DẤU ẤN TỐT ĐẸP CỦA NĂM 2016

       
  Năm 2016, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, bên cạnh những thuận lợi, nước ta cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đó là: Tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp; Tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn nhiều so với dự báo; Giá dầu thô ở mức thấp nhất, trung bình 43 USD/thùng. Tháng 6/2016, IMF (Ngân hàng thế giới) đã dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống thấp, chỉ còn 2,4% so với mức 2,9% đưa ra hồi đầu tháng 1/2016. Các nền kinh tế phát triển lớn Mỹ, Nhật, Canada, Anh, Eurozone có tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự kiến hồi đầu năm 0,2 %. Hầu hết các mặt hàng cơ bản đều được dự báo giảm trong năm 2016, trong đó giá kim loại giảm 14% – 15%, lương thực, thực phẩm giảm 6,0%. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhanh hơn dự báo. Thiên tai, hạn hán kéo dài: Đầu năm rét đậm, rét hại ở miền Bắc, giữa năm ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Xâm nhập mặn chưa từng có ở Đồng bằng sông Cửu Long (10/13 tỉnh thành tại Đồng bằng sông Cửu Long đã công bố thiên tai, trong đó nhiều tỉnh công bố cấp độ 2; 20 triệu người Đồng bắng sông Cửu Long đã chịu ảnh hưởng). Miền Trung: 3 cơn bão, lũ và sự cố Formosa ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung… đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế – xã hội, nhất là sản xuất và đời sống của nhân dân.
          Song, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế – xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
          Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; tái cơ cấu kinh tế đạt được một số kết quả. Cụ thể: Đã kiểm soát lạm phát dưới 5%, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng, ước đạt 6,3-6,5%/ năm 2016.
          Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có chính sách đặc thù để tạo đột phá phát triển cho nhiều địa phương. Công tác xúc tiến đầu tư được triển khai hiệu quả hơn. Thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp rút ngắn còn 1-3 ngày. Đã tạo được niềm tin và không khí phấn khởi của người dân, nhà đầu tư doanh nghiệp.
Theo Báo điện tử Chính phủ nước CHXHCNVN, ngày 26/12/2016: Năm 2016 đã đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam: Năm đầu tiên xác lập kỷ lục thành lập doanh nghiệp vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 của Chính phủ (đến 2020, VN có 1 triệu doanh nghiệp; mỗi năm có 100.000 doanh nghiệp hoạt động). Tính đến 20/12, đã có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16,2% so với 2015. Số vốn cam kết đưa vào thị trường 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so với cùng kỳ 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh nghiệp, tăng 43,1%. Đại biểu Quốc hội: “Người dân đã bỏ phiếu cho Chính phủ, niềm tin vào môi trườnh kinh doanh đã được khơi dậy”
          Thực hiện ba đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế đạt một số kết quả. Nổi bật: Tái cơ cấu đầu tư công, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây nông thôn mới. Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn và thực hiện đấu giá, niêm yết trên thị trường chứng khoán, bảo đảm công khai minh bạch, không để thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2016, sẽ có 30 đơn vị cấp huyện và khoảng 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
           Năm nay, chúng ta đã tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, bảo đảm nghiêm túc, an toàn, thuận lợi. Đẩy mạnh xã hội hóa, đã có 17 trường đại học, cao đẳng công lập thực hiện cơ chế tự chủ. Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.
Đặc biệt là chúng ta đã đạt nhiều thành tích cao trong hoạt động thể thao quốc tế; lần đầu tiên đoạt 02 huy chương vàng Olympic thế giới; đã tổ chức thành công Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ V tại Việt Nam và đứng thứ nhất toàn đoàn.
          Đồng thời, đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, nhất là hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và bão lũ ở miền núi phía Bắc. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Đã khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo xử lý sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung.
 Chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên, xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 86%.
          Về xây dựng pháp luật, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, trình 19/20 Luật, Pháp lệnh phải trình Quốc hội trong năm 2016, đạt 95%. Lần đầu tiên không còn nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
          Tăng cường phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng; nhiều vụ án tham nhũng lớn, xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử. Tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo.
          Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chúng ta đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền biển đảo quốc gia.
          Tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; tai nạn giao thông giảm. Tăng cường hoạt động đối ngoại. Đã có 64 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Hoàn tất các thủ tục, trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
          Tuy nhiên, tăng trưởng GDP, xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước có lúc, có địa phương chưa đạt thấp so với cùng kỳ.  Giải ngân vốn đầu tư công chậm. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý sử dụng tài sản, chi tiêu công còn lãng phí. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2017 – 2018. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, không bảo đảm an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen… còn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc xã hội. Tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn. Trong 9 tháng, có khoảng 45 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và trên 8,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực còn chậm. Xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, kết quả đạt thấp, v.v..
          Sang năm 2017, tình hình thế giới, khu vực, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Kinh tế thế giới có thể tăng trưởng cao hơn năm 2016 nhưng vẫn phục hồi chậm, không đồng đều và còn nhiều rủi ro. Giá một số hàng hóa cơ bản và dầu thô vẫn ở mức thấp. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực diễn ra gay gắt. Tình hình biển Đông tiếp tục căng thẳng. Thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là các Hiệp định FTA thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Thiên tai diễn biến bất thường. Nhu cầu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và ứng phó với biến đổi khí hậu rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp.
          Để phát triển đất nước, năm 2017, chúng ta cần kiên quyết, kiên trì thực hiện thắng lợi đường lối Đại hội XII của Đảng đã vạch ra. Mục tiêu hàng đầu là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội; ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng GDP tăng 6,7%. Muốn vậy, chúng ta cần phấn đấu để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách xử lý hiệu quả nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống. Quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng; tăng dự trữ ngoại hối. Thực hiện siết chặt kỷ luật tài chính – NSNN. Tập trung chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu gắn với nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Tăng cường quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên; tích cực xây dựng nền hành chính. Giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ động hội nhập quốc tế. Chúng ta tin tưởng năm 2017 sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp cho quê hương, đất nước, dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta./.
                                                                                                  Hồng Sơn Nam (theo Nhân Văn Việt)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC