GIÁ TRỊ THỜI ĐẠI CỦA "TUYÊN NGÔN ĐẢNG CỘNG SẢN"

Cách đây 170 năm, được sự ủy nhiệm của “Đồng minh những người Cộng sản”, ngày 24-2-1848, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ănghen soạn thảo lần đầu tiên được công bố trước toàn thế giới. Sự ra đời của tác phẩm vĩ đại này đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận của chủ nghĩa Mác gồm ba bộ phận hợp thành: triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là văn kiện cương lĩnh đầu tiên của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới tiến hành cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản, đi lên chủ nghĩa xã hội và tiến tới chủ nghĩa cộng sản.
Mục đích của tác phẩm như C.Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ rõ: “Hiện nay đã đến lúc những người cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, ý đồ của mình và phải có một Tuyên ngôn của Đảng của mình để đập lại một câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản”. Mác và Ăngghen đã tập trung sức lực, trí tuệ để hoàn thành “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” trong một thời gian rất ngắn và lần đầu tiên được xuất bản tại Luân Đôn. ít lâu sau, Tuyên ngôn được xuất bản bằng nhiều thứ tiếng ở nhiều nước khác nhau và mỗi lần tái bản được dịch sang một thứ tiếng khác đều được tác giả viết lời tựa mới.
Tuyên ngôn được trình bày làm 4 chương với nội dung rất phong phú và cô đọng (Chương I: Những người tư sản và những người vô sản; chương II: Những người vô sản và những người cộng sản; chương III: Văn học xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa; chương IV: Thái độ của những người cộng sản với các đảng đối lập). Cuối tác phẩm có ghi khẩu hiệu chiến đấu của những người cộng sản: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”.
Tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” có ý nghĩa lịch sử. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người thực hiện được cuộc cách mạng tư tưởng với đỉnh cao của trí tuệ khám phá và hệ thống hóa những quy luật vận động của giới tự nhiên, xã hội và tư duy của con người. Toàn bộ thành tựu trí tuệ của loài người được tổng kết, khái quát. Lênin viết: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng ngàn bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thế giới giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”.
Theo Tuyên ngôn, sự ra đời của Đảng Cộng sản là tất yếu để đảm bảo cho giai cấp vô sản hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Những cuộc đấu tranh đã tạo điều kiện cho giai cấp vô sản đoàn kết thành tổ chức. Sự tổ chức như vậy thành chính Đảng. Sự tồn tại, phát triển của Đảng vì sứ mệnh của giai cấp vô sản. Đảng kết thúc vai trò khi sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản hoàn thành.
Sự ra đời của Tuyên ngôn Đảng Cộng sản và sau đó là sự hình thành, phát triển của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XX đã vấp phải sự “đáp trả” không ngừng nghỉ của chủ nghĩa tư bản và các thế lực chống phá. Khi Liên Xô và Đông Âu tan rã vào cuối thế kỷ XX, phía tư bản và nhiều người khác đã tin rằng, chủ nghĩa xã hội chỉ là một hiện tượng và chính thức kết thúc sứ mệnh. Điều đó có nghĩa, Tuyên ngôn Đảng Cộng sản cũng đã khép lại vai trò, ý nghĩa của nó, thậm chí cho rằng đó chỉ là một áng văn lỗi thời, khép lại cùng sự lụùtàn của chủ nghĩa xã hội, đã đến lúc “đưa Tuyên ngôn vào ngăn kéo”.     
Tuy nhiên, những diễn biến lịch sử đã và đang cho thấy giá trị lý luận vượt thời đại của bản Tuyên ngôn. Các nước đi lên chủ nghĩa xã hội ngày nay chỉ còn lại thiểu số nhưng khuynh hướng, trào lưu đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn là sự vận động lịch sử, xã hội loài người tất yếu đi theo quỹ đạo với sự khẳng định có tính quy luật được đúc kết trong Tuyên ngôn. Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa.
Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trải qua những khúc ngoặt quanh co với rất nhiều vấn đề đặt ra chưa có trong tiền lệ. Càng đi vào chỉ đạo thực tiễn, Đảng Cộng sản Việt Nam càng nhận thức được rằng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bởi vậy, trong bài nói chuyện tại Trường Đảng Cao cấp Nico Lopez (Cuba), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong những năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thi kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; từng bước khắc phục một số quan niệm đơn giản trước đây như: đồng nhất mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ của giai đoạn trước mắt; nhấn mạnh một chiều quan hệ sản xuất, chế độ phân phối bình quân, không thấy đầy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ; đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản; đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản...”
Trải qua mọi thử thách, hơn 170 năm qua, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tòi qua nhiều biến động, nhiều vấn đề mới đặt ra đòi hỏi giải quyết nhưng chủ nghĩa Mác không hề lỗi thời như một số quan điểm. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã đặt nền tảng tư tưởng cho những vấn đề về Đảng và xây dựng Đảng. Những tư tưởng đó có ý nghĩa thiết thực trong công tác xây dựng Đảng của Đảng ta. Đó là về vai trò của Đảng, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta nhất quán quan điểm sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định mọi thắng lợi của cách mạng và là tất yếu trong tất cả các giai đoạn cách mạng. Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta khẳng định vấn đề nâng cao bản chất giai cấp công nhân là tư tưởng xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng để bảo đảm cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo. Sự thống nhất lợi ích của Đảng và giai cấp - tư tưởng này làm cơ sở cho những chủ trương xóa những đặc quyền, đặc lợi của Đảng.
Trong đường lối cách mạng, Đảng ta luôn quán triệt và vận dụng tư tưởng cốt lõi của Tuyên ngôn. Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016), trong phàn xây dựng Đảng chỉ rõ: “Trước hết, phải chú trọng xây dựng Đảng về chính trị. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”.
                                                                                                                NNL

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC