ĐỒNG CHÍ HUỲNH TẤN PHÁT - NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN TRUNG MẪU MỰC
Kỷ niệm
110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/02/1913 - 15/02/2023), là dịp để
chúng ta tri ân, khẳng định những công lao và đóng góp quan trọng của Đồng chí,
một người cộng sản kiên trung mẫu mực. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày
15/02/1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã
Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Với tư chất thông minh, Huỳnh Tấn Phát lần lượt tốt
nghiệp bậc tiểu học, bậc trung học tại Trường dòng Laxan Tabe Mỹ Tho, Trường
Trung học Mỹ Tho, Trường Trung học Pétrus Ký (Sài Gòn)[1].
Năm 1933, Huỳnh Tấn Phát thi đậu vào khoa Kiến trúc khóa 8 Trường Cao đẳng Mỹ
thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc năm 1938. Sớm giác ngộ,
tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong hoạt động cách mạng. Tháng 3/1945,
đồng chí Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Những cống hiến quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát đối với sự
nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là đóng góp của đồng chí trong
cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết
quốc tế, tham gia xây dựng đường lối đổi mới đất nước trên các cương vị lãnh
đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng
lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội
đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những đóng góp trên lĩnh vực kiến trúc
với nhiều công trình, tác phẩm xuất sắc làm đẹp cuộc đời, góp phần xây dựng nền
nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Do công lao và thành tích đối với cách mạng, đồng chí
Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân
chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng;
Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ
thuật; Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là
một điển hình của thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, cả đời gắn bó,
phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân với trí tuệ và tình cảm của một trí thức yêu
nước, một nhà chính trị lớn - nhà văn hoá lớn - kiến trúc sư có tâm và có tầm.
Ở Đồng chí chính trị, văn hoá, đạo đức luôn hòa quyện. Là một kiến trúc sư nổi
tiếng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát có rất nhiều điều kiện để sống cuộc sống giàu
sang dư giả về vật chất, danh lợi. Vượt lên trên hết, khi quyết định đi theo
con đường cách mạng, Đồng chí Huỳnh Tấn Phát phải chịu sức ép không nhỏ từ
chính quyền thực dân. Tuy nhiên, Đồng chí đã thể hiện một nhân cách lớn, đặt
lợi ích đất nước lên trên lợi ích cá nhân, quyết tâm đi theo cách mạng. Từ khi
trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương tháng cho đến khi trở về cõi vĩnh
hằng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tuyệt đối trung thành với lý tưởng mà mình đã
chọn. Lý tưởng và tố chất của người cộng sản đã làm cho tài năng và đức độ của
Đồng chí tỏa sáng. Suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,
luôn tin vào sức mạnh của quần chúng và sự tất thắng của cách mạng. Nhận thức
được chính nghĩa, giá trị nhân văn to lớn của sự nghiệp cách mạng, đồng chí
Huỳnh Tấn Phát đã làm cách mạng một cách trọn vẹn cả tâm và lực. Trên cương vị
lãnh đạo cao cấp, Đồng chí không yêu cầu bất cứ đặc ân, đặc quyền nào cho bản
thân và gia đình. Là một trí thức lớn và là một cán bộ cấp cao nhưng trong sinh
hoạt, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn thể hiện phong cách bình dị, gần gũi, ân
cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, đồng đội, sẵn sàng chia sẻ những khó
khăn với mọi người; là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của người cộng sản
kiên trung, suốt đời hy sinh, phục vụ nhân dân, đất nước. Trong cuộc đời hoạt
động cách mạng của mình, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn nêu cao tinh thần trách
nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc và nhân dân. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo
khác nhau, dù ở đâu, làm việc gì, cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến
cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên hết. Trong ngục
tù của kẻ thù, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm
lược, đến khi trở thành Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam,
Đồng chí luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người cộng sản, thể hiện cao
đẹp đức tính liêm khiết, khiêm tốn, cuộc sống giản dị, mẫu mực, là tấm gương
sáng về phẩm chất của người cộng sản kiên trung mẫu mực.
Trong quá trình hoạt động
cách mạng đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có những cống hiến to lớn đối với sự
nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng ta càng thêm trân trọng, tự hào và
bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao của người cộng sản kiên cường, bất khuất.
Đồng chí để lại cho chúng ta bài học quý báu về nhân cách sống và hoạt động của
người cách mạng. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, là dịp để
chúng ta tri ân, khẳng định những công lao và đóng góp quan trọng của bậc trí
thức lớn của dân tộc – người cộng sản kiên trung mẫu mực.
Thế hệ cán bộ, hạ sĩ quan,
chiến sĩ hôm nay chúng ta phải luôn trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn, noi
gương đồng chí Huỳnh Tấn Phát, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, không ngại
khó khăn gian khổ, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, cũng phải vươn lên,
sẵn sàng cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa
xã hội./.
Nhận xét