TRIỂN VỌNG PHỤC HỒI KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2022

 

Hiện nay, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường nhưng với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; cùng với nhiều quyết sách phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ rất kịp thời, đúng đắn, tạo tiền đề quan trọng để nền kinh tế Việt Nam vững bước vào năm 2022. Đây là triển vọng hoàn toàn có căn cứ, chúng ta có thể đạt được.

Một là, việc thích ứng an toàn, tạo đà tăng trưởng mới

Nhìn vào bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, trước tác động khó lường của biến chủng Delta - nguyên nhân khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách với nhiều mức độ khác nhau làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế quý III suy giảm chưa từng có trong lịch sử (-6,02%). Tuy nhiên, đà phục hồi tăng trưởng kinh tế thực sự quay trở lại trong quý IV đưa mức tăng trưởng GDP đạt 5,22% so với cùng kỳ năm trước. Đây là sự đảo chiều ấn tượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP chung của năm 2021 đạt 2,58%. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 tăng 1,84%, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Đầu tư trực tiếp nước ngoài hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có nhiều biến động. Vốn FDI đăng ký ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Đáng chú ý, vượt qua khó khăn của đại dịch, kim ngạch xuất, nhập khẩu vượt 668 tỷ USD, tăng 22,6%; đưa Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, những điểm sáng về mức tăng trưởng thể hiện nỗ lực lớn của nước ta khi vừa phải chống dịch và duy trì sản xuất, kinh doanh. Diễn biến của nền kinh tế cũng cho thấy, điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế là khả năng kiểm soát và thích ứng với đại dịch Covid-19. Việc chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn vào tháng 10-2021 đã từng bước giúp kinh tế Việt Nam phục hồi vào quý IV-2021, qua đó đạt mức tăng trưởng dương trong cả năm. Đặc biệt, đầu tháng 10-2021, các tỉnh miền Tây đón nhận hàng vạn người dân về địa phương, đây là hoàn cảnh rất phức tạp, đối diện với nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng nhưng Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để điều chỉnh, phù hợp diễn biến tình hình, giúp các địa phương các tháng cuối năm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, quyết liệt chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là ngoại giao vaccine, đem lại niềm tin vững chắc cho người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để các địa phương bước vào năm 2022 với niềm tin vững chắc cho những thành công về phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, từng bước ổn định đời sống nhân dân.

Hai là, nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022

Theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đặt ra các nhiệm vụ cho năm 2022, trong đó phấn đấu mức tăng trưởng GDP đạt mức 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900USD; giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công... Đây là nhiệm vụ hoàn toàn khả thi được các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đánh giá cao. Với việc Việt Nam đang nằm trong số các quốc gia có độ phủ vaccine cao nhất thế giới, cùng với đó là chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh được xem là những nền tảng quan trọng để kinh tế phục hồi nhanh. Vì vậy, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5% và nhận định hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng với việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương tự do. Đồng thời, Ngân hàng HSBC có trụ sở ở London nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư nước ngoài mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất và phát triển xanh.

Về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh, hiệu quả và mạnh mẽ, đồng thời quay trở lại quỹ đạo phát triển bền vững. Bởi vì, Việt Nam đã đúc rút được rất nhiều bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch; nền kinh tế vĩ mô ổn định; thu ngân sách vượt mục tiêu đề ra; xuất, nhập khẩu cao, thu hút đầu tư vẫn hấp dẫn. Cùng với đó là sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, các gói giải pháp phục hồi và sự sẵn sàng hoạt động của các thành phần kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Đặc biệt, kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã quyết định những vấn đề cấp bách, phù hợp với thực tiễn của đất nước, đó cũng là niềm mong đợi của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Việc hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp ưu tiên những ngành, lĩnh vực đóng vai trò dẫn dắt để không bị đứt chuỗi giá trị cung ứng. Doanh nghiệp kỳ vọng sớm được tiếp cận những gói hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính để tạo đà cùng cả nước nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.

Từ những nội dung đã được trình bày ở trên, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng kinh tế Việt Nam sớm có sự phục hồi và phát triển trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC