TƯ TƯỞNG ĐOÀN KẾT LƯƠNG – GIÁO CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI VIỆC NHẬN DIỆN, PHÒNG CHỐNG ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN CỦA KẺ THÙ

Đã từ lâu, việc kích động mâu thuẫn, gây chi rẽ đồng bào lương - giáo là những thủ đoạn được các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng nhằm chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định trật tự xã hội, nhằm làm suy yếu đất nước ta. Hiện nay, chúng tăng cường tiến hành những hoạt động chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng, tuyên truyền kích động mâu thuẫn, xung đột, nhất là đối lập về hệ tư tưởng giữa “hữu thần” với “vô thần”, giữa thế giới quan tôn giáo với thế giới quan cộng sản; vu cáo cộng sản diệt đạo, vu cáo Nhà nước đàn áp tôn giáo làm cho bộ phận quần chúng lạc hậu ngộ nhận tin theo, hòng làm chia rẽ, phá hoại, suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, tạo lực lượng chống đối ngầm chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam..

Trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc đó, thấm nhuần và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương – giáo hiện nay hơn lúc nào hết có ý nghĩa sâu sắc để nhận diện và đấu tranh với các thế lực phản động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: cơ sở vững chắc của khối đoàn kết dân tộc là lợi ích chung của mọi người Việt Nam giáo cũng như lương - đó là "nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Lợi ích của dân tộc là mẫu số chung, điểm đại đồng để đoàn kết mọi người Việt Nam. Lợi ích chung đó là cơ sở để đoàn kết lương, giáo và giữa các tôn giáo. Nếu không chỉ rõ, không quan tâm đến lợi ích chung đó thì không thể xây dựng được khối đoàn kết lương, giáo.

Người cũng khẳng định sự trùng hợp cơ bản có thể có giữa mục tiêu của tôn giáo với mục tiêu của cách mạng là đều mưu cầu hạnh phúc cho con người. Theo Người, tôn giáo có những nội dung mang tính nhân nghĩa, nhân văn, phù hợp với chế độ ta, cần kế thừa, phát huy. Người luôn nêu cao tinh thần hướng thiện, phân biệt chính - tà; chính là thiện, tà là ác, Người cho rằng, bất kỳ tôn giáo nào cũng đều hướng thiện. Đó cũng là ước muốn của tín đồ các tôn giáo, cũng như của tất cả mọi người trên trái đất này và cũng là của chính những người Cộng sản. Từ đó, Người kêu gọi phải đoàn kết, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, già, trẻ, gái, trai. . hễ ai là người Việt Nam có lòng yêu nước thì ta đoàn kết với họ.

Hồ Chí Minh còn am hiểu sâu sắc bản chất niềm tin tôn giáo của tín đồ; biết kết hợp khéo léo niềm tin tôn giáo với niềm tin vào cách mạng, vào tương lai của dân tộc; tập hợp, hướng đồng bào vào thực hiện nhiệm vụ chung là giải phóng dân tộc, xây dựng cuộc sống mới “tốt đời, đẹp đạo”. Bên cạnh đó, Người biết hướng niềm tin tôn giáo vào niềm tin cách mạng, tập hợp, đoàn kết quần chúng trong khối đại đoàn kết dân tộc đề thực hiện ước nguyện chung của mọi người Việt Nam là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Bởi vậy, Người yêu cầu tín đồ "Kính Chúa và yêu nước" phải kết hợp với nhau; "đẹp đời, tốt đạo” phải đi liền với nhau, không thể phân chia.

Hồ Chí Minh còn luôn quan tâm sâu sắc đến lợi ích thiết thực của giáo dân cả phần đời và phần đạo. Theo Người: Đồng bào các tôn giáo theo cách mạng mà Đảng, Nhà nước không quan tâm đến lợi ích thiết thân của đồng bào để “phần xác ấm no, phần hồn thong dong” thì không thể đoàn kết được. Với những người lầm đường lạc lối, Người kiên trì thuyết phục, cảm hoá với thái độ khoan dung độ lượng, bằng những lời lẽ chân tình. Người luôn ''mong những đồng bào đó mau mau giác ngộ và quay về với kháng chiến để phụng sự Chúa, phụng sự Tổ quốc''. Hồ Chí Minh cũng luôn giáo dục quần chúng phân biệt tín ngưỡng tôn giáo và việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo của các thế lực thù địch. Người ý thức sâu sắc thủ đoạn thâm độc của kẻ thù chia rẽ nhân dân ta bằng cách kích động mâu thuẫn lương, giáo. Chúng nêu hai chủ đề lớn Quốc gia - Cộng sản, Cộng sản - tôn giáo để hù doạ, kích động, chia rẽ giáo dân. Chúng tuyên truyền: “Cộng sản là vô thần sẽ tiêu diệt tôn giáo”, “thà mất nước còn hơn mất Chúa”. . . Người vạch rõ sự xuyên tạc thâm độc đó để chức sắc, tín đồ các tôn giáo khỏi ngộ nhận.

Hồ Chí Minh phân biệt rạch ròi tín ngưỡng tôn giáo với việc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để chống phá cách mạng. Bọn đội lốt tôn giáo để chống phá cách mạng là bọn “Việt gian đồng thời cũng là giáo gian”, chúng là bọn bất chính, giả danh tín đồ để làm điều xấu độc mà thôi.

Cùng với đó, để đoàn kết lương – giáo, Hồ Chí Minh còn thực hiện các biện pháp khác như pháp luật hoá quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, tuyên truyền chính sách tín ngưỡng tôn giáo của Đảng nhà nươc, biểu dương khen thưởng kịp thời cán bộ, tín đồ chức sắc thực hiện tốt công tác tôn giáo; nghiêm khắc phê bình cán bộ có hành vi “lố lăng” xúc phạm tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào. . . Tất cả những việc làm đó đều góp phần không nhỏ xây dựng, củng cố khối đoàn kết lương - giáo.

          Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình cách mạng Đảng ta đã giải quyết thành công vấn đề tôn giáo. Bởi vậy, trong tình hình phức tạp của tôn giáo trên thế giới hiện nay, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam tương đối ổn định. Điều đó càng chứng tỏ ý nghĩa lý luận - thực tiễn thiết thực của tư tưởng đoàn kết lương - giáo của Hồ Chí Minh.

Tư tưởng, tác phong, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết lương - giáo là mẫu mực cho chúng ta noi theo. Đồng thời, là ánh sáng để chúng ta nhận diện, đấu tranh với âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, gìn giữ sự đoàn kết đồng bào lương – giáo và khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC