NHẬN DIỆN SỰ CHỐNG PHÁ BẢN CHẤT KHOA HỌC ĐƯỜNG LỐI PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA



Một trong tám quan hệ lớn được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cần quán triệt và xử lý tốt là quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và đảm bảo tính định hướng XHCN. Việc giải quyết hài hòa quan hệ này cũng chính là cơ sở để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên thời gian qua, trên một số phương tiện thông tin, trang mạng xã hội… vẫn còn có những ý kiến trái chiều về đường lối phát triển KTTT định hướng XHCN ở nước ta, hoặc cho rằng đó là mô hình cóp nhặt kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”; hoặc cho rằng dưới CNXH không thể tồn tại KTTT, cũng có luận điểm cho rằng Việt Nam thừa nhận KTTT chính là đang mở đường cho quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển… tựu chung lại là các ý kiến đó hướng tới không thừa nhận sự đúng đắn trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng ta. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan, khoa học.
Trả lời cho câu hỏi: Dưới CNXH có tồn tại nền KTTT hay không? Trước hết, chúng ta khẳng định rằng KTTT không phải là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản mà là kết quả của sự phát triển LLSX xã hội, ở một trình độ nhất định, trong điều kiện có phân công lao động xã hội và sự tách biệt tương đối về kinh tế giữa những người sản xuất thì KTTT sẽ tồn tại và phát triển.
Ở Việt Nam hiện nay, phân công lao động xã hội với tư cách là cơ sở của kinh tế hàng hóa không mất đi, trái lại ngày một phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; sự chuyên môn hóa và hợp tác lao động không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn được mở rộng ra phạm vi quốc tế. Bên cạnh đó, với tư duy đổi mới, tôn trọng quy luật khách quan, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng ta đã thừa nhận có sự tách biệt về kinh tế với sự tồn tại nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế…. Như vậy, xét cả về mặt lý luận và thực tiễn, dưới CNXH, KTTT còn phát triển là tất yếu khách quan.
Tuy nhiên, ở đây cũng cần nhận thức thêm một góc độ là: dưới chủ nghĩa tư bản, KTTT đạt đến đỉnh cao bởi ở đó, LLSX phát triển mạnh mẽ, chủng loại hàng hóa đa dạng, và yếu tố cơ bản nhất trong LLSX là sức lao động cũng trở thành hàng hóa. Thực tế hiện nay cho thấy, KTTT tư bản chủ nghĩa phát triển rất mạnh; nó xuyên qua các quốc gia, hình thành nên thị trường không chỉ có tính khu vực mà còn có tính toàn cầu. Có lẽ vì thế mà không ít người ngộ nhận rằng, KTTT là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản và cho rằng dưới CNXH không thể tồn tại mô hình KTTT.

Câu hỏi thứ hai cần được giải đáp là: Ở Việt Nam, KTTT là mục tiêu hay là cách thức phát triển? Chúng ta cần nhất quán quan điểm về mục tiêu phát triển được Đảng xác định trong các kỳ đại hội là: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Điều đó có nghĩa là để đất nước phát triển bền vững, xây dựng quan hệ sản xuất tiến bộ thì không thể thiếu một LLSX dựa trên trình độ hiện đại. Muốn phát triển LLSX, phải xác lập một kiểu tổ chức kinh tế phù hợp, mà KTTT định hướng XHCN là một kiểu tổ chức kinh tế – xã hội, là hình thức vận hành nền kinh tế trong trạng thái phát triển, đối lập với trạng thái lạc hậu, trì trệ của nền kinh tế tự nhiên vốn có trước đây, chứ kinh tế thị trường không phải là một chế độ kinh tế – xã hội. Theo đó, KTTT định hướng XHCN ở nước ta chỉ là một mô hình phát triển, là cách thức phát triển LLSX để tạo tiền đề vật chất hướng tới mục tiêu đã xác định “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
          Câu hỏi thứ ba: KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam phải là “tấm áo khoác xã hội chủ nghĩa mang nội dung tư bản”?.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ 5 yếu tố bản chất của KTTT định hướng XHCN: - Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; - Có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; - Có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; - Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; - Phát triển KT gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
          Như vậy, khi nhận diện bản chất của KTTT định hướng XHCN ở nước ta, cần thấy rằng dù đó là nền KTTT với sự đa dạng các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế thì sở hữu toàn dân vẫn giữ vai trò nền tảng, Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất vẫn là cái đích cuối cùng trong xây dựng quan hệ sản xuất. Và thành phần Kinh tế tư nhân cho dù có vai trò “là một trong những động lực quan trọng” như thế nào chăng nữa thì chưa và không bao giờ thay thế được vai trò chủ đạo của Kinh tế nhà nước trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân; Ở một góc độ khác, để đảm bảo yếu tố định hướng XHCN, nền KTTT ở nước ta không phải là hoàn toàn tự do mà có “khuôn khổ” – đó là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN nhằm tạo lập một hành lang an toàn cho tất cả các chủ thể kinh tế chứ không chỉ bảo hộ cho riêng một nhóm đối tượng nào như bàn tay của nhà nước tư sản dưới CNTB. Sự thành công của nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam trong thời gian qua đã cho thấy, nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên; các vấn đề về phát triển giáo dục, y tế, việc làm; về xóa đói, giảm nghèo; về văn hóa – xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái; bảo hiểm xã hội, chính sách đối với những đối tượng đặc biệt (gia đình có công với cách mạng, thương binh, người tàn tật,…) ngày càng được quan tâm… Điều đó hoàn toàn khác biệt với một sự thật hiển nhiên là, KTTT tư­ bản chủ nghĩa dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư­ bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, thành phần kinh tế tư­ bản t­ư nhân giữ vai trò chủ đạo; mục đích chủ yếu của nền kinh tế là mang lại lợi nhuận không giới hạn cho giai cấp tư sản mà hầu như “bỏ quên” lợi ích xã hội, quốc kế dân sinh. Minh chứng hiện thực gần nhất cho bản chất tư hữu của Chủ nghĩa tư bản có thể nhìn từ phong trào “Chiếm lấy phố Wall” ở Mỹ năm 2011, dân chúng biểu tình với khẩu hiệu: “Chúng tôi là 99%” với ý nhấn mạnh tỷ lệ 99% những người lao động hiện chỉ đang nắm giữ 1% tài sản và trong khi đó, 1% dân số (những người giàu có thuộc giai cấp tư sản) lại nắm giữ 99% tài sản quốc gia… Chính vì vậy, Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, do đó nền kinh tế thị trường ở Việt Nam chư­a hoàn thiện là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, song điều chắc chắn rằng đó không phải là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, và cũng không phải là “tấm áo khoác xã hội chủ nghĩa mang nội dung tư bản”.

Như vậy, dựa vào những cơ sở khoa học và sự phân tích ở trên, có thể khẳng định rằng, KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam đã và đang hiện hữu và phát huy tác dụng to lớn đối với sự phát triển KT-XH của đất nước; là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; thể hiện tư duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam về sự vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng đường lối, mục tiêu phát triển. Những luận điệu cho rằng “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là “khái niệm mơ hồ”, “tấm áo khoác xã hội chủ nghĩa mang nội dung tư bản”… là không có căn cứ khoa học, nhằm phủ nhận đường lối đổi mới ở Việt Nam hiện nay. Trước thực tiễn đó, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng cần nêu cao ý thức cảnh giác, trang bị cho mình những luận cứ khoa học để đập tan mọi luận điệu vu khống, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận hiện nay./.
                                                                                                  Yến Chi

Nhận xét

songdo294@yahoo.com đã nói…
Góc độ lý luận thì rất hay nhưng nếu đi sâu vào một số vấn đề thực tiễn đang đặt ra và lý giải nó thì sức thuyết phục sẽ tăng lên nhiều

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC