TÔN GIÁO ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC “NƯỚC VINH ĐẠO SÁNG”
Việt Nam được xếp thứ ba trên thế giới về
mức độ đa dạng tín ngưỡng, tôn giáo. Với đường hướng hoạt động gắn bó, đồng
hành cùng dân tộc, các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia và thực hiện các
hoạt động từ thiện, nhân đạo, công tác y tế, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo....
Tín đồ các tôn giáo là lực lượng đông đảo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã
hội, đã và đang góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm qua, đồng bào các tôn giáo
đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, có những
đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tôn giáo đã tập
hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn đạo với đời, tôn giáo với dân tộc để cho
"nước vinh đạo sáng" luôn là tâm nguyện của mọi người bao đời nay.
Ấy thế mà những người không mấy thiện cảm với người cộng
sản và chủ nghĩa xã hội, các thế lực thù địch cùng các tổ
chức, cá nhân thiếu thiện chí lại ra sức tung tin xuyên tạc, bịa đặt về tình
hình tôn giáo tại Việt Nam. Chúng lợi dụng một số phần tử đội lốt tôn giáo, vi
phạm luật pháp và bị pháp luật xử lý để vu cáo Việt Nam đàn áp tôn giáo, ngăn
cấm xây, sửa nơi thờ tự, cản trở các hoạt động tín ngưỡng của các chức sắc tôn
giáo, nhà tu hành,… Không những thế, các tổ chức thiếu thiện chí ở nước ngoài
đã dựa trên những thông tin bịa đặt từ một nhóm người có hoạt động chống Nhà
nước Việt Nam để đưa ra những luận điệu vu cáo “Việt Nam đàn áp, tấn công tôn
giáo”.
Trên thực tế, mọi tôn giáo ở Việt
Nam đều bình đẳng trước pháp luật, được pháp luật bảo vệ, được tự do hoạt động
trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Tuyệt nhiên không một tôn giáo nào hoạt
động đúng pháp luật mà bị chính quyền ngăn cấm. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo
luôn gắn bó với quốc gia, dân tộc theo phương châm “Đạo pháp dân tộc và CNXH”,
thực hiện “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, “nước vinh đạo sáng”, vừa làm tròn
bổn phận của tín đồ đối với tôn giáo, vừa hăng hái lao động sản xuất, góp phần
cùng toàn dân đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới CNH,HĐH xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc.
Ngay từ năm 1945, chỉ sau một ngày khai sinh ra nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng
tự do, lương giáo đoàn kết. Năm 1951, trước luận điệu xuyên tạc của kẻ địch về
nguy cơ cộng sản tiêu diệt tôn giáo, trong buổi kết thúc lễ ra mắt của Đảng Lao
động Việt Nam, Người khẳng định: "Chúng tôi... xin nói rõ để tránh mọi sự
hiểu lầm: ...về vấn đề tôn giáo thì Đảng Lao động Việt Nam hoàn toàn tôn trọng
quyền tự do tín ngưỡng của mọi người". Sau khi miền Bắc được giải phóng,
một số bà con tín đồ các tôn giáo còn băn khoăn về sinh hoạt tôn giáo trong chế
độ mới, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: Đảng Cộng sản chẳng những không tiêu diệt tôn
giáo mà còn bảo hộ tôn giáo; Đảng Cộng sản chỉ tiêu diệt tội ác người bóc lột
người, vì thế đồng bào có đạo rất an tâm. Ngày 10-05-1958, khi trả lời câu hỏi
của các cử tri Hà Nội: tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế
không?, Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc lại thái độ của người cộng sản đối với tôn
giáo rằng: ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam
cũng vậy.
Năm 1990,
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết 24 về công tác tôn giáo, xác
định: tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu
tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với
công cuộc xây dựng xã hội mới. Tiếp theo, Nghị quyết Trung ương 7, khóa IX (năm
2003) khẳng định: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ
phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các
tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc"… Gần nhất là luật
tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp
thứ 2 thông qua ngày 18 tháng 11 năm 2016 và có hiệu lực từ
ngày 01 tháng 01 năm 2018; tại khoản 1- Điều 3 quy định: "Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp
luật”. Tại Đại hội XII, Đảng ta
khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo”.
Như vậy, tôn giáo không đơn thuần chỉ là vấn đề đời sống tâm linh, tinh thần,
mà còn là vấn đề văn hoá, đạo đức, lối sống. Thông qua sinh hoạt vật chất và
tinh thần của con người, tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần tô đượm thêm sắc mầu
cho văn hoá dân tộc. Trên tinh thần đó, Đảng ta coi những giá trị văn hoá, đạo
đức tốt đẹp của tôn giáo có thể được tiếp thu, vận dụng vào công cuộc xây dựng
xã hội mới. Tuy nhiên, mọi hoạt động văn hoá của tôn giáo phải đặt trong khuôn
khổ pháp luật, thể hiện sự trân trọng, giữ gìn, bảo lưu những giá trị văn hoá
của dân tộc, làm cho văn hoá thực sự là mục tiêu, động lực của sự phát triển.
Không thể xem nhẹ những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đã từng ẩn chứa
và thể hiện qua tín ngưỡng, tôn giáo. Những điều cấm kỵ, răn dạy trong giáo lý
của các tôn giáo đều mang giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc. Tôn giáo nào
cũng mang tính trừ ác, hướng thiện, khuyên con người làm lành, tránh dữ, góp
phần khẳng định “cái đẹp, đồng thời lên án cái xấu, cái ác”. Chính điều đó đã
góp phần ngăn chặn, hạn chế những ham muốn, dục vọng ở con người – nhất là khi
nước ta đang chịu sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, lối sống tư
sản đã và đang thâm nhập vào trong đời sống xã hội. Đó chính là điểm tương đồng
giữa các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo với công cuộc đổi mới vì
dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Cả người cộng sản và người có tôn giáo đều có ước mơ về
một xã hội tốt đẹp và phấn đấu để đạt được ước mơ đó, nhưng phương pháp để đạt
mục đích ấy lại khác nhau. Những người cộng sản tìm thấy sự giải phóng trước
hết trong hiện thực vật chất, thực tế, nhờ tinh thần con người, như V.I Lê-nin
từng nói. Họ đem hết sức lực, trí tuệ để xây dựng "thiên đường" ngay
trên cõi trần, còn chủ nghĩa cơ đốc đem sự giải phóng đó đặt vào mai sau, đặt
trong "đời sống" sau lúc chết, đặt ở trên trời.
Nhân dân ta trải qua ba thập kỷ kháng chiến chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ với bao khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh; trong đó,
có không ít tín đồ và chức sắc các tôn giáo. Năm 1975, đánh dấu một trang sử
mới của lịch sử dân tộc - nước nhà thống nhất, giang sơn quy về một mối, cả
nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Hòa vào niềm vui chung của cả dân tộc với sự
kiện lịch sử trọng đại này, đồng bào các tôn giáo cùng toàn dân đang nỗ lực
thực hiện sự nghiệp xây dựng chế độ mới trên phạm vi cả nước.
Hơn 30 năm đổi mới, nhân dân ta đã thu được những thành
công quan trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, có lĩnh vực
tôn giáo. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo được cải
thiện, chức sắc và tín đồ các tôn giáo an tâm phấn khởi, ngày càng tin tưởng
vào chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước và cùng toàn dân tích cực
tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đã là người Việt Nam, dù theo tôn giáo này hay tôn giáo
khác; dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo; dù là dân tộc đa số hay thiểu
số; dù ở trong nước hay định cư ở nước ngoài; dù có tham gia phong trào giải
phóng dân tộc hay đã từng một thời lầm đường lạc lối... hẳn ai cũng đều mong
muốn Tổ quốc yêu quý của chúng ta cường thịnh, non sông đất nước ta tươi đẹp,
xã tắc bình yên, con người hạnh phúc, làm rạng danh Việt Nam trên trường quốc
tế. Khát vọng ấy đã, đang và sẽ mãi mãi là mẫu số chung, là sự tương đồng để
đoàn kết mọi người mang dòng máu Lạc - Việt, để "Tăng cường sự đồng thuận
giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo và những người không tín ngưỡng, tôn
giáo; giữa những người có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau", khẳng
định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo
đảm.
Lê Minh
Nhận xét