Ý NGHĨA VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ CỦA TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI KHÓA ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, vào ngày 25-8-1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng (do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra) được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, đặt cơ sở pháp lý quan trọng, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ lâm thời là cơ quan điều hành nhà nước cao nhất giữ trọng trách lịch sử chỉ đạo toàn dân thực thi các nhiệm vụ cấp bách về nội trị, ngoại giao, về quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội..., đợi đến ngày bầu Quốc hội để cử ra một Chính phủ chính thức, hợp pháp, hợp hiến.Vì vậy, ngày 3-9-1945, một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ: “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công