HÃY ĐỂ PHẦN TỐT NẨY NỞ NHƯ HOA MÙA XUÂN VÀ PHẦN XẤU BỊ DẦN MẤT ĐI

     Hiện nay Đảng ta đề cập nhiều lần trong các nghị quyết, chỉ thị, quy định, đó là cảnh báo tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện thờ ơ, thiếu bản lĩnh, dũng khí cần thiết trong đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái tốt và chống lại những biểu hiện sai trái trong cơ quan đơn vị mình. Một trong nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến những khuyết điểm, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng đã được Nghị quyết TW4, khóa XI chỉ ra là: “Một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh”. Nghị quyết TW4, khóa XII Đảng ta tiếp tục chỉ ra một trong những nguyên nhân chủ quan khiến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn nhiều hạn chế, bất cập, đó là: “Chưa chú trọng lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; đồng thời chỉ rõ một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên là: “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”.

    Như vậy, đối với mỗi tập thể, với mỗi cấp ủy và tổ chức đảng nếu không coi trọng đúng mức và không tạo điều kiện thuận lợi cho những việc làm tích cực, những tấm gương người tốt nảy nở, lan tỏa trong tập thể là vô hình trung làm biến dạng, méo mó các mối quan hệ, làm vẩn đục môi trường văn hóa và tạo ra lực cản đối với sự phát triển lành mạnh của cơ quan, đơn vị; nếu những điều hay, lẽ phải không được bảo vệ và những việc làm đúng đắn, chuẩn mực của cán bộ, đảng viên không được ghi nhận, khuyến khích thì nội bộ nơi đó đã có biểu hiện lún sâu vào nguy cơ thoái hóa, biến chất…

Nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là ở một số cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng chưa coi trọng, đề cao, bảo vệ những việc làm đúng và những người tốt, việc tốt; trước hết, xuất phát từ môi trường làm việc mất dân chủ, nội bộ lục đục và nền nếp, kỷ cương cơ quan, đơn vị bị buông lỏng. Thậm chí không ít nơi có tình trạng sống bằng mặt mà không bằng lòng, bên ngoài thì tỏ vẻ cởi mở, chan hòa, nhưng bên trong thì ngấm ngầm nghi kị lẫn nhau, hoặc thực hiện phương châm sống im lặng là vàng, gió chiều nào xoay chiều ấy, thế nên trước những cái đúng, điều phải cũng không thể hiện rõ chính kiến đồng tình, ủng hộ; mà nhìn thấy cái sai, cái xấu cũng chẳng dám lên tiếng phê phán, tẩy chay…

Để khắc phục những vấn đề trên, trước hết ở mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ, đảng viên cần có dũng khí bảo vệ cái đúng, cái tốt, đồng thời mạnh dạn đấu tranh phê phán những biểu hiện sai trái, tiêu cực; mặt khác, phải chủ động phòng ngừa, sàng lọc, đấu tranh, loại trừ ngay từ đầu đối với những trường hợp thờ ơ trước những cái đúng, vô cảm trước những cái sai. Đây là trách nhiệm chính trị của mọi cấp ủy, tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, đối với những người tốt, việc tốt và cái đúng phải được trân trọng, tôn vinh; những tấm gương tốt chính là biện pháp hữu hiệu góp phần xây dựng mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị không ngừng trưởng thành, tiến bộ. Muốn làm được việc này, ngoài xây dựng bầu không khí thật sự dân chủ, nhân ái, đoàn kết, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị phải chú trọng chăm lo xây dựng các nhân tố điển hình tiên tiến, kịp thời cổ vũ, động viên, khuyến khích và nhân rộng các nhân tố mới, những việc làm hay, những tấm gương người tốt, làm cho những cái hay, cái đẹp, cái tích cực luôn có sức sống mãnh liệt và lan tỏa sâu rộng tới mọi người trong cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, phải luôn luôn đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc mở rộng, phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Bởi vì, có tạo ra không khí dân chủ thì cấp dưới mới dễ gần, dễ cung cấp thông tin và dễ chia sẻ tình cảm, trách nhiệm, có giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật thì những người tốt mới tin tưởng, mới có chỗ dựa vững vàng và những người có biểu hiện và hành động xấu không dám lộng hành. Đồng thời, người đứng đầu tránh hành vi ứng xử “yêu nên tốt, ghét nên xấu” trong giải quyết các mối quan hệ; nếu những người ở vị trí “cầm cân nảy mực” mà luôn luôn nghĩ và hành xử như vậy sẽ làm nội bộ nghi kỵ lẫn nhau và vô hình trung đã “bật đèn xanh” cho những kẻ xấu có thêm cơ hội làm sai; còn những người tốt thì phải sống “co cụm” lại với nhau và không phát huy được tính tiền phong, tích cực của mình trong tập thể.

Như vậy, những việc làm trên tuy không mới, nhưng khi thực hiện tốt và tiến hành các quy định thưởng - phạt phải bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, theo đúng phương châm: Ai có công lao, lập thành tích tốt, có nhiều cống hiến thì được khen thưởng xứng đáng; ai vi phạm kỷ luật, làm việc thiếu trách nhiệm, sống bon chen, đố kỵ, gây mất đoàn kết nội bộ thì phải có những hình thức xử lý thích hợp. Chỉ có làm như vậy mới góp phần tạo dựng môi trường văn hóa dân chủ cởi mở và thuận lợi để làm cho “phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi” [HCMTT, tập 15, tr.672].

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC