KIÊN TRÌ ĐẤU TRANH CHỐNG NHỮNG ÂM MƯU LỢI DỤNG VẤN ĐỀ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ QUỐC GIA ĐỂ CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Lợi dụng vấn đề chủ quyền lãnh thổ, trong đó có chủ quyền về biển, đảo để xuyên tạc sự thật, kích động dư luận và gây rối của các thế lực thù địch không phải là vấn đề mới; nhất là trước những sự kiện trọng đại của đất nước, chiêu bài này lại được chúng tung ra để chống phá cách mạng Việt Nam.
Hiện nay, khi thời điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng
càng đến gần, trên các trang mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều những thông
tin xuyên tạc vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Đây là những luận điệu
của các phần tử cơ hội, phản động, thường xuyên rình rập cơ hội để chống Đảng,
chống Nhà nước và gây xáo trộn cuộc sống ổn định, hòa bình hiện nay của nhân
dân Việt Nam. Chúng rêu rao rằng: “Đảng, Nhà nước Việt Nam coi trọng việc tổ
chức đại hội Đảng hơn vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo”; hoặc cố tình
xuyên tạc quan điểm, đường lối, chủ trương đấu tranh giữ vững chủ quyền lãnh
thổ của Tổ quốc thông qua những “thuyết âm mưu” nhuốm màu kích động như: Việt Nam
lôi bè kéo cánh, đi với nước này, chống nước kia; và rằng, không đánh
nhau thì mất biển, mất đảo, thế nước lâm nguy…
Thực tế là trong quá trình dựng nước và giữ nước, khi
chủ quyền lãnh thổ quốc gia đứng trước những thách thức hoặc bị xâm phạm, lòng
yêu nước được người dân thể hiện bằng cách dồn tối đa sự quan tâm, thường xuyên
dõi theo những thông tin liên quan. Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng thù địch
đưa ra những thông tin sai sự thật hòng bẻ lái dư luận, kích động người dân
nhằm mục đích cuối cùng là xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước,
chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước và quân đội. Cụ thể, cùng
với việc phê phán các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền
Việt Nam, các đối tượng này cũng đồng thời quy chụp lãnh đạo cấp cao Đảng và
Nhà nước ta phản ứng chậm hoặc né tránh, không dám đối đầu, đang tâm để chủ
quyền lãnh thổ quốc gia bị đe dọa. Mưu đồ cốt lõi của những luận điệu này là
khiến lòng dân mất yên, dần mất niềm tin vào lãnh đạo Đảng, và Nhà nước. Càng
nguy hiểm hơn khi nhiều đối tượng lợi dụng vấn đề chủ quyền lãnh thổ, trong đó
có chủ quyền biển, đảo để kích động, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình, thể
hiện “lòng yêu nước”, từ đó gây mất an ninh, trật tự xã hội và kiếm cớ để tiếp
tục chống phá.
Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia cũng như cuộc sống
hòa bình, ổn định là vấn đề chiến lược, việc đại sự, đòi hỏi phải có chủ
trương, đường lối, đối sách đúng đắn, phù hợp, hiệu quả và bền vững. Do đó,
chúng ta cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước các chiêu trò, luận điệu kêu
gào, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch. Trong khi đa số người
dân nhận thức đúng đắn về quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước
trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, gần như “miễn nhiễm” với những luận
điệu xuyên tạc, hồ đồ và cũ rích ấy, thì vẫn còn khá nhiều người "sập
bẫy", trong đó chủ yếu là những người mới hoặc ít tiếp xúc với internet,
mạng xã hội. Sự thiếu nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối đối ngoại của
Đảng, Nhà nước khiến họ chưa kịp chắt lọc thông tin đúng sai, dễ bị cuốn vào “ma
trận phản động” trên internet của các thế lực thù địch. Một mặt chúng ta cần
tỉnh táo nhận diện âm mưu của các thế lực thù địch, mặt khác cần nắm vững những
chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta cần nhận thức
rõ quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta là kiên quyết, kiên trì bảo vệ
độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới
và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường
hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước. Điều này đã được nêu rõ
trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và được chứng minh trong cách thức Việt Nam
giải quyết vấn đề Biển Đông, với tinh thần thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa
bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về
Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử
dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển
Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).
Nhận xét