TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHỐNG LỢI DỤNG TÔN GIÁO VÀ BÀI TRỪ MÊ TÍN DỊ ĐOAN
Ở Việt Nam, tôn
giáo là lĩnh vực luôn bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc cấu kết với bọn phản động
lợi dụng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng. Bởi
vậy, từ rất sớm trên hành trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú
ý phân tích chỉ rõ đặc điểm này của vấn đề tôn giáo ở nước ta.
Trong
tác phẩm nổi tiếng Bản án chế độ thực dân
Pháp, Người dành hẳn một chương với tiêu đề “chủ nghĩa giáo hội” để phân
tích, làm rõ sự cấu kết giữa chủ nghĩa thực dân với những kẻ phản động, đột lốt
tôn giáo để thống trị, chiếm đoạt của cải, đất đai và bóc lột sức lao động của
nhân dân. Sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thực hiện
ngay chính sách “tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết” và được đông đảo chức sắc,
nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đồng tình, ủng hộ và tin tưởng đi theo cách
mạng. Tuy nhiên, các thế lực thực dân, đế quốc và bọn phản động trong các tôn
giáo vẫn luôn tìm cách lợi dụng tôn giáo vào mục đích chính trị phản động.
Chúng tuyên truyền bịa đặt “cộng sản ngăn cấm, tìm cách tiêu diệt tôn giáo”; thậm
chí khi miền Bắc được giải phóng, chúng còn tung tin “Chúa đã vào Nam” và dùng
các thủ đoạn mua chuộc, lừa dối, ép buộc đồng bào Công giáo di cư vào Nam… Để vừa
đảm bảo quyền tự do tôn giáo của nhân dân, vừa đấu tranh có hiệu quả chống việc
lợi dụng tôn giáo vì mục đích xấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ ranh dưới rạch
ròi giữa một bên là đồng bào tôn giáo chân chính yêu nước với bên kia là những
kẻ “giáo gian” vì can tâm làm tay sai cho giặc, hại nước, phản Chúa.
Thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với những đồng bào vì nhẹ
dạ, cả tin đã bị các thế lực phản động dụ dỗ, mua chuộc, ép buộc chống lại cách
mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: vận động, đánh thức lòng yêu nước, lương
tâm con người Việt Nam để họ tỉnh ngộ và quay về với con đường chính nghĩa. Đối
với những người đã biết hối cải, quay về với Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng
định luôn mở rộng vòng tay chào đón và họ “sẽ được hoanh nghênh rộng rãi như những
con người đi lạc mới về”. Đồng thời, người yêu cầu cán bộ, đảng viên, đoàn
viên, hội viên các đoàn thể “Không được báo thù báo oán. Đối với những kẻ đi lầm
đường lạc lối, đồng bào ta cần phải dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời khôn lẽ
phải mà bày cho họ”. Tinh thần khoan dung tôn giáo của Người đã lan tỏa trong
các đồng bào tôn giáo, giúp họ nhận thức rõ chính – tà, nâng cao cảnh giác trước
âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực phản động; đồng thời, lay động và
khích lệ lòng yêu nước của các chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, giúp nhiều người
trong số họ vượt qua mặc cảm, dấn thân phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Bên cạnh việc kiên quyết đấu tranh chống lợi dụng tôn
giáo vào mục đích chính trị phản động, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đến việc
bài trừ mê tín dị đoan. Người nhận thức rất rõ, chế độ thực dân phong kiến đã
thực hiện chính sách ngu dân, trói buộc nhân dân ta bằng cả rượu cồn, thuốc phiện
và các hủ tục lạc hậu hòng duy trì sự thống trị lâu dài của chúng. Mê tín dị
đoan là những hủ tục lạc hậu do chế độ cũ để lại và những tàn dư của chúng tồn
tại dưới nhiều hình thức khác nhau như đồng cốt, bói toán, cầu đảo, rước xách
linh đình, cún bái rườm rà tốn kém… Mê tín dị đoan tồn tại được trong xã hội mới
là do trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ văn hóa và trình độ dân
trí quá thấp, người dân không lý giải được các hiện tượng tự nhiên, tin vào những
lời nhảm nhí, bịa đặt, lừa bịp của một số kẻ lợi dụng tín ngưỡng của người dân
để trục lợi cá nhân. Vì vậy, để bài trừ tệ mê tín dị đoan, Chủ tịch Hồ Chí Minh
cho rằng, điều quan trọng đầu tiên là phát triển kinh tế - xã hôi, xây dựng nếp
sống văn hóa mới, trong đó vừa bảo tồn, phát huy những giá trị thuần phong mỹ tục,
vừa tích cực phổ biến các tri thức khoa học. Người nhắc nhở: “có nơi còn một số
gia đình tổ chức đám ma, đám cưới, ăn uống xa xỉ rồi mang cả nợ đời, như thể là
không tốt. Bây giờ ta phải giữ vững thuần phong mỹ tục, thực hiện đời sống mới”.
Xây dựng đời sống mới, theo Người, phải nâng cao trình độ học vấn, phổ biến
“thường thức khoa học, để bớt mê tín nhảm”.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tôn giáo vẫn còn
nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới hiện nay. Mặc dù bối cảnh đất nước đã
thay đổi, vấn đề tôn giáo cũng có những nội dung mới, song tư tưởng Hồ Chí Minh
nói chung, tư tưởng của Người về tôn giáo nói riêng vẫn là những chỉ dẫn hết sức
chuẩn mực cần tiếp tục đào sâu nghiên cứu để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giải
quyết vấn đề tôn giáo vì mục tiêu phát triển một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhận xét