CHĂM LO ĐỜI SỐNG CÁN BỘ THỎA ĐÁNG - MỘT BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG
Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi… làm trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức. Do đó, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là “chống giặc nội xâm” - nhiệm vụ rất quan trọng nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp.
Phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực đòi hỏi chúng ta phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục,
bền bỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện
pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự, với những bước
đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, “chăm lo đời sống cán
bộ thỏa đáng” là giải pháp không thể thiếu để phòng, chống
tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực.
Bởi vì, làm cán bộ,
công chức mà các khoản thu nhập chính đáng không đủ trang trải cuộc sống ở mức
trung bình trở lên thì rất khó để giữ mình trong sạch, không tham nhũng, tiêu
cực. Đó là thực tế cần phải được nhìn nhận thẳng thắn, nghiêm túc và sớm có
giải pháp khắc phục, vì cổ nhân đã đúc rút “có thực mới vực được đạo”, “đói ăn
vụng, túng làm càn”.
Thực tế là mức thu nhập
chính đáng của đa số cán bộ, công chức ngày càng thấp so với mặt bằng xã hội,
bởi thu nhập bình quân của người dân tăng nhanh nhưng nhiều năm rồi nước ta
chưa cải cách tiền lương; tiền thưởng của cán bộ, công chức cũng rất ít so với
người lao động ngoài nhà nước. Ngay cả với cán bộ cấp cao, sau nhiều năm phấn
đấu và cống hiến thì lương, phụ cấp cũng chỉ trên dưới 20 triệu đồng, không
bằng thu nhập của chủ một cửa hàng hoặc cơ sở sản xuất nhỏ, hay cử nhân trẻ làm
việc ở doanh nghiệp tư nhân khấm khá... Trong khi đó, cán bộ càng giữ cương vị
cao thì càng có nhiều mối quan hệ, riêng khoản chi việc hiếu, việc hỷ đã rất
tốn kém; rồi áp lực “một người làm quan, cả họ được nhờ”, cả đại gia đình, họ
hàng, dân làng, bè bạn trông chờ giúp đỡ, tài trợ... Thực tế này ai cũng biết
rõ và như vậy thì không phải cán bộ nào cũng có thể giữ mình liêm chính, nhất
là khi nhiều người dân, doanh nghiệp và cấp dưới tìm cách gửi “quà” để nhờ vả,
mua chuộc người có chức quyền để được ưu tiên, thỏa thuận ngầm “đôi bên cùng có
lợi”! Việc bảo đảm chế độ, chính sách thỏa đáng cho cán bộ, công chức đúng với
những đóng góp và trách nhiệm trên từng cương vị là giải pháp không thể thiếu
để phòng, chống tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực. Nó giúp đội ngũ cán bộ
chuyên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa không cần tham nhũng, vừa không dại gì
tham nhũng.
Trong nhiều nghị quyết
mà gần đây là Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta đã nêu rõ: Chính sách cán bộ
chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc; do đó phải
tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính
sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.
Đáng tiếc là việc hiện thực hóa chủ trương này quá chậm do nhiều nguyên nhân,
nhất là chưa có đủ nguồn lực. Nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, nguồn lực
của đất nước bị thất thoát do tham nhũng, lãng phí có khi còn nhiều hơn nguồn
lực để cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức, nên nếu quản lý tốt, chặn được
tham nhũng, lãng phí thì sẽ có nguồn lực để trả lương tương xứng cho cán bộ,
công chức.
Nhận xét