Ý NGHĨA VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ CỦA TỔNG TUYỂN CỬ BẦU QUỐC HỘI KHÓA ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, vào ngày 25-8-1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng (do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra) được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, đặt cơ sở pháp lý quan trọng, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính phủ lâm thời là cơ quan điều hành nhà nước cao nhất giữ trọng trách lịch sử chỉ đạo toàn dân thực thi các nhiệm vụ cấp bách về nội trị, ngoại giao, về quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội..., đợi đến ngày bầu Quốc hội để cử ra một Chính phủ chính thức, hợp pháp, hợp hiến.Vì vậy, ngày 3-9-1945, một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ: “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử...”. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”.Tiếp đó, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 51-SL ngày 17-10-1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín... Việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội... hết sức khó khăn.Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23-12-1945, nhưng gặp phải sự chống đối của Việt quốc, Việt cách. Để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải nhằm tạo bầu không khí ổn định cho Tổng tuyển cử; đồng thời, để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày chủ nhật, 6-1-1946.
Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra sôi nổi trong cả nước. Nhiều địa phương, nhất là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử đã diễn ra dưới bom đạn ác liệt của kẻ thù. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử (riêng ở Sài Gòn, Chợ Lớn có 42 cán bộ và chiến sĩ đã hy sinh).Cuộc Tổng tuyển cử đã được toàn dân tham gia rộng rãi, có địa phương đến 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái dân chủ khác nhau, 43% đại biểu không đảng phái (87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng, 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số).
Ngày 6-1-1946, đã thực sự là một ngày vui sướng của đồng bào ta, là ngày Tổng tuyển cử - một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đánh dấu mốc phát triển đầu tiên trong tiến trình xây dựng thể chế dân chủ trên đất nước Việt Nam.Quốc hội vừa là thành quả, vừa là yêu cầu đặt ra bức thiết của cách mạng. Quốc hội ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh dân tộc gay gắt. Đó là Quốc hội lập quốc, Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân. Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả ba miền Trung - Nam - Bắc, là ý chí của nhân dân cả nước. Quốc hội đã có đại diện của tất cả thế hệ những người Việt Nam yêu nước đương thời, từ những nhà cách mạng lão thành từng bôn ba nơi hải ngoại, thử thách trong nhiều nhà tù đế quốc như Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng..., cho đến những đại biểu trẻ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết (người trẻ tuổi nhất là Nguyễn Đình Thi 22 tuổi). Quốc hội đã hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp tầng lớp xã hội, từ công nhân, nông dân, nam giới, nữ giới cho đến những nhà tư sản, công thương, những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng. Quốc hội cũng hội tụ đại biểu của các thành phần tôn giáo trên đất nước ta như Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Cao Đài, ..., của tất cả các thành phần dân tộc, từ đa số đến thiểu số; của tất cả những người không đảng phái và các đảng phái chính trị như Đảng Cộng sản, Đảng dân chủ, những đảng viên Xã hội cùng những người tiến bộ trong các phái chính trị khác.
Thắng lợi Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ, và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến và kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thắng lợi Tổng tuyển cử đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện cách mạng đứng trước thử thách "Ngàn cân treo sợi tóc", khó khăn chồng chất khó khăn; lại diễn ra trong điều kiện nhân dân ta vừa thoát khỏi cuộc đời nô lệ của hàng nghìn năm phong kiến và gần trăm năm thuộc địa. Trong điều kiện như thế, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định Tổng tuyển cử. Đó là một quyết định dũng cảm, táo bạo, kịp thời, chủ động và nhạy bén. Dũng cảm và táo bạo bởi vì hiếm có một cuộc cách mạng nào trên thế giới vừa mới thành công đã bắt tay ngay vào việc tiến hành Tổng tuyển cử trong một điều kiện khó khăn bề bộn, nguy hiểm và éo le như vậy. Hoàn cảnh cách mạng Việt Nam năm 1946 đòi hỏi phải kịp thời vì nếu càng để chậm trễ, tình hình sẽ càng phức tạp, nhất là khi chiến tranh lan rộng ra cả nước thì khó có cơ hội tiến hành Tổng tuyển cử. Quyết định Tổng tuyển cử là dũng cảm, táo bạo, nhưng không phải phiêu lưu mạo hiểm mà xuất phát từ bản lĩnh chính trị sắc bén, khoa học và thực tiễn sâu sắc. Bởi vì Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, một nhân dân có truyền thống yêu nước, được cách mạng giác ngộ, vừa vùng dậy làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Một nhân dân như thế nhất định sẽ có đủ bản lĩnh chính trị và trí sáng suốt để làm trọn nhiệm vụ thiêng liêng của người công dân xây dựng chế độ mới. Sự vĩ đại của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là đã biết khơi nguồn và tổ chức nhân len gấp bội lần sức mạnh đó để làm nên thắng lợi. Thực tiễn nhân dân đã kiên quyết ủng hộ Tổng tuyển cử, bảo vệ triệt để Tổng tuyển cử, hăng hái tham gia Tổng tuyển cử, hy sinh cho Tổng tuyển cử, sáng suốt trong bầu cử. Tổng tuyển cử là thể hiện lòng yêu nước, là kháng chiến kiến quốc, là xây dựng chế độ mới.

Một cuộc Tổng tuyển cử do chính Đảng tổ chức lãnh đạo đã hoàn toàn thắng lợi. Thắng lợi đó, suy cho cùng, là Đảng đã biết dựa chắc vào nhân dân, bắt rễ sâu trong lòng dân tộc. Đường lối của Đảng đã phản ánh được những khát vọng sâu xa nhất, bức thiết nhất của nhân dân và dân tộc. Với lãnh tụ kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông qua Việt Minh, một tổ chức quần chúng rộng lớn do chính mình tổ chức lãnh đạo, Đảng vẫn giữ vững được vai trò lãnh đạo trong nhân dân. Ngược lại, bằng hành động thực tế, nhân dân đã tuyệt đối tin tưởng và xiết chặt đội ngũ xung quanh Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Minh. Rõ ràng, sự lãnh đạo của Đảng trong suốt 15 năm để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đem lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, sự hy sinh chiến đấu quên mình của những người cách mạng đã tạo tiền đề chính trị cho Tổng tuyển cử thắng lợi. Đó là những bài học vô cùng quý báu mà cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đem lại.
                                                                                        Nguyễn Soa

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC