PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM CHO RẰNG ĐẢNG TA KỲ THỊ NGƯỜI CÓ ĐẠO

 Tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Ngay khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố long trọng chính sách của Chính phủ là tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết. Chính sách đúng đắn đó đã tập hợp đồng bào có đạo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng hành cùng dân tộc, sống tốt đời đẹp đạo, đóng góp to lớn vào thắng lợi chung của dân tộc trong đấu tranh giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, cùng với các chính sách khác, chính sách tôn giáo đã không ngừng hoàn thiện, ngày càng phù hợp với thực tế khách quan, tình hình đất nước và quốc tế. Đảng, Nhà nước ta xác định tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng bào theo các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đạo đức tôn giáo có những điểm phù hợp với yêu cầu xây dựng xã hội mới. Đảng và Nhà nước ta còn chủ trương thực hiện nhất quán chính sách đoàn kết tôn giáo, đoàn kết giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau: Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữ gìn, phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với dân tộc, với nhân dân; đồng thời, nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Ở nước ta, mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và ở cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, được pháp luật bảo hộ, được mở cơ sở đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, xuất bản các ấn phẩm về tôn giáo, được xây dựng, sửa chữa, giữ gìn cơ sở thờ tự theo quy định của pháp luật. Trong những năm đổi mới vừa qua, nhiều công trình thờ tự cũ được tôn tạo khang trang, nhiều công trình lớn mang tầm cỡ khu vực được đầu tư xây dựng mới; nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về tôn giáo được tổ chức thành công tại Việt Nam.

Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhưng các tôn giáo và tín đồ tôn giáo phải tuân thủ nghiêm Hiến pháp và pháp luật, chịu sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật nhằm giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định bảo đảm cho cuộc sống yên lành của nhân dân, trong đó có những người theo tôn giáo. Do vậy, việc nghiêm trị đối với những kẻ gây rối, làm mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, dù họ là người theo tôn giáo đều là việc làm cần thiết trong quản lý đất nước. Không thể coi việc xử lý những cá nhân tín đồ có những hành động vi phạm pháp luật, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, cuộc sống yên bình của nhân dân là “đàn áp tôn giáo”, là “vi phạm nhân quyền”. Thử hỏi, nếu để cho những phần tử xấu, mượn cớ đòi tự do tín ngưỡng, tôn giáo để làm những việc trái với đạo lý, vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến cuộc sống của cộng đồng dân cư, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, thì hậu quả sẽ như thế nào? Khi đó, không những lợi ích dân tộc bị đe dọa, mà lợi ích thiết thân của những người theo đạo - một bộ phận trong khối đại đoàn kết dân tộc cũng sẽ không được bảo đảm.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, xây dựng đoàn kết toàn dân tộc là bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu đã được lịch sử dân tộc ta chứng minh. Bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc và đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đòi hỏi không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân bên cạnh việc nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch, trái với tư tưởng chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Đảng góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết dân tộc, tạo động lực to lớn để phát triển đất nước nhanh và bền vững./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC