CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN MỘT LÝ LUẬN MÃI MÃI XANH TƯƠI


        Trong lịch sử các lý luận nhiều vô kể mà các nền văn minh nhân loại đã tạo ra cho đến nay, đã có một số lý luận sống mãi với thời gian, trong đó chiếm vị trí hàng đầu, nổi bật là lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin. Câu nói của Bác Hồ vào năm 1927: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Mác - Lênin"[1] vẫn hoàn toàn đúng với chúng ta hiện nay. Lịch sử chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ là cuộc đấu tranh với trào lưu giáo điều, kinh viện mà còn là cuộc đấu tranh quyết liệt một mất, một còn với hệ tư tưởng tư sản, với chủ nghĩa chống cộng và các trào lưu cơ hội xét lại trong nội bộ. Chủ nghĩa chống cộng và cơ hội thường lợi dụng những sai lầm giáo điều trong lý luận và thực tiễn phong trào xã hội chủ nghĩa để "hạ bệ" chủ nghĩa Mác - Lênin. Dù không có các sai lầm đó, chúng vẫn có thể bịa ra đủ điều xấu xa để hòng xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản cả trong hiện thực cuộc sống lẫn trong ý thức con người.
Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là một lý luận tư biện mà là một lý luận khoa học gắn liền với phong trào cách mạng hiện thực, là sự tổng kết và phản ánh về mặt lý luận, thực tiễn của phong trào ấy. Phong trào giai cấp công nhân và nhân dân đấu tranh để vượt qua chủ nghĩa tư bản, để kiến tạo một xã hội hợp lý và nhân đạo, do đó tất yếu có thăng, có trầm, có cao trào và thoái trào. Những bước thăng trầm đó ít nhiều có quan hệ nhân quả với những chu kỳ hưng vong của chủ nghĩa tư bản. Sự hưng vong này cũng diễn ra trong cả một thời đại lịch sử. Không tránh khỏi tình trạng vai trò và ảnh hưởng của lý luận Mác - Lênin cũng tăng và giảm trong lòng người tùy theo tình hình lên xuống của phong trào theo cái lẽ thông thường của sự đời "khi vui thì vỗ tay vào"... Trên mặt trận tư tưởng - lý luận, chủ nghĩa chống cộng và cơ hội thường tìm cách chống đỡ, phòng ngự khi cách mạng cao trào và chuyển mạnh sang phản công và tấn công khi cách mạng thoái trào.  
Sự ra đời "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", sự xuất hiện của các phân đội công nhân trên các chiến lũy của các cuộc cách mạng tư sản ở Pháp và châu Âu năm 1848 và cuối cùng là "Công xã Pa-ri" - thử nghiệm đầu tiên tuy thất bại nhưng cực kỳ anh dũng của giai cấp công nhân muốn nắm lấy chính quyền và thay đổi trật tự xã hội cũ. Phong trào thực tiễn như vũ bão và bước tiến thắng lợi của chủ nghĩa Mác trong phong trào đó đã lôi cuốn cả châu Âu cần lao và trí tuệ dưới ngọn cờ của Mác, xuất hiện ảo tưởng về một cuộc cách mạng công nhân toàn thế giới đang đến một cách dễ dàng. Thế rồi Công xã Pa-ri bị đàn áp thẳng tay, những người cộng sản bị săn đuổi, trục xuất ở khắp châu Âu và nói chung, vào cuối thế kỷ XIX sự phát triển của chủ nghĩa tư bản cũng chưa chín muồi cho một cuộc cách mạng vô sản. Chính trong những năm chuyển từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển một cách hòa bình cả ở chính quốc và thuộc địa, những món lợi nhuận béo bở từ các thuộc địa cho phép giai cấp tư sản xoa dịu một phần những xung đột trong lòng chính quốc. Cũng chính vào thời gian đó, xuất hiện cuộc phản công và tiến công có quy mô lớn đầu tiên vào chủ nghĩa Mác của hệ tư tưởng tư sản. Các học giả của giai cấp tư sản ra sức thóa mạ chủ nghĩa cộng sản và ca ngợi sự vĩnh hằng của trật tự xã hội tư sản như là một trật tự phù hợp với bản tính con người. Xuất hiện trào lưu cải lương trong phong trào công nhân, không ít người đã từ giã Mác, chuyển sang lập trường chính trị mới, "thức thời" hơn. Đội ngũ những người mác xít trên thế giới đã thưa thớt đi trong những năm tháng đó.
Bước sang thế kỷ XX, tình hình lại thay đổi một cách cơ bản. Chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa đế quốc với những mâu thuẫn và xung đột dữ dội của nó trên phạm vi toàn cầu, với những sự kiện điển hình như những cuộc chiến tranh thế giới giữa các nước đế quốc, những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã bộc lộ rõ tính chất phi lý của chủ nghĩa tư bản. Phong trào cách mạng ở các nước chính quốc cũng như các thuộc địa lại lên cao; sự kiệt quệ của châu Âu sau chiến tranh, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã mở ra thời đại mới cho lịch sử loài người. Sự phát triển của Quốc tế thứ ba cùng chiến thắng của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sau chiến tranh thế giới thứ hai đã làm cho chủ nghĩa Mác được Lê-nin đổi mới và phát triển xanh tươi hơn bao giờ hết, có uy tín hơn bao giờ hết, nhen nhóm trong lòng người những hy vọng đổi đời trong những trận chiến đấu cuối cùng đang tới gần, những hy vọng đã ít nhiều chứa đựng những ảo tưởng chủ quan duy ý chí, bệnh kiêu ngạo tự mãn cộng sản mà Lê-nin đã từng cảnh báo.
Trong khi đó, chủ nghĩa tư bản thế giới lại không một chút lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Lôgíc của đấu tranh giai cấp buộc nó phải tỉnh táo, khôn ngoan và cố gắng gấp bội. Và cái kết cục đáng buồn đã xảy ra cuối thế kỷ XX. Sau bảy thập kỷ tiến công với những bước diễu hành chiến thắng, chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Cách mạng thế giới tạm thời lâm vào thoái trào. Chủ nghĩa tư bản chuyển sang phản công và tiến công, truy kích đến cùng chủ nghĩa Mác - Lênin. Người ta muốn "đào sâu", "chôn chặt" chủ nghĩa xã hội hiện thực, tuyên bố rằng đó là "một bước đi sai lầm của lịch sử", là một "ảo tưởng bốc đồng" của một bộ phận nhân loại, đồng thời người ta cũng mưu toan "khai tử" luôn cho chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu như cuối thế kỷ XIX, do uy tín của chủ nghĩa Mác mà người ta còn phải núp bóng chủ nghĩa đó để chỉ xét lại điểm này hay điểm khác của nó thì ngày nay, có kẻ cũng chẳng cần phải núp bóng nữa, mà công khai bác bỏ hoàn toàn chủ nghĩa Mác - Lênin, coi đó là một lý luận "lỗi thời", không những "không thích hợp với phương Đông mà cũng chẳng thích hợp với phương Tây"....
Thế giới ngày nay sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, chỉ còn một số nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, dù cho người ta còn cãi nhau xem đó là thế giới một siêu cường, hay đa cực, hay là vừa một siêu cường, vừa đa cực thì đó vẫn là một thế giới mà chủ nghĩa tư bản đang nắm quyền chi phối. Một thế giới tư bản chủ nghĩa đang nắm cách mạng khoa học và công nghệ, đang đi vào kinh tế tri thức, đang ngày càng giàu có hơn, lắm tiền, nhiều súng, muốn tùy ý múa cây gậy hay chìa củ cà rốt ra ở đâu tùy ý; cái thế giới ấy rồi sẽ biến đổi ra sao và sẽ đem lại cái gì cho cuộc sống con người? Chắc chắn rằng, chủ nghĩa tư bản thế giới rồi đây có thể vẫn sẽ có những bước tiến bộ phát triển mới nhưng bảo rằng rồi đây nó sẽ đem lại cho loài người một cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì đó hẳn là một điều đáng ngờ!
Loài người đã có những bước tiến dài trên con đường văn minh và đã có những bước tiến nữa trong thế kỷ XXI, các lực lượng sản xuất của con người hiện nay đã có thể thỏa mãn các nhu cầu vật chất của mọi con người trên hành tinh, những nhu cầu hợp lý, chính đáng chứ không phải những nhu cầu tiêu dùng bệnh hoạn do bộ máy quảng cáo khổng lồ ma quái xui khiến, cũng như cái nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và mua sắm vũ khí để tàn sát lẫn nhau. Thế nhưng, thế giới văn minh hiện nay vẫn đang phải chấp nhận một vết nhơ không thể khắc phục được là sự nghèo khổ cùng cực của một bộ phận nhân loại không nhỏ, của sự bất bình đẳng về kinh tế giữa các cộng đồng người, giữa các quốc gia, giữa các lục địa. Càng tiến vào nền văn minh mới, con người càng nhận thức ra rằng hạnh phúc con người không chỉ là đời sống vật chất mà còn là đời sống tinh thần. Trong một thế giới mà kỹ thuật ngày càng có xu hướng thống trị con người thì con người càng cần đến đời sống tinh thần, những quan hệ xã hội nồng ấm, sự phong phú của tâm hồn. Văn hóa sẽ ngày càng là điểm nổi trội của xã hội tương lai, bởi vì xét cho cùng, những nhu cầu vật chất cơ bản của con người như ăn, mặc, ở, các tiện nghi cuộc sống... không phải là một đại lượng vô hạn mà là có hạn, được quy định bởi những giới hạn sinh lý của con người, sự cân bằng của thiên nhiên và xã hội, trong đó có con người. Như vậy, mặc dù chủ nghĩa tư bản có những sự phát triển nhất định nhưng khó có thể thỏa mãn những ước nguyện của con người về lẽ công bằng, về hạnh phúc và niềm vui. Sẽ đến lúc loài người, kể cả những người ít suy nghĩ nhất nhận ra rằng cần phải vượt qua chủ nghĩa tư bản nếu muốn sống tốt hơn. Trong thế kỷ XIX, chế độ tư bản là vấn đề áp bức, bóc lột đối với công nhân, đối với sự nghiệp giải phóng lao động. Trong thế kỷ XX, chế độ tư bản là vấn đề bất công, bất bình đẳng đối với công nhân và các dân tộc bị áp bức. Sang thế kỷ XXI, chế độ tư bản vẫn là vấn đề đối với các đối tượng đó nhưng không chỉ có vậy, chế độ đó còn là vấn đề đối với toàn nhân loại, đối với mọi con người; không chỉ đối lập với các lợi ích giai cấp và dân tộc mà còn đối lập với các lợi ích toàn nhân loại, toàn cầu.
Các trí thức của phương Tây, có đầu óc khoa học và ít thiên kiến nhất, hiểu rất rõ những nghịch lý trong lòng thế giới đương đại đã tiên đoán rằng sẽ đến lúc loài người lại trở về với Mác, rằng thế kỷ XXI lại là thế kỷ của Mác và người ta sẽ không giải quyết được bất cứ việc gì nếu không tham khảo đến Mác. Sự trở về của Mác trong thế kỷ XXI không phải là một sự trở về giản đơn. Một thế giới biến động, đầy sóng gió phức tạp với vô vàn vấn đề mới được đặt ra trong chương trình nghị sự của con người là một mảnh đất rộng rãi, màu mỡ hết sức thuận lợi cho sự phát triển của lý luận Mác - Lênin. Chúng ta tin một cách có cơ sở rằng, những người tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin trên toàn thế giới sẽ nắm bắt được những nhu cầu sinh tử do cuộc sống mới đặt ra, vượt qua những thách thức, đẩy lý luận và thực tiễn cách mạng tiến lên, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin đến một giai đoạn phát triển mới, vượt qua những xám xịt tạm thời, xanh tươi trở lại cùng với cây đời.
Những người cộng sản chân chính trên thế giới và ở Việt Nam luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình, đang ra sức nỗ lực đóng góp làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin được bổ sung phát triển, đổi mới không ngừng, mãi mãi xanh tươi. Đó là trách nhiệm nặng nề và vẻ vang! Đưa đất nước ta, một đất nước phương Đông kém phát triển về nhiều mặt đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là sự nghiệp cách mạng không dễ dàng, cũng chưa có tiền lệ trong lịch sử, đòi hỏi tinh thần kiên định và dũng cảm, thông minh và tài năng. Sự nghiệp đó đòi hỏi chúng ta phải phát triển mạnh mẽ công tác lý luận, đưa công tác lý luận của Đảng ta, dân tộc ta lên một trình độ mới, giải đáp được một cách rõ ràng nhiều vấn đề cơ bản của cuộc cách mạng nước ta, tạo ra một sự thống nhất tư tưởng cao có cơ sở khoa học trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Điều quan trọng là lý luận đó phải biến thành hành động thực tiễn, phải cải tạo và xây dựng được cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, từng bước đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà trên Tổ quốc ta, thực hiện cho bằng được mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
ĐĂNG TÂM



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập. NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 289.

Nhận xét

người yêu nước đã nói…
rất dài và rất xa
Hừng Đông đã nói…
Bài viết rất tốt

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC