KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC GIÁ TRỊ CỦA TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

             Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một chính thể dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam, kết thúc hơn 80 năm ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người chủ một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Thế nhưng, vẫn có những luận điệu cố tình xuyên tạc bản chất văn kiện lịch sử này. 

Trên các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc rằng Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh khởi thảo và tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 02-9-1945 là sự “sao chép”, “khuôn theo” những tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791; rằng, Tuyên ngôn Độc lập không mang giá trị nhân văn, còn Hồ Chí Minh và những người cộng sản “sính dùng bạo lực”, ngày 02-9-1945 là ngày đánh dấu cả giang sơn Việt Nam bắt đầu “nhuộm đỏ”, từ đó sinh ra mọi thứ “hận” về sau nên gọi là ngày “đại quốc hận”. Đây là những luận điệu sai trái, bóp méo sự thật lịch sử của những kẻ vẫn đang tự giam mình trong bóng đêm thù hận, theo đuổi mưu đồ chính trị lỗi thời, đi ngược với lợi ích, truyền thống văn hóa, nhân văn của dân tộc.

          Trước hết, chúng ta cần khẳng định rằng mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã trích dẫn lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đồng thời, Người nhắc lại lời Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Trên cơ sở đó, trong Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã mở rộng và phát triển quyền của con người thành quyền tự do, độc lập của dân tộc. Cho nên, không thể xuyên tạc: Tuyên ngôn Độc lập là sự “sao chép”, “khuôn theo”!

Việc Hồ Chí Minh dẫn lời Tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp thể hiện bản lĩnh văn hóa tuyệt vời của vị lãnh tụ cách mạng. Bởi, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp trở thành kẻ thù chủ yếu của cách mạng Việt Nam, còn các lực lượng can thiệp Mỹ đứng sau, giật dây quân Tưởng chống phá cách mạng nhằm thực hiện âm mưu thay thế quân Pháp thống trị các nước Đông Dương. Nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã anh dũng đấu tranh chống thực dân Pháp và tiếp đó là đế quốc Mỹ. Nhưng chúng ta không chống lại người Pháp, người Mỹ, cũng như nền văn hóa Pháp, văn hóa Mỹ. Ngược lại, chúng ta trân trọng và tiếp thu những giá trị văn hóa, chính trị mà nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ tạo ra trong lịch sử đấu tranh cho sự tiến bộ của nhân dân và dân tộc họ. Mặt khác, từ việc dẫn Tuyên ngôn của Pháp và của Mỹ, Hồ Chí Minh muốn cho nhân dân thế giới thấy rằng, nhân dân Việt Nam đấu tranh chống chế độ phong kiến, chống xâm lược để giành độc lập, tự do cho dân tộc mình, để thực hiện dân chủ và tiến bộ là quyền chính đáng, thiêng liêng, không ai có thể xâm phạm.

Thứ hai, luận điệu cho rằng Hồ Chí Minh và những người cộng sản “sính dùng bạo lực”, ngày 02-9-1945 là ngày đánh dấu cả giang sơn Việt Nam bắt đầu “nhuộm đỏ”, từ đó sinh ra mọi thứ “hận” về sau nên gọi là ngày “đại quốc hận”. Đây là sự vu khống, xúc phạm, bôi nhọ trắng trợn Chủ tịch Hồ Chí Minh và giá trị của Tuyên ngôn Độc lập.

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện chính trị tổng kết những giá trị chung của nhân loại trong cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng thiêng liêng của các dân tộc và tiến trình đấu tranh cách mạng vì nền độc lập của nhân dân Việt Nam. Để giành được quyền bình đẳng của dân tộc và quyền bình đẳng của mỗi con người, nhân dân ta đã phải hy sinh biết bao xương máu trong cuộc đấu tranh chống các thế lực xâm lược, áp bức bất công. Là một dân tộc có truyền thống văn hiến, luôn nêu cao tinh thần nhân văn, nhân đạo, chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình, chúng ta trân trọng giá trị nhân văn, thành quả tiến bộ mà nhân dân Mỹ, nhân dân Pháp giành được trong cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng, tự do, bác ái của các dân tộc, của con người. Song, thực dân Pháp, đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản Pháp lúc bấy giờ đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để xâm lược nước ta, áp bức nhân dân ta. Hồ Chí Minh đã làm cho nhân dân thế giới thấy rõ hành động của thực dân Pháp xâm lược đối với Việt Nam là trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Những hành động vô nhân đạo, phi nghĩa của thực dân Pháp được thực hiện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế,… bằng những thủ đoạn dã man, tàn độc, bóp nghẹt quyền tự do, quyền sống của nhân dân Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam đã cho nhân dân thế giới và nhân dân Pháp thấy rõ truyền thống nhân đạo, chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Giá trị đó được hình thành, phát triển và tỏa sáng trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, là sức mạnh của văn hóa, sức mạnh nội sinh giúp cho dân tộc ta đấu tranh và chiến thắng các thế lực hiếu chiến xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, bình đẳng của dân tộc Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập ra đời đã 77 năm, song tinh thần và giá trị của Tuyên ngôn Độc lập vẫn đang tỏa sáng. Đây là một di sản văn hóa, sức mạnh nội sinh của dân tộc ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn sống mãi trong lòng bao thế hệ con người Việt Nam; giá trị lịch sử và thời đại của nó là bất hủ, không một thế lực nào có thể xuyên tạc, bóp méo và phủ nhận

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC