NHẬN DIỆN VÀ PHÊ PHÁN NHỮNG HÀNH VI LẠM DỤNG LỄ HỘI ĐỂ TRỤC LỢI
Lễ hội đầu xuân là sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam
từ ngàn đời xưa. Đến với lễ hội mọi
người đều mong ước cầu an, may mắn, sức khỏe cho gia đình và bản thân trong năm
mới.
Tuy
nhiên, nét đẹp văn hóa này đã ngày càng biến tướng khi tại rất nhiều lễ hội
diễn ra sự ẩu đả, tranh giành, giẫm đạp thậm chí đã có đổ máu chỉ để cướp các
vật phẩm tượng trưng cho sự may mắn. Những nơi thờ tự đáng lẽ cần sự tôn
nghiêm, thành kính bỗng chốc trở thành những cuộc hỗn chiến. Một số hoạt động
tín ngưỡng dân gian trong các lễ hội bỗng biến tướng thành hoạt động… tranh
cướp và người ta buộc phải làm quen với cụm từ “cướp lộc”, “cướp ấn”, “cướp hoa
tre”, “cướp phết”... Nhiều chốn
tôn nghiêm vì vậy bị trần tục hóa, không gian linh thiêng trở nên méo mó, biến
dạng.
Những hình ảnh phản cảm từ một số lễ hội vừa diễn ra đã phản
ánh tình trạng lạm dụng lễ hội, lợi dụng tâm linh để trục lợi… làm cho những ý
nghĩa tích cực của lễ hội bị lu mờ và các hành vi tiêu cực bùng phát. Dẫn đến
những hiện tượng này do một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, đó chính là sự mê tín. Chính tư tưởng mê tín tạo
nên hiện tượng buôn thần bán thánh nở rộ: bói toán, xóc thẻ, xin xăm, viết sớ,
đốt mã... trở thành một vấn nạn. Tất cả những cái đó đều là những tín ngưỡng có
tính chất mê tín rõ rệt và kéo một số lượng rất đông người đến lễ bái, góp phần
tạo nên sự quá tải của không gian lễ hội.
Để cầu may cho mình mà chen chúc dẫm đạp lên đồng loại để
dành được một mảnh ấn đền Trần tức là vì lòng tham mà quên mạng sống của người
khác. Vì bán ấn lấy tiền mà không tính đến sinh mạng nhân dân là vì lòng tham
mà quên lẽ hiếu sinh của con người. Đặt lòng tham lên đầu thì sao mà có được một
xã hội văn minh, hạnh phúc.
Thứ hai, vì lòng tham mà tranh thủ làm tiền những người dự
lễ hội. Hiện tượng chặt chém từ vật phẩm cúng dường đến tiền gửi xe, tiền đò
giang, tiền sắp lễ, tiền cơm nước... bất chấp qui định của ban tổ chức. Người
ta tranh thủ mỗi năm một lần nhặt nhạnh cái gọi là "lộc thánh", gây
ra những bức xúc, đôi co, thậm chí là bạo lực ở những chốn đáng lẽ dành cho tín
ngưỡng thiêng liêng, chốn giao tiếp lịch sự, thân ái, vui vẻ. Trong không gian
lễ nghi, đặt đầy những hòm công đức để tận thu tín tâm của người hành hương, một
số ban tổ chức đấu thầu các dịch vụ lễ hội rất cao để "làm kinh tế".
Thậm chí, trong các lễ hội, hiện tượng lạm dụng rượu bia,
hiện tượng cờ bạc, trộm cắp, hiện tượng háo danh qua các vật phẩm thích đạt
"kỉ lục" cũng rất phổ biến.
Có thể nói, những hành vi này đều là những biểu hiện lệch lạc,
biến tướng lợi dụng lễ hội, lợi dụng tâm linh để trục lợi của một số tổ chức,
cá nhân. Do đó, cần phải có những biện pháp linh hoạt nhằm chấn chỉnh hoạt động
lễ hội đúng với bản chất và phát huy được những giá trị văn hóa tốt đẹp của lễ
hội. Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên
truyền, giáo dục tâm linh, giáo dục cách ứng xử khi tham gia lễ hội, khi đến
các cơ sở thờ tự một cách có hệ thống. Điều quan trọng là phải nhận thức đúng
về những giá trị tích cực của lễ hội, không vì một số hiện tượng đơn lẻ mà làm
mất đi những cái hay, cái đẹp và giá trị thật của lễ hội. Chỉ khi thay đổi được
những hành vi nhỏ nhất theo hướng tích cực khi thực hành lễ hội mới mong thay
đổi được diện mạo nói chung của lễ hội.
BĂNG VI
Nhận xét