APEC VIỆT NAM 2017 – BIỂU TRƯNG CỦA KẾT NỐI TOÀN CẦU

Từ ngày 5 đến 11/11/2017, tại Đà Nẵng Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đã được tổ chức. Đây là diễn đàn thường niên của 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương đại diện 39% dân số thế giới, 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế và chính trị.
Các nội dung lớn được thông qua trong Hội nghị APEC 2017 gồm Chương trình hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; Khuôn khổ Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; các chính sách và biện pháp chiến lược nhằm phát triển những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa theo hướng xanh, bền vững và sáng tạo; cam kết hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; nhóm tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ quan chức xác định hướng đi và tương lai của diễn đàn sau năm 2020. Việc tổ chức thành công APEC 2017, Việt Nam đã thể hiện được quyết tâm cao trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng, toàn diện vào cộng đồng quốc tế, chứng tỏ bản thân là một thành viên tích cực, chủ động và đầy trách nhiệm của APEC cũng như trên thế giới. Đồng thời, những kết quả đạt được trong kỳ APEC Việt Nam 2017 không chỉ thể hiện vai trò, vị thế mới của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, mà còn cho thấy APEC vẫn tiếp tục là một cơ chế hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu, nơi khởi xướng và thúc đẩy hợp tác, kết nối cũng như hội tụ trí tuệ của khu vực và thế giới.
Tuy nhiên như một quy luật, cứ khi đất nước diễn ra sự kiện trọng đại nào thì đó lại là cơ hội để các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá. Trên trang mạng danlambaovn.blogspot.com có bài “A-PECH…A-PIẾC có nhiều điều ai cũng biết mà khối anh như tớ lại…cóc biết” của Tô Hải là một ví dụ điển hình của việc xuyên tạc, bóp méo, làm xấu hình ảnh quốc gia và làm sai lệch ý nghĩa, tầm quan trọng của APEC đối với Việt Nam.
Tô Hải cho rằng APEC là một cái bẫy để gài “cho mấy anh kinh tế nghèo rớt mùng tơi ôm vào mà lệ thuộc toàn diện (cả về chính trị)”. Đây là một nhận định hoàn toàn chủ quan và hết sức sai lầm, mục đích nhằm phủ nhận vai trò tích cực của APEC. Bởi vì, APEC đã trở thành một động lực quan trọng hỗ trợ cho tiến trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, và đưa hội nhập kinh tế của Việt Nam lên tầm toàn cầu cùng với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau này. Đồng thời, APEC cũng góp phần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương, đa phương của Việt Nam, góp phần củng cố môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển. Cùng với đó, việc tham gia APEC đã góp phần nâng cao nội lực của đất nước, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam với các đối tác APEC. APEC hiện chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 79% tổng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, chúng ta có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận khoa học công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến, tranh thủ nguồn lực quốc tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu…. Rõ ràng việc gia nhập APEC, là một cơ hội to lớn để Việt Nam phát triển toàn diện trên tất cả các mặt chứ không phải là tham gia để bị chi phối, lệ thuộc vào các nước lớn như Tô Hải la lối.
Trong bài viết của mình, Tô Hải còn cho rằng: “APEC càng gần thì…bắt bớ không hề giảm”, ý muốn nói là lợi dụng vấn đề an ninh quốc gia để tổ chức lực lượng bắt người vô tội vạ. Đây hoàn toàn là sự xuyên tạc, bịa đặt, bởi lẽ việc tổ chức lực lượng an ninh bảo vệ Hội nghị APEC không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước chủ nhà tổ chức APEC đều rất coi trọng. Ví dụ: APEC 2014 tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã thiết lập 22 điểm kiểm soát, phong tỏa nhiều tuyến đường và triển khai các phương tiện tuần tra liên tục ở thủ đô. Cảnh sát bố trí các máy X-quang, cổng an ninh, máy dò kim loại và robot rà phá chất nổ để tăng cường an ninh. Hay Philippinestổ chức APEC 2015, để bảo đảm an toàn, Philippines triển khai các súng phòng không quanh khu vực tổ chức hội nghị, cảnh sát diễn tập hộ tống các đoàn xe của lãnh đạo nước ngoài từ khách sạn đến địa điểm tổ chức sự kiện. Trực thăng quân sự bay giám sát tầm thấp, các tàu hải quân tuần tra vùng biển gần vịnh Manila. Philippines còn di tản 20.000 người vô gia cư khỏi đường phố, hủy hơn 1.000 chuyến bay, triển khai 18.000 cảnh sát và tuyên bố nghỉ lễ đối với Manila để đảm bảo APEC diễn ra an toàn, hiệu quả. Tại APEC 2016, Lima – Peru, Peru đã triển khai khoảng 11.500 sĩ quan. Kế hoạch tác chiến của Peru có bao gồm 486 phương tiện cảnh sát, 4 trực thăng để quan sát các vành đai an ninh từ trên cao. Cảnh sát còn ghi tên những cư dân sinh sống quanh các khu vực tổ chức APEC…. Việc đảm bảo an toàn tuyệt đối được xem là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó công tác nắm tình hình liên quan đến an ninh trật tự là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29 tại Việt Nam. Như vậy, cho thấy việc ngăn chặn từ xa mọi biểu hiện có hại cho an nguy quốc gia là cần thiết và được lên phương án cụ thể, tỉ mỉ chứ không phải lợi dụng vào đó để làm những việc sai trái như Tô Hải đã cố tình xuyên tạc, bịa đặt.
Nhân đây, xin được dẫn một số ý kiến của các phóng viên, chuyên gia nước ngoài nói về APEC Việt Nam 2017: theo tờ The Economic Times ngày 4/11/2017 “Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái… Là nước chủ nhà, Việt Nam đã nỗ lực trong việc hài hòa những lợi ích, tìm kiếm các điểm chung để thu hẹp những khác biệt, và thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên APEC”. Tờ The Independent của Anh kết luận: “Bằng cách chủ trì APEC 2017, Việt Nam không chỉ tái khẳng định chính sách của mình về tăng cường hội nhập quốc tế và coi trọng châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả các cơ chế hợp tác khu vực như Diễn đàn APEC, nước này cũng nêu bật những tầm nhìn chiến lược đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương năng động, ổn định và hòa bình, tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực cũng như toàn cầu”. Tờ Bangkok Post của Thái Lan cũng đăng bài bình luận về vai trò là nước chủ nhà APEC của Việt Nam. Bài viết nhận định Đà Nẵng sẽ được coi là điểm kết nối Đông Nam Á với phần còn lại của thế giới trong tương lai. Phó Giáo sư Oksana Novakova của Viện các nước Á - Phi thuộc Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva cho rằng: “Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 là một trong những sự kiện chính trị đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong những năm gần đây, khẳng định đường lối tích cực hội nhập quốc tế và sẽ thúc đẩy nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy hình ảnh Việt Nam như một quốc gia đang phát triển năng động, mến khách và an toàn. Đề cập đến quan hệ đối tác chiến lược Nga — Việt Nam, ông Evgeny Kobelev, chuyên gia Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, nhấn mạnh việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự APEC sẽ tạo thêm xung lực mới thúc đẩy quan hệ song phương phát triển thực chất.

Điều đó cho thấy bài viết của Tô Hải thực chất chỉ là một chiêu bài chống phá của thế lực thù địch nhằm vào ý nghĩa, vai trò của Việt Nam trong tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 29. Nhân dân Việt Nam đều hiểu rõ bản chất xuyên tạc, xảo trá, chống phá của Y, dù Y có cố rêu rao, xuyên tạc thì cũng chẳng thể lừa bịp được ai.
                                                                                                         Thảo Chi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC