QUÂN ĐỘI KHÔNG THỂ ĐỨNG NGOÀI CHÍNH TRỊ

         
Lịch sử nhân loại từ khi hình thành quân đội với tính cách là một tổ chức vũ trang của một nhà nước, một giai cấp nhất định, cho đến nay chưa có và không hề có một quân đội nào đứng ngoài chính trị. Khẳng định trên đây là một thực tế khách quan, một chân lý, thiết nghĩ ai cũng biết điều đó. Vậy mà vẫn còn có những người đang “hoài nghi”, đem vấn đề này ra bàn cãi như một “phát kiến mới”.
Cần khẳng định rằng, quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và toàn xã hội hiển nhiên đã được cả dân tộc thừa nhận và suy tôn. Bởi lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng ra đời và lãnh đạo đến nay đã chứng minh chân lý chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất có đủ bản lĩnh và trí tuệ để lãnh đạo toàn dân tộc chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi hình thành các đảng phái chính trị đến nay, cũng đã có những thời kỳ ở Việt Nam từng tồn tại nhiều tổ chức đảng, nhưng tất cả các đảng khác đều đã hoặc tự rút lui hoặc tự nguyện giải tán. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới là đảng duy nhất dũng cảm đảm đương sứ mệnh này; là đảng duy nhất được Nhân dân lao động và toàn dân tộc tin tưởng, suy tôn và thừa nhận vai trò lãnh đạo. Nếu ai đó nói rằng, các lãnh tụ đứng đầu Đảng, Nhà nước “đang bám vào quyền lực của Đảng để kéo dài ách thống trị trên đầu trên cổ nhân dân Việt Nam”  thì tự họ đã phủ nhận lịch sử, phủ quyết quyền tự nguyện lựa chọn lực lượng lãnh đạo của nhân dân lao động, của cả dân tộc Việt Nam.
Chúng ta đều biết bản chất chính trị là quan hệ giữa các tập đoàn người, các giai cấp, đảng phái chính trị, giữa các quốc gia, dân tộc và vấn đề cốt lõi của chính trị chính là vấn đề giành chính quyền, giữ chính quyền và thực thi quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền đối với toàn xã hội. Để hiện thực hóa quyền lực chính trị của mình, các giai cấp đều tìm mọi cách để giành chính quyền, giữ chính quyền trong tay, tuyệt nhiên không bao giờ muốn nhường quyền nắm giữ chính quyền cho bất cứ một giai cấp hay đảng phái nào khác. Đảng Cộng sản với tính cách là đội tiền phong của giai cấp công nhân và toàn dân tộc cũng như vậy, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của mình là giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động thì tất yếu Đảng phải giữ vững quyền lãnh đạo.
Để thực hiện quyền lực của mình, tất cả các giai cấp, các đảng chính trị đều tổ chức ra quân đội và tìm mọi cách để lãnh đạo quân đội. Xét về bản chất, mọi quân đội đều là công cụ bạo lực của một giai cấp, một đảng phải chính trị nhất định. Lịch sử nhân loại cho đến nay chưa hề có một quân đội nào “phi chính trị” hay “đứng ngoài chính trị”, chỉ có điều chính trị đó là chính trị của giai cấp nào, đảng phái nào mà thôi. Ở các nước tư sản, do thể chế chính trị là đa nguyên, tồn tại nhiều đảng phái chính trị cùng hoạt động và tranh giành quyền lực chính trị. Tuy nhiên, không thể có quân đội của chung cho các giai cấp, hay của nhiều giai cấp. Ở các nước tư sản, do nhiều đảng phái chính trị cùng tồn tại, hoạt động, theo từng nhiệm kỳ, quyền lãnh đạo xã hội có thể thuộc về đảng này hay đảng khác, tuy nhiên cho dù đảng nào nắm quyền lãnh đạo thì cũng vẫn là đảng của giai cấp tư sản cầm quyền. Bởi vậy, quân đội ở các nước tư sản do giai cấp tư sản nắm quyền lãnh đạo, do nhà nước tư sản tổ chức, nuôi dưỡng, và phục vụ lợi ích của giai cấp tư sản.
Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, mang bản chất của giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; là công cụ bạo lực sắc bén của Nhà nước và của Nhân dân lao động, chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của Nhân dân và dân tộc. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chia sẻ, hay nhường quyền lãnh đạo quân đội cho bất kỳ đảng phái nào khác.
Nếu Quân đội nhân dân Việt Nam mà đứng ngoài chính trị, thì vận mệnh của quốc gia – dân tộc mấy chục năm qua khó mà bảo toàn, vì chưa khi nào kẻ thù cũng như các thế lực thù địch lại ráo riết, tăng cường chống phá Việt Nam quyết liệt như hiện nay. Nhưng đất nước Việt Nam vẫn ổn định về chính trị; kinh tế không ngừng tăng trưởng, uy tín và vị thế của Việt Nam vẫn ngày càng nâng cao, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện có lẽ cũng vì một trong những nguyên nhân căn bản là Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với Nhân dân, chiến đấu quên mình vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Bởi, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, không che dấu khuyết điểm, quyết tâm đổi mới toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực đời sống xã hội để xây dựng đất nước theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, luôn đánh giá rõ những ưu điểm, khuyết điểm của hệ thống chính trị hiện nay. Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được chú trọng. Tuy nhiên, Đại hội cũng chỉ rõ: Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhiều mặt còn hạn chế. Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh. Năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, gây bức xúc cho doanh nghiệp, người dân.
Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn để đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Tại Đại hội XII, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ được Đảng xác định là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã thảo luận và ra nghị quyết về tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là đấu tranh đẩy lùi tình trạng tham nhũng, thoái hóa, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong các kỳ họp của Quốc hội, việc xây dựng luật pháp, cải cách tư pháp, kiểm soát quyền lực cũng được đặt ra thẳng thắn, quyết liệt. Chính phủ đang nỗ lực phấn đấu xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ. Sự quyết tâm đổi mới, tinh thần hành động quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã và đang hiển hiện ngày càng rõ trong cuộc sống, được đông đảo nhân dân ghi nhận, tin tưởng. Thực tế cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đảng và Nhà nước đã và đang nỗ lực tự đổi mới, tự chỉnh đốn để đủ sức gánh vác trách nhiệm nhân dân giao phó lãnh đạo đưa đất nước phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Việt Nam, thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Những cách hiểu phiến diện, máy móc, không thấy rõ sự đổi mới, phát triển là sai lầm về nhận thức. Từ sai lầm về nhận thức nếu không phê phán để thay đổi sẽ dẫn tới thoái hoá về tư tưởng chính trị, rơi vào biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, để các thế lực thù địch và cơ hội về chính trị lợi dụng chống phá.
                                                                                                  Diệp vấn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC