CHỐNG NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA LUẬT AN NINH MẠNG TẠI VIỆT NAM


Hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Những công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, hệ thống dữ liệu lớn, hệ thống dữ liệu nhanh... đã làm không gian mạng thay đổi toàn diện, sâu sắc, không thể phủ nhận những lợi ích chưa từng có của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 này đối với sự phát triển của xã hội nhưng mỗi quốc gia đều phải sẵn sàng trước những thách thức, nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn.
Số liệu thống kê của Thông tấn xã Việt Nam năm 2018 chỉ ra, trên thế giới, đã có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thay đổi nhận thức về những mối đe dọa đối với an ninh mạng, coi đây là thách thức mới có tầm quan trọng và nguy hiểm cao nên đã cụ thể hóa thành các văn bản chính sách, văn bản pháp luật như luật hoặc văn bản dưới luật như ở Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, Canada, Hàn Quốc, NATO... nhằm tạo ra các thiết chế, cơ sở pháp lý chống lại các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia từ không gian mạng; thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, tình báo mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng và tội phạm mạng. Chưa tới một thập kỷ vừa qua, đã có 23 quốc gia trên thế giới ban hành trên 40 văn bản luật về an ninh mạng.
Thực trạng, nguy cơ trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng và ban hành văn bản luật về an ninh mạng để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ngày 12/6 vừa qua, với 86,86% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua luật An ninh mạng. Luật gồm 7 chương, 43 điều và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Luật quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thế nhưng, thế lực phản động vẫn ngày đêm ra sức chống phá bằng nhiều luận điệu vô căn cứ và ngông cuồng. Bài viết tập trung phản bác lại những tư tưởng xuyên tạc vô lý nổi cộm thời gian qua trên các trang mạng xã hội.
Thứ nhất, có quan điểm cho rằng Luật An ninh mạng Việt Nam sẽ cấm các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Zalo…, các trang tìm kiếm như Google để dùng mạng riêng giống như Nga hay Trung Quốc.
Căn cứ vào Khoản 3 Điều 26 của Luật An ninh mạng có thể khẳng định chắc chắn rằng quan điểm này hoàn toàn sai vì Luật này chỉ quy định “Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ”.
Thứ hai, có một số người cho rằng chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mới yêu cầu phải đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng ở trong nước.
Điều này cũng là nhận thức sai lầm vì cho đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 20 quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong đó có Mỹ, Canada, Úc, Đức, Pháp… đã quy định về pháp luật bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. Gần đây nhất, chính phủ Ấn Độ cũng yêu cầu điều tương tự và vấn đề là tại sao Việt Nam lại không thể quy định điều đó? Vai trò của hệ thống máy chủ là đầu não trong quản trị mạng và đảm bảo an toàn thông tin, tuy nhiên, Luật An ninh mạng Việt Nam đã không quy định bắt buộc thực hiện điều này mà chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu người dùng trên lãnh thổ Việt Nam.
Thứ ba, thế lực phản động còn cho rằng Luật An ninh mạng Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam (mà chúng ta hay gọi tắt là nhà mạng) phải cung cấp toàn bộ thông tin về người dùng cho Nhà nước, kể cả các thông tin cá nhân, riêng tư.
Điều 26 của Luật An ninh mạng Việt nam cho thấy cách hiểu như thế là hoàn toàn sai vì Luật này chỉ yêu cầu các nhà mạng xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin và tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng; (Điểm a, Khoản 2) và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ. (điểm b, Khoảng 2). Rõ ràng, điều này là hoàn toàn hợp lý và mang tính khoa học cao, mọi hoạt động dù trong lĩnh vực không gian mạng, dữ liệu số đều cần được lưu dấu vết để phục vụ trực tiếp cho xử lý mọi sự cố không mong muốn xảy ra.
Thứ tư, đặc biệt, một số bộ phận còn khăng khăng cho rằng các công ty mạng của nước ngoài sẽ không cung cấp thông tin người dùng theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam chơi “luật rừng”.
Rõ ràng, dễ dàng nhận thấy đây là điều bịa đặt vô lý, bởi vì theo số liệu thống kê hằng năm, Facebook đều có báo cáo về cơ sở dữ liệu cho các chính quyền các nước là thị trường của họ với tổng cộng tất cả 103 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có Việt Nam. Ngay sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội chính thức thông qua, bộ phận đại diện Facebook tại Việt Nam cho biết hoạt động của Facebook không hề bị ảnh hưởng tại Việt Nam. Không những thế, Facebook đang hoàn tất các thủ tục pháp lý để chuẩn bị thành lập hệ thống văn phòng đại diện tại đất nước Việt Nam, phía Facebook còn khẳng định điều này giúp Facebook hoạt động tốt hơn, và có sự phối hợp hoàn hảo hơn với Chính phủ Việt Nam ở các dự án lớn trong tương lai. Ai cũng thấy một điều hiển nhiên là cho đến nay, các nhà mạng Google, Facebook và một số nhà mạng khác vẫn hoạt động bình thường tại Việt Nam, không hề có ý định rút khỏi thị trường này. Và cũng đúng theo Luật An ninh mạng, nếu như Wikipedia không đăng ký hoạt động với chính quyền Việt Nam, tất nhiên họ cũng sẽ bị “cắt sóng”.
Thứ năm, trắng trợn hơn nữa, một số người cho rằng Luật An ninh mạng Việt Nam vi phạm những yêu cầu tối thiểu về nhân quyền và không có quốc gia nào trên thế giới có luật này.
Số liệu thống kê của các đại sứ quán Việt Nam đặt tại các quốc gia cho thấy đến nay, khoảng 138 nước đã có luật An ninh mạng bao gồm cả luật chuyên đề và các quy định pháp quy nằm rải rác ở các luật khác và không ít các luật đó còn gắt gao hơn nhiều so với Việt Nam. Đơn cử một vài ví dụ điển hình như tại Đức, Bộ Tư pháp rất xem trọng việc an ninh mạng, họ ra chỉ thị rõ ràng cho Facebook nếu quản lý không tốt để người dân kích động bạo lực, chửi bới trên mạng, xuyên tạc sẽ bị phạt thẳng tay từ những người quản lý Facebook đến những người phát biểu. Đạo luật của Chính phủ Đức gọi tắt là NetzDG chính thức có hiệu lực vào 1-1-2018 sau 2 tháng gia hạn để các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phát triển các công cụ ngăn chặn phát ngôn kích động thù hận. Nổi tiếng hơn là quy định theo luật tại Hàn Quốc, nếu bạn cứ dùng mạng xã hội để tung ra những lời chửi bới một “thần tượng” nào đó thì bạn sẽ sớm nhận được đơn kiện từ công ty chủ quản của nhân vật nổi tiếng ấy. Như vậy, quan điểm sai trái này thực chất chỉ là một sự đánh tráo khái niệm và tập trung vào bộ phận quần chúng dân trí thấp để dễ kích động, xúi giục.
Ngoài ra, còn rất nhiều ý kiến trái chiều thiếu tính chất chặt chẽ và nghiêm túc trong nghiên cứu luật như việc cho rằng Luật An ninh mạng Việt Nam có quy định đánh thuế xuất nhập khẩu với các đơn vị thông tin, sự mơ hồ này đến từ những người thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin. Trên thế giới không ai đánh thuế việc truyền nhận thông tin mà chỉ có quy định về việc bảo vệ bản quyền đối với nội dung thông tin. Luật An ninh mạng cũng chỉ quy định về sở hữu trí tuệ và điều này phù hợp với các quy định của WTO, TPP về sở hữu trí tuệ.
Sở dĩ các thế lực thù địch với Việt Nam đã quyết liệt chống phá việc thông qua Luật An ninh mạng và hiện đang chống phá rất quyết liệt việc đưa Luật An ninh mạng vào cuộc sống là bởi vì “mảnh đất màu mỡ” cái gọi là “sự tự do trên mạng” để lan truyền những thông tin chống phá Nhà nước Việt Nam, gây phương hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của Việt Nam của bọn chúng đã bị triệt tiêu. Đó mới là nguyên nhân đích thực của những hành động điên cuồng này và điều đó được thể hiện rõ ngay từ khi Quốc hội Việt Nam khóa XIV trong kỳ họp thứ 5 bắt đầu thảo luận và dự định thông qua Luật An ninh mạng. Âm mưu của các thế lực này là lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân để lừa bịp và dựa vào những thế lực chống Việt Nam ở nước ngoài để tuyên truyền bịa đặt, xuyên tạc về Luật An ninh mạng. Mục đích cuối cùng của chúng là “tước bỏ vũ khí luật pháp” của Việt Nam để có thể ngang nhiên xâm phạm chủ quyền độc lập, an ninh quốc gia và trật tự xã hội của Việt Nam trên không gian mạng, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Điều gì đi ngược với lợi ích dân tộc thì khó có thể tồn tại, và những trang mạng chống phá dân tộc mới đây nhất, chưa cần đến các cơ quan bảo vệ pháp luật của chính phủ Việt Nam phải can thiệp mà chỉ cần những facebooker, họ là những người Việt Nam yêu nước, báo cáo nhà mạng Facebook về hành vi lan truyền thông tin kích động bạo lực đăng tải trên các trang facebook “Việt Tân” và “Nhật ký yêu nước”, chủ nhà mạng xã hội Facebook đã thẳng tay xóa sổ hai trang này theo quy định của mạng xã hội.
Những đối tượng lo ngại vô lý về Luật An ninh mạng thì có thể dùng các biện pháp thuyết phục, giáo dục, giải thích để cho họ hiểu đúng. Còn đối với những kẻ quyết liệt chống lại Luật An ninh mạng thì có thể coi đó là các hành vi chống lại việc khẳng định của quyền, độc lập, an ninh quốc gia và trật tự xã hội của Việt Nam trên không gian mạng và đó là những hành vi phản quốc. Với việc Luật An ninh mạng được thông qua và có hiệu lực sau hai tháng nữa, chắc chắn Việt Nam sẽ có hành lang pháp lý chuẩn mực để bảo vệ chủ quyền, độc lập, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng.
                                                                                   TRAN ANH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC