhân loại.
Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Đó vừa là tư tưởng, tình cảm, vừa là sự lựa chọn cách thức, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng để từng bước hiện thực hóa con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn - con đường Cách mạng Tháng Mười Nga.
                                                                                         Vân Anh



(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 304

(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 289

Nhận xét

Unknown đã nói…
bài viết rất hữu ích!

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC