KIÊN QUYẾT, CHỦ ĐỘNG ĐẤU TRANH VỚI ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN XUYÊN TẠC CHỦ NGHĨA MÁC - LÊ-NIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY

             Nhận rõ bản chất âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, ngay từ khi chủ nghĩa Mác mới ra đời, giai cấp vô sản và những người cộng sản đã tổ chức đấu tranh làm thất bại những đòn tiến công hiểm độc của các thế lực thù địch. Tuy nhiên, ở mỗi thời kỳ, nội dung, hình thức, lực lượng, phương tiện, thủ đoạn chống phá của chúng đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là không giống nhau. Do vậy, để đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch hiện nay, trước hết chúng ta cần nhận rõ mục đích, âm mưu, thủ đoạn, lực lượng, phương tiện mà các lực lượng phản động sử dụng để chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Thực tiễn cho thấy, sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch ngày càng tăng cường chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với những lực lượng, phương tiện phong phú cùng các thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng sử dụng cả những “chuyên gia bậc thầy” về lý luận, và cả lực lượng bồi bút trên các tờ báo lá cải; chúng kết hợp chặt chẽ giữa dùng các thành tựu tiên tiến hiện đại nhất của khoa học - công nghệ thông tin với những phương cách truyền tin tối cổ nhất, như rỉ tai, phao tin đồn nhảm “vô tuyến truyền mồm”; chúng kết hợp xuyên tạc thường xuyên với tổ chức chống phá tập trung theo đợt nhân những sự kiện chính trị, xã hội diễn ra trong nước; chúng kết hợp cả lực lượng phản động ở ngoài nước và lực lượng cơ hội, bất mãn trong nước… 

Để chủ động đối phó với tình hình trên, chúng ta cần sớm xây dựng các lực lượng chuyên trách, trở thành lực lượng thường trực, những “quả đấm thép” làm xoay chuyển tương quan so sánh lực lượng trên mặt trận đấu tranh tư tưởng lý luận. Lực lượng này cần được tuyển chọn kỹ cả về phẩm chất và năng lực, khả năng chuyên môn và bản lĩnh chính trị, trình độ lý luận và trình độ ngoại ngữ, được tổ chức chặt chẽ, đủ sức làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc định ra những chủ trương, chính sách, kế hoạch cơ bản lâu dài, chủ động làm thất bại sự chống phá của các thế lực thù địch đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có khả năng thường xuyên nắm chắc âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, từ đó trực tiếp triển khai các chiến dịch nhằm đập tan sự chống phá của các chuyên gia lý luận tư sản và các thế lực thù địch; đồng thời có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng các lực lượng đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong phạm vi toàn quốc. 

Cùng với lực lượng nòng cốt mang tính chuyên nghiệp trên, cần khơi dậy, quy tụ, sử dụng có hiệu quả các nhà nghiên cứu, các giảng viên khoa học xã hội nhân văn trong các trường đại học, các viện nghiên cứu, các cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nên thế trận vững chắc tích cực chủ động tham gia đấu tranh chống lại sự chống phá xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch.

Trên cơ sở lực lượng phong phú, cần đa dạng hóa hình thức đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngoài những bài luận chiến, những công trình khoa học được in ấn trên các báo, tạp chí, sách chuyên khảo, cần tăng cường sử dụng đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử, mạng in-tơ-net, các trang mạng xã hội, như facebook, các blog cá nhân,… để đăng tải, phát hành nhanh chóng, kịp thời, sâu rộng các công trình nghiên cứu đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cần coi nội dung đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch là một bộ phận cơ bản, không thể thiếu trong các giáo trình các môn lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, trong điều kiện cho phép, chủ động mời các nhà lý luận tư sản tham gia các hội thảo, các buổi giao lưu, trao đổi về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và xúc tiến việc cử cán bộ tham gia các hội thảo quốc tế, giảng dạy về các lĩnh vực triết học, kinh tế chính trị nhằm tăng cường bản lĩnh, khả năng đấu tranh trực diện với các học giả tư sản trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới. 

Mặt khác, chúng ta cần khắc phục tình trạng bị động, tự phát, chắp vá, manh mún trong đấu tranh tư tưởng lý luận nói chung, đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Bởi nếu như vậy, chúng ta sẽ nhường quyền chủ động cho các lực lượng thù địch, làm cho chúng càng lấn lướt, trong khi trận địa tư tưởng của chúng ta ngày càng bị thu hẹp. Đấu tranh tự phát theo kiểu tùy hứng, manh mún, mạnh ai người đấy làm, sẽ không tránh khỏi “lạnh lưng, hở sườn”, khó buộc “đối phương” tâm phục, khẩu phục, thậm chí dễ bị kẻ địch phản công làm suy giảm chất lượng, hiệu quả đấu tranh./. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC