KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI LỌT VÀO ĐƠN VỊ
Thất
bại trong chống phá Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy
mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình". Một trong những hướng tấn công
mũi nhọn là đòi "phi chính trị hóa" Quân đội trong bối cảnh mới. Đây
là thủ đoạn không mới nhưng cực kỳ nguy hiểm.
Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 nhận định: những năm
tới, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước cấu
kết với nhau tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình” với âm mưu, thủ đoạn
chống phá ngày càng công khai, trực diện hơn.
Hiện nay, sự chống phá của các thế lực thù địch đã có
phát triển mới, công khai và trực diện hơn. Qua nhiều bài viết trên các trang
mạng xã hội, chúng công khai nhận định: muốn chuyển hóa Việt Nam, phải tiếp tục
tập trung vào 3 lĩnh vực cơ bản. Trong đó, phá vỡ nền tảng chính trị là then
chốt; chống phá về kinh tế là biện pháp cơ bản, lâu dài; phi chính trị hóa quân
đội là nhiệm vụ trọng yếu.
Chúng
nhận thức rất rõ: chỉ có làm cho quân đội suy yếu, mất phương hướng chính trị,
sau đó thông qua "cách mạng màu", "cách mạng hoa",
"cách mạng đường phố" mới có thể lật đổ được chế độ XHCN ở Việt Nam.
Rõ ràng mục đích là không đổi, nhưng thủ đoạn, cách thức thực hiện có những
biểu hiện mới rất tinh vi, thâm độc.
Để thực
hiện mục tiêu đó, các thế lực thù địch tập trung phá hoại nền tảng tư tưởng của
quân đội. Chúng tiếp tục tung hô, đề cao tính "khoa học" của các luận
thuyết tư sản và tuyên bố rằng: Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, cáo chung, là
bóng ma ám ảnh thế giới đương đại, không còn vai trò, ý nghĩa gì đối với xã
hội.
Chúng
tập trung cổ súy cho luận điệu "lực lượng vũ trang phi giai cấp";
"Quân đội nhà nghề". Một số học giả tư sản, cơ hội đã có nhiều bài
viết và luận giải mơ hồ rằng: không cần phân biệt chủ nghĩa xã hội hay chủ
nghĩa tư bản, không cần chính trị, chỉ cần tiền, cần vũ khí; do đó bỏ Đảng cũng
được vì quân đội không thuộc một thể chế chính trị, đảng phái nào...
Chúng
xác định: dù cố gắng đến đâu thì hiện nay cũng chưa thể xóa bỏ ngay được nền
tảng tư tưởng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vì thế, chúng dùng mọi thủ đoạn
để xuyên tạc đường lối của Đảng, Nhà nước, làm cho cán bộ, chiến sĩ mất niềm
tin, thấy đúng không kiên quyết bảo vệ, thấy sai không biết đấu tranh. Nguy
hiểm hơn, trong điều kiện mở cửa, hội nhập quốc tế, chúng cho rằng quân đội
không cần có đối tượng tác chiến, từ đó làm xuất hiện tư tưởng chủ quan, mất
cảnh giác.
Đặc
biệt, sau Đại hội XIII của Đảng, chúng triệt để lợi dụng cuộc đấu tranh chống
tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh để gây mâu thuẫn giữa lãnh đạo,
chỉ huy với cán bộ, chiến sĩ, phá hoại khối đoàn kết thống nhất, kích động hình
thành bè phái trong nội bộ các đơn vị quân đội. Chúng cho rằng trong điều kiện
phát triển kinh tế thị trường, lấy lợi nhuận làm mục đích, lấy vật chất làm đòn
bẩy tinh thần, nên công tác đảng, công tác chính trị không còn phát huy tác
dụng; sự can dự của chính trị sẽ phá hoại tính chuyên nghiệp của Quân đội.
Nghị
quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã dự báo: "Những năm tới, tranh
chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo tiếp tục diễn ra căng thẳng, tiềm ẩn nhiều
nguy cơ dễ xảy ra xung đột.. Biển Đông, vùng biển Tây Nam và một số địa bàn
chiến lược tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định".
Thấm
nhuần tư tưởng của V.I.Lênin: "Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta
ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta", vì thế, việc xây dựng các Quân
chủng, Binh chủng và từng đơn vị trong toàn quân thực sự vững mạnh về chính trị
được coi là yếu tố tiên quyết để làm thất bại âm mưu "phi chính trị
hóa" quân đội.
Điều đó
đòi hỏi các đơn vị phải giữ vững và tăng cường nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối
với quân đội; tăng cường giáo dục, nâng cao cảnh giác cách mạng, làm cho mọi
quân nhân phân biệt chính xác bạn, thù, đối tượng, đối tác; đồng thời cán bộ,
chiến sĩ cần nhạy bén, sắc sảo về chính trị, có khả năng "miễn dịch"
trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Đấu
tranh làm thất bại âm mưu "phi chính trị hóa" quân đội sẽ lâu dài,
gian khổ; phải tiến hành thường xuyên, đồng bộ, mọi lúc, mọi nơi. Sức mạnh
trong cuộc đấu tranh này phải là sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, mọi cán bộ,
đảng viên và quần chúng.
Vì vậy,
yêu cầu đặt ra là toàn đơn vị phải là một khối đoàn kết, thống nhất tạo thành
"hàng rào" chính trị tư tưởng vững chắc, không có kẽ hở và cơ hội cho
các quan điểm sai trái lọt vào đơn vị. Trong đó, chủ động, không để bất ngờ về
chính trị, tư tưởng chính là kế sách tối ưu để đập tan âm mưu "phi chính
trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch trong tình hình mới hiện nay.
Nhận xét