GẮN CHẶT NHIỆM VỤ BẢO VỆ TỔ QUỐC VỚI BẢO VỆ ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA



Trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, dù trong chiến tranh hay trong hòa bình, các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn dùng mọi thủ đoạn để chống phá ta trên nhiều lĩnh vực trong đó có mặt trận tư tưởng, lý luận. Gần đây, các thế lực thù địch đã đưa ra quan điểm: “Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ  và chủ quyền quốc gia, chứ không phải là bảo vệ một thể chế chính trị hay một đảng phái nào”. Thực chất chúng muốn đánh vào niềm tin của quần chúng đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, đối với đường lối, quan điểm cơ bản, nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam về bảo vệ Tổ quốc là: Bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ phải gắn chặt với bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trước hết, phải thấy đây là một quan điểm hoàn toàn ngụy biện, dùng những lý lẽ nghe qua có vẻ lôgic, nhưng thực chất là sai trái, xuyên tạc sự thật; một sự ngụy biện sai lầm cả về quan điểm, lý luận, pháp lý và thực tiễn lịch sử, với ý đồ nhằm tạo cớ để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, tách rời bảo vệ Tổ quốc với bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, phi chính trị hóa quân đội và công an nhân dân – lực lượng nòng cốt của sức mạnh tổng hợp quốc gia trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Về mặt lý luận và pháp lý, mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới dù có chế độ chính trị khác nhau, nhưng chế độ chính trị đó phải gắn liền với lãnh thổ quốc gia và được quản lý, bảo vệ theo luật pháp của quốc gia đó, được luật pháp, cộng đồng quốc tế công nhận về chủ quyền cũng như chế độ chính trị của quốc gia đó. Không ai có quyền xâm phạm, can thiệp vào chủ quyền quốc gia cũng như chế độ chính trị của từng quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chủ quyền quốc gia và chế độ chính trị luôn gắn bó chặt chẽ biện chứng với nhau. Trong chủ quyền quốc gia đã bao hàm những chủ quyền cơ bản: quyền tối cao về lãnh thổ; quyền tối cao về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, lập pháp, lập hiến, tư pháp; quyền độc lập trong chính sách ngoại giao. Tách rời chủ quyền quốc gia và chế độ chính trị là tư duy một chiều, sai lầm cả về quan điểm, lý luận và thực tiễn, không có một luận cứ khoa học nào có thể chấp nhận được quan điểm đó.
Hiến pháp năm 2013 nước ta đã xác định: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời” (Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTQG-ST, H.2013, tr.8). Đây là sự khẳng định về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta xác định, bảo vệ chủ quyền quốc gia là sử dụng tổng hợp các lực lượng và biện pháp chống lại sự xâm phạm, phá hoại chủ quyền quốc gia dưới mọi hình thức. Xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia là nguyên tắc, yêu cầu tất yếu, nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về thực tiễn lịch sử, 86 năm qua,  Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là lực lượng chính trị lãnh đạo duy nhất đưa dân tộc Việt Nam từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến thành nước Việt Nam thống nhất, độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, được cả thế giới công nhận. Đảng cũng lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thành công 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa.
          Trong mọi giai đoạn lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu, chiến lược của quốc gia. Nhờ đó, sau 30 năm tiến hành đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, giữ vững được chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, Đảng ta cũng xác định, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ phải gắn liền với bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chù nghĩa. Đại hội IX của Đảng và Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đã chỉ rõ: Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh  chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.” (Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 146, 147).
Từ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và thực tiễn, có thể khẳng định: bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ phải gắn chặt với bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là một thể thống nhất, gắn bó chặt chẽ, tác động lẫn nhau không thể tách rời.Là quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó cũng chính là sự vận dụng sáng tạo quy luật “dựng nước đi đôi với giữ nước” của ông cha ta.Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải gắn chặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia với bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, bảo vệ mọi lợi ích quốc gia, dân tộc. Chăm lo xây dựng Đảng, chăm lo xây dựng phát triển kinh tế bền vững, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường luật pháp quốc gia, cơ sở pháp lý tạo nên sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

                                                                          Thiên Hương

Nhận xét

maivanglq2 đã nói…
bài viết này hay đấy
maivanglq2 đã nói…
bài viết này hay đấy

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC