VẠCH TRẦN BẢN CHẤT PHẢN ĐỘNG CỦA LUẬN ĐIỆU “ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM KHÔNG ĐẠI DIỆN CHO LỢI ÍCH QUỐC GIA - DÂN TỘC”

 Thời gian qua, các thế lực thù địch phản động, cơ hội chính trị đã tung nhiều thông tin xuyên tạc chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, như chúng lu loa rằng: Đảng Cộng sản đã mạo nhận là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động; rằng trong lịch sử, không có khi nào Đảng Cộng sản phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động mà cộng sản chỉ lợi dụng công nhân và nhân dân lao động để phục vụ quyền lợi của Đảng Cộng sản... Hiện nay, lợi dụng một số hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhiều kẻ đã rêu rao: Đảng không còn mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc. Khi Đảng ta nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm, nguy cơ trong Đảng và đẩy mạnh công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, chúng lại cố tình phủ nhận những nỗ lực và những thành quả đạt được, cho rằng những hành động đó không phải vì lợi ích dân tộc mà chỉ nhằm “che mắt thế gian”... Từ đó, chúng cho rằng, lực lượng nào lãnh đạo không quan trọng, miễn là đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết! Đây là quan điểm hoàn toàn sai trái, phản động, hòng tách rời Đảng với dân tộc, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với toàn xã hội.

Chúng ta khẳng định được điều đó là vì: ở Việt Nam, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có đủ trí tuệ, bản lĩnh để lãnh đạo đất nước và cũng chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực sự vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong lịch sử, đã từng xuất hiện những lực lượng muốn vươn lên vị trí lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhưng hoặc là không đủ khả năng, hoặc là những kẻ cơ hội. Năm 1946, ngoài Đảng Cộng sản xuất hiện thêm hai đảng là Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt cách) và nhiều tổ chức, đảng phái chính trị khác. Tuy nhiên, lực lượng đại diện cho ý chí, khát vọng, lợi ích của dân tộc, đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo công cuộc cách mạng dân tộc trong bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam, còn các đảng phái khác không đại diện cho lợi ích của nhân dân và dân tộc. Khi quân Trung Hoa Dân quốc rời khỏi Việt Nam, hai đảng Việt quốc và Việt cách cũng rút theo.

Như vậy, những đảng phái không đứng về phía nhân dân, không thực sự mang lại lợi ích chính đáng cho nhân dân đã bị chính lịch sử và nhân dân loại bỏ. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam là sự lựa chọn của chính lịch sử, của nhân dân. Sự lựa chọn đó là hoàn toàn đúng đắn.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đã chứng minh, kể từ khi thành lập cho đến nay, Đảng ta luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, khi phát xít Nhật vào Đông Dương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra rằng “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”, lợi ích của giai cấp, của bộ phận phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc. Trở thành Ðảng cầm quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc vẫn được Ðảng đặt lên hàng đầu, tất cả vì đoàn kết dân tộc, giữ vững nền độc lập vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, những người cộng sản luôn đi đầu trong sự nghiệp đấu tranh và chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc.

          Cũng vì luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận sai lầm, khuyết điểm để sửa sai. Năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với bút danh Trí Cường đã viết tác phẩm Tự chỉ trích, một mẫu mực về đấu tranh tự phê bình và phê bình, làm rõ những khuyết điểm của Đảng khi không đoàn kết, không nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân trong cuộc bầu cử vào Viện Dân biểu, Hội đồng Quản hạt ở Nam Kỳ... Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Sửa đổi lối làm việc với tinh thần tự phê bình nghiêm túc. Đến Đại hội VI, Đảng đã tự phê bình và thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm, từ đó đưa ra đường lối đổi mới. Tinh thần thẳng thắn này tiếp tục được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương sáu (lần hai) Khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

          Sau khi đất nước thống nhất, bước sang giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, lợi ích quốc gia - dân tộc vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng nhận thức sâu sắc qua các kỳ Đại hội, nhất là thời kỳ đổi mới. Hội nghị Trung ương 8 khóa IX (tháng 7-2003) chỉ rõ: “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của Tổ quốc”. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi”.

          Hiện nay, cuộc chiến chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đã khẳng định, tất cả những cán bộ đảng viên chỉ vì lợi ích cá nhân, vì lợi ích nhóm mà bỏ quên và làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước, đều bị nghiêm trị. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đạt được kết quả tích cực. Các cấp ủy đã kiểm tra gần 265.000 tổ chức đảng viên và trên 1,1 triệu đảng viên. Trong đó, đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên. Riêng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng, 229 đảng viên.

          Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, chung sức, đồng lòng, khoanh vùng, kiểm soát, đón người Việt từ vùng dịch về, hỗ trợ doanh nghiệp, những đối tượng yếu thế trong xã hội... Tổ chức Y tế thế giới, nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia, báo chí các nước ghi nhận và đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam. Nhờ những thành tựu đó, niềm tin của nhân dân dành cho Đảng đã tăng lên rất nhiều, cho thấy sự ghi nhận của nhân dân đối với sự nỗ lực, tinh thần vì dân, vì nước của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tóm lại, trong hơn 92 năm qua, Đảng ta luôn đặt lợi ích của Đảng thống nhất với lợi ích của dân tộc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nên cách mạng Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đây chính là minh chứng đanh thép nhất để bác bỏ luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị khi cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không đại diện cho lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời là cơ sở để khẳng định Đảng ta khác hoàn toàn với các đảng phái chính trị trong thể chế đa đảng, khi đảng đó chỉ đại biểu cho một nhóm lợi ích nhất định, mà trong rất nhiều trường hợp lợi ích cục bộ của đảng phái mâu thuẫn, xung đột với lợi ích chung của xã hội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC