PHÂN HÓA “GIÀU – NGHÈO” VÀ HỆ LỤY CỦA NÓ

 

Phân hóa giàu nghèo là một vấn đề xã hội của các nền kinh tế trên thế giới hiện nay. Sự phân hóa giàu nghèo có thể thấy dưới nhiều hình thức và ở khắp nơi. Đơn giản nhất và dễ nhìn thấy nhất là những người giàu sống trong trung tâm thành phố và những người nghèo, nhà nghèo sống ở ngoại ô thành phố, thậm chí sống ở những khu nhà tạm bợ, ổ chuột, …

          Xét dưới góc độ chính trị, phân  hóa giàu nghèo có thể sẽ dẫn đến phân cực xã hội. Bên cạnh những người giàu lên bằng tài năng, công sức thực sự thì cũng có không ít “quan tham”, “đại gia” hay “trọc phú”, giàu lên nhanh chóng một cách  bất  minh, bất hợp pháp, do lợi dụng những khe hở luật pháp để  khai thác tài nguyên, bóc lột lao động và vơ vét, tài sản xã hội. Những  khoản  thu nhập bất chính này làm gia tăng khoảng cách chênh lệch giữa nhóm giàu và nhóm nghèo, làm cho những người nghèo càng trở nên nghèo hơn. Vì nguồn tiền kiếm được do phi lao động là chủ yếu, không phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, nên nhóm người giàu có này sống rất xa hoa, lãng phí.

          Sự phân hóa giàu nghèo về lâu dài sẽ làm cho người dân bức xúc, làm giảm tính gắn  kết xã hội, làm gia tăng các vụ khiếu kiện gây mất ổn định xã hội. Phân hóa giàu nghèo còn dẫn đến những hệ quả tiêu cực là: Nội bộ cán bộ, đảng viên tự diễn biến theo chiều hướng xấu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị nội bộ; bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu lực; các chủ  trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bị vô hiệu hóa và bị làm sai lệch; sự lãnh đạo của Đảng suy yếu. Điều đó tạo điều kiện cho các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang từng bước xây dựng. Sự phân hóa giàu nghèo không chỉ tiềm ẩn những mâu thuẫn, xung đột, mà còn có nguy cơ phá hỏng sự nghiệp đổi mới và các mục tiêu phát triển của nước ta.

          Dưới góc độ kinh tế, sự phân hóa giàu nghèo có thể trở thành yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng và phát triển kinh tế (nếu đó là sự làm giàu không chính đáng). Vì, tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập ngày càng trở nên trầm trọng sẽ khiến  tăng trưởng kinh tế không thể ổn định. Điều này gây ra tình trạng di dân cơ học từ  nông thôn ra thành thị, từ vùng khó khăn sang vùng thuận lợi hơn, từ đó gây áp lực  quá tải lên cơ sở hạ tầng đô thị và gây xáo trộn xã hội. Do đó, việc giải quyết tốt vấn đề phân hóa giàu nghèo sẽ tác động tích cực tới mục tiêu phát triển nền kinh tế một cách bền vững.

          Dưới góc độ xã hội, phân hóa giàu nghèo ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh xã hội; làm gia tăng tệ nạn xã hội, các loại tội phạm. Vì luôn phải đối đầu với những khó khăn về kinh tế, nên không ít người nghèo lúc nào cũng cảm thấy cuộc sống của mình bị đe dọa. Cái nghèo, cái đói cũng thường đi liền với sự thất học,  đó cũng là những nguyên nhân đẩy một bộ phận người nghèo vào ngõ cụt của cuộc đời. Với quan niệm “không có gì để mất”, nên một số người nghèo có thể liều lĩnh làm những việc trái với  pháp luật và  đạo đức. Trong nhiều vụ án, đối tượng phạm tội là người nghèo;  nếu có cuộc sống tương đối ổn định thì có lẽ họ không phạm tội. Nghèo đói cũng khiến nhiều thanh, thiếu niên không được học hành đến nơi đến chốn đã tìm đến các đô thị kiếm việc làm, tìm cơ hội đổi đời. Cuộc mưu sinh khó khăn khiến không ít người trong số họ rơi vào cảnh túng bấn, quẫn bách không lối thoát và họ trở thành tội phạm.

          Xét về khía cạnh đạo đức, sự phân hóa giàu nghèo làm cho một số người định hướng lệch lạc các giá trị chuẩn mực đạo đức, lối sống của xã hội. Cùng với việc đẩy mạnh kinh tế thị trường có sự gia tăng triết lý sống “mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết” và dục vọng chạy theo đồng tiền, bất chấp tình nghĩa. Sự xuống cấp về đạo đức là nhân tố làm phá vỡ nền nếp gia phong của nhiều gia đình. Tình trạng bạo hành trong gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Tình trạng người già bị ngược đãi xảy ra ngày càng nhiều. Không ít đứa con bất hiếu đã thẳng tay đuổi bố mẹ già ra khỏi nhà, thậm chí đánh đập dã man người đã mang nặng đẻ đau. Một số người già không có nơi nương tựa, hoặc sống lang thang dù họ có gia đình và con cái. Hiện tượng xuống cấp về đạo đức gia đình như vậy có một phần nguyên nhân ở sự nghèo đói. Xã hội muốn phát triển thì phải chấp nhận có một số người giàu trước nhờ trí tuệ, nhờ năng lực và có khi do may mắn nữa. Song, khoảng cách giàu nghèo quá lớn có thể khiến cho mốt số người nghèo cảm thấy tuyệt vọng. Không ít người nghèo do bế tắc trước cảnh nghèo, đã tự tử để muốn giải thoát cho mình và để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Những gia đình nghèo đó đã nghèo khổ về vật chất, lại còn nghèo khổ thêm cả tinh thần.

          Phân hóa giàu nghèo còn gây ra sự phân tầng đẳng cấp trong xã hội. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bất mãn của một nhóm người nào đó. Sự phân cách giàu nghèo nếu để quá lớn sẽ dẫn đến thái độ được coi là "thù địch" của người nghèo đối với người giàu. Điều này thể hiện qua việc xuất hiện và tồn tại tâm lý hằn học với sự giàu có, đố kỵ với những nhà kinh doanh, ác cảm với những người thành đạt không theo quan niệm truyền thống cũ. 

          Như vậy, càng nghèo đói, chậm phát triển thì sự bất bình đẳng xã hội càng lớn hơn. Và càng không phải cứ đẩy mạnh kinh tế thị trường thì khoảng cáchgiữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo sẽ được xóa bỏ; mà trái lại, kinh tế thị trường càng tự do thì càng đẩy nhanh sự cách biệt giàu nghèo. Vấn đề đặt ra là phải ngăn ngừa, hạn chế sự phân hóa giàu nghèo do giàu lên một cách bất thường và bất chính, do tham nhũng, do những hành vi buôn gian bán lậu, làm ăn theo kiểu chụp giật trong giai đoạn “tranh tối, tranh sáng” của cơ chế thịtrường, do những chính sách không hợp lý mà con người tạo ra. Đồng thời, phải tuyên dương, nhân rộng các điển hình làm giàu hợp pháp, bởi những người giàu, trong chừng mực nào đó, còn là tấm gương, sự giàu có còn là mục tiêu để những người nghèo phải nỗ lực vươn lên. Cần khuyến khích các hộ đã giàu lên một cách hợp pháp hỗ trợ người nghèo. Mặt khác, phải nâng cao mức sống của người nghèo thông qua việc nâng cao năng lực và sự tự ý thức vươn lên thoát nghèo của chính họ. Do đó, việc “xóa đói” kiến thức, “giảm nghèo” nhận thức sẽ là sự xóa đói giảm nghèo một cách căn cơ nhất cho sự phát triển bền vững và ổn định của xã hội. Việc giúp cho người nghèo chiếc “cần câu”
và dạy cho họ làm cách nào để “câu cá” mới là phương cách hiệu quả hơn nhiều.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC