KHÔNG ĐƯỢC XUYÊN TẠC GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA CHIẾN THẮNG 30/4/1975
Cách đây 42
năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch
Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã
đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ
nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh
xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhưng
trên một số website, blog cá nhân vẫn có những kẻ hoặc là thiển cận về chính trị,
hoặc vì “đầu óc nô lệ” đã không thể hoặc không muốn thừa nhận thắng lợi vĩ đại
đó của dân tộc ta. Bằng cách đưa ra những “sử liệu” vu vơ, họ đã nhào nặn một
cách chủ quan để rồi đi đến những kết luận hết sức hồ đồ, sai trái, đại loại
như: Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, người Mỹ không hề muốn cai trị người
Việt Nam, người Mỹ can thiệp vào Việt Nam là để giải phóng chứ không phải để
cai trị; hay chiến tranh Việt Nam là cuộc “nội chiến” huynh đệ tương tàn giữa
hai miền Nam Bắc do sự khác biệt về lý tưởng cộng sản và không cộng sản. Từ
đó, họ đi đến kết luận rằng: cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất là “không cần
thiết” và hoàn toàn “có thể tránh khỏi”.
Cùng
với việc cố tình xuyên tạc bản chất cuộc chiến tranh, họ còn tìm cách hạ thấp ý
nghĩa của chiến thắng 30/4/1975 khi cho rằng không thể gọi “Đại thắng mùa
Xuân” là một chiến thắng vẻ vang của Việt Nam trước Mỹ, vì khi đó Mỹ đã thay đổi
chính sách đối ngoại, rút quân, cắt viện trợ, bỏ rơi chính quyền và quân đội Việt
Nam Cộng hòa…
Cần
phải khẳng định ngay rằng, những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, đã xuyên
tạc, phủ nhận sự thật lịch sử một cách trắng trợn và lố bịch. Thực tế lịch sử
đã chứng minh, mục tiêu chiến lược của Mỹ là quét sạch chủ nghĩa cộng sản tại
Việt Nam và Đông Dương, biến nơi đây thành thuộc địa một bàn đạp chiến lược để
Mỹ thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới.
Theo
các tài liệu mới được giải mật của chính quyền Mỹ, ngày 27/9/1948, trong một
văn kiện của Bộ Ngoại giao Mỹ tổng kết tình hình Việt Nam và chính sách của Mỹ
đối với Việt Nam xác định mục tiêu lâu dài của Mỹ là “thủ tiêu ở mức tối đa có
thể được ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Dương, Mỹ muốn thấy Việt Nam và Đông
Dương có một nhà nước dân tộc chủ nghĩa tự trị thân Mỹ”. Ngày 30/12/1949, Tổng
thống Mỹ Trumân phê chuẩn một văn kiện của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, trong
đó nêu rõ: “Đông Dương nằm trong khu vực bất khả xâm phạm của chiến lược Mỹ...
Mục tiêu lâu dài của Mỹ là thủ tiêu ở mức độ tối đa có thể được ảnh hưởng của cộng
sản ở Việt Nam và Đông Dương... Mỹ muốn thấy ở Việt Nam và Đông Dương có các
nhà nước chống cộng, thân Mỹ” . Các đời tổng thống Mỹ từ Trumân, Aixenhao đến
Kennơđi đều luôn coi Đông Dương là một bộ phận cần thiết của chính sách ngăn
chặn “một bức tường thành quan trọng trong chiến tranh lạnh”. “Mất Việt Nam sẽ
dẫn đến nguy cơ mất cả Đông Dương, tương tự như sự sụp đổ của các quân bài đôminô”.
Để
thiết lập chế độ thực dân mới ở Việt Nam, ngay từ những năm 50 của thế kỷ XX, Mỹ
ra sức viện trợ quân sự, “hà hơi” tiếp sức cho thực dân Pháp, sau đó từng bước
hất cẳng Pháp để chiếm đóng Việt Nam, độc chiếm Đông Dương. Tính tới khi thực
dân Pháp thua trận ở Đông Dương vào năm 1954, 78% chiến phí là do người Mỹ chi
trả. Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, tướng Nava buộc phải thừa nhận:
“Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho
Mỹ”.
Sau
thất bại không thể tránh khỏi của Pháp năm 1954, Mỹ thay chân Pháp xâm lược Việt
Nam. Nhân dân ta phải đương đầu với đế quốc hùng mạnh nhất, giàu có nhất, tàn bạo,
nham hiểm và hiếu chiến nhất.
Ngay
từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh Việt Nam, không phải ai khác, mà chính đế quốc
Mỹ là kẻ xâm lược. Trong suốt 21 năm chiến tranh, Mỹ đã thay đổi 5 chiến lược
quân sự khác nhau, chiến lược sau thâm độc, xảo quyệt hơn chiến lược trước. Mỹ
đã huy động tới hơn nửa triệu quân, cùng hàng vạn quân đồng minh làm xương sống
cho hơn 1 triệu quân nguỵ là một quân số kỷ lục cho một cuộc chiến tranh xâm
lược thực dân kiểu mới. Mỹ cũng đã sử dụng tất cả những vũ khí, kỹ thuật quân sự
tiên tiến nhất, kể cả vũ khí sinh học, hóa học (trừ vũ khí hạt nhân), mục đích
nhằm “giết chết những gì động đậy, phá sập những gì bất động”, rắp tâm đẩy Việt
Nam vào “thời kỳ đồ đá”. Ở chiến trường miền Nam, Mỹ đã cùng một lúc thực thi
ba kiểu chiến tranh: “chiến tranh giành dân”, “chiến tranh bóp nghẹt”, “chiến
tranh hủy diệt” ác liệt và dã man chưa từng có. Mỹ đã biến Việt Nam thành đất
nước bị ném bom nhiều nhất trên thế giới với hơn 7,8 triệu tấn, gấp hơn 3 lần số
bom, đạn Mỹ sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai và gấp 12 lần so với chiến
tranh Triều Tiên. Mỹ cũng đã rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 85triệu lít chất
độc hóa học, mà chủ yếu là chất diệt cỏ điôxin, hậu quả là hơn một nửa diện
tích rừng của Việt Nam đã bị thiêu rụi và di chứng của chất độc tàn ác này đến
nay vẫn đang hành hạ hàng vạn gia đình người dân Việt Nam. Xét về mặt chi phí,
Mỹ đã tiêu tốn 676 tỷ USD cho cuộc chiến tranh Việt Nam, đưa chiến tranh Việt
Nam trở thành một trong những cuộc chiến “đắt tiền” nhất trong lịch sử nước Mỹ
(và cũng là của thế giới). Riêng năm 1968, mỗi ngày Mỹ chi phí tới 100 triệu
USD cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Con số này gấp 10 lần chi phí cho
cuộc chiến chống nghèo đói ở Mỹ; gấp 4 lần chi phí cho chương trình nghiên cứu
vũ trụ của Mỹ; bằng một nửa số tiền mà Mỹ đã viện trợ cho nước ngoài trong 20
năm (1941 - 1960). Tính từ giữa năm 1961 - 1974, đã có tổng số hơn 57.000 lính
Mỹ mất mạng ở Việt Nam. Có một sự thực hiển nhiên là, trên thế giới này chưa
bao giờ và sẽ không bao giờ có chuyện kẻ mang con người, vũ khí trang bị phương
tiện chiến tranh đi xâm lược nước khác lại không vì lợi ích của mình mà chỉ vì
lợi ích của nước bị xâm lược.
Trước
dã tâm xâm lược và những tội ác tày trời của đế quốc Mỹ, dân tộc Việt Nam dân
tộc vốn yêu chuộng hòa bình, nhưng sẵn sàng “thà hy sinh tất cả chứ nhất định
không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã lại phải một lần nữa đứng
lên cầm súng bảo vệ phẩm giá của mình
Vì lẽ đó, sự nghiệp giải phóng dân tộc nói
chung, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng là sứ mệnh cao cả mà lịch
sử giao phó cho Đảng và nhân dân ta. Như vậy, sẽ thật là ấu trĩ và nhẫn tâm và
khi đến nay ai đó vẫn còn cố tuyên truyền rằng chiến tranh Việt Nam là “không cần
thiết” và hoàn toàn “có thể tránh khỏi”, rằng Mỹ tiến hành chiến tranh chỉ để
giải phóng dân tộc Việt Nam, không phải để cai trị.
Cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh chính nghĩa,
nhằm đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội
chủ nghĩa, thống nhất nước nhà. Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Việt Nam Cộng
hòa làm công cụ cho chiến lược thực dân ở miền Nam Việt Nam. Nói về bản chất của
chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng như thực tế ai là chủ trong mối quan hệ Mỹ -
Việt Nam Cộng hòa, sẽ không gì rõ ràng hơn là những lời “tự thú” từ chính những
người trong giới chóp bu của chính quyền Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Nguyên
tổng thống Việt Nam Cộng hòa - Nguyễn Văn Thiệu từng cay đắng thú nhận: “Nếu Mỹ
mà không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng hay một
năm mà chỉ sau ba giờ, chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Ðộc Lập”. Nguyễn Cao Kỳ -
nguyên Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa khi trả lời trong cuộc phỏng vấn Báo Thanh
Niên, số Xuân Ất Dậu (năm 2005) cho biết: “Mỹ lúc nào cũng đứng ra làm kép
chính, chúng tôi không có quyền lực và vai trò gì quan trọng, vì vậy nhiều người
cho đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi chỉ là những kẻ đánh
thuê”. Cũng là Nguyễn Cao Kỳ, trong một video phỏng vấn trích trong bộ phim tài
liệu “Việt Nam - Cuộc chiến mười ngàn ngày” đã chua chát: “Việt Cộng luôn đối xử
với chúng tôi như là những con rối, những con bù nhìn của người Mỹ, nhưng rồi
chính người Mỹ cũng coi chúng tôi là những con bù nhìn của Mỹ, chứ không phải
các nhà lãnh đạo thật sự của người dân Việt Nam”.
Về
phía giới chức Mỹ, chưa bao giờ họ đặt chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở tư thế một
“đối tác” ngang hàng với Mỹ để có sự tôn trọng đúng mực. Trong Hội nghị Pari,
khi Nguyễn Văn Thiệu xin Mỹ cho mình không phải ký tên vào Hiệp định vì cho rằng
đây là thỏa thuận “bán đứng miền Nam cho cộng sản”, thì có một lần Tổng thống Mỹ
Níchxơn đã nói với cố vấn Kítsinhgơ: “Không thể để có cái đuôi chó phản lại
cái đầu con chó được”. Níchxơn cũng từng hù dọa sẽ “cắt đầu Thiệu nếu cần”. Để
thúc ép Thiệu ký vào Hiệp định, Níchxơn không ngần ngại ám chỉ về việc đảo
chính lật đổ Thiệu. Trong bức thư đề ngày 06/10/1972, Níchxơn viết: “Tôi yêu
cầu Ngài (tức Nguyễn Văn Thiệu) áp dụng mọi biện pháp để tránh sinh ra sau này
một tình huống có thể đưa tới những biến cố tương tự như biến cố mà chúng tôi
đã ghê tởm năm 1963 và chính bản thân tôi cũng đã kịch liệt phản đối năm 1968”.
Những biến cố mà Níchxơn nhắc tới ở đây là sự kiện đảo chính năm 1963 lật đổ
chính quyền Ngô Đình Diệm và vụ chính quyền Giônxơn định lật đổ Thiệu năm
1968. Kết quả là, Thiệu đã ngoan ngoãn vâng lời Mỹ, ngoan ngoãn đặt bút ký vào
Hiệp định Pari ngày 27/01/1973, mở đường cho sự thất bại của chính quyền Sài
Gòn chỉ hai năm sau đó.
Bình
luận về bản chất của chế độ Sài Gòn và Quân đội Việt Nam Cộng hòa, giáo sư sử học
nổi tiếng Đanien Anxbéc của Mỹ, viết: “Không làm gì có chiến tranh Đông
Dương thứ nhất và thứ nhì, chỉ có một cuộc xung đột nối tiếp trong một phần tư
thế kỷ. Dùng ngôn từ thực tế, đứng về một phía (Mỹ), ngay từ đầu nó đã là một
cuộc chiến của Mỹ: mới đầu là Pháp Mỹ, sau đến toàn là Mỹ”.
Như
vậy, chứng cứ lịch sử đã quá rõ để khẳng định rằng: Về bản chất, cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là cuộc đối đầu giữa nhân dân Việt Nam
chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai nhằm giành độc lập, tự do cho dân tộc,
thống nhất đất nước. Đó hoàn toàn không phải là cuộc “nội chiến” giữa hai miền
Nam Bắc do xung đột về ý thức hệ như các luận điệu xuyên tạc lịch sử đang
tuyên truyền.
Sự
thật lịch sử cũng bác bỏ luận điệu lạc lõng cho rằng, “Đại thắng mùa Xuân 1975”
là một chiến thắng tự nhiên mà có, khi chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng
hòa đã bị quan thầy Mỹ bỏ rơi.
Năm
1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã bước vào giai đoạn quyết định. Ở
miền Nam, bằng cuộc tiến công chiến lược Xuân
Hè năm 1972, quân và dân ta liên tục giành những thắng lợi lớn, đẩy chiến
lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đến bờ vực sụp đổ hoàn toàn. Thất thế
trên chiến trường, lại bị dư luận trong nước và nhân loại tiến bộ trên toàn thế
giới kịch liệt lên án, đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, chính quyền Mỹ buộc
phải tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam bằng con đường ngoại giao.
Để giành lợi thế trên bàn đàm phán và xoay chuyển cục diện chiến tranh, Tổng thống
Mỹ Níchxơn đã đi một nước cờ liều lĩnh mà bốn đời tổng thống Mỹ trước đó không
dám mạo hiểm, đó là sử dụng máy bay B.52 được ví là “siêu pháo đài bay, thần
tượng của không lực Mỹ” tiến hành cuộc tập kích đường không nhằm đưa miền Bắc
“vào thời kỳ đồ đá”. Nhưng, thảm bại nhục nhã trên bầu trời Hà Nội đã đánh gục
ý chí xâm lược và nỗ lực leo thang chiến tranh lớn nhất của Mỹ, là cú “nốc ao”
quyết định buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari, rút quân về nước..
Thắng
lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược là một trong những giá trị
cao cả của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Sự thật lịch sử về chiến thắng vĩ đại của
nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước đã quá rõ
ràng, không thể bị phủ nhận, lẫn lộn trắng đen
Đối
với thế giới, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta
là một thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy
mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì độc lập, hòa bình, dân chủ và
tiến bộ xã hội. Đập tan cuộc phản công lớn nhất, kể từ sau Chiến tranh Thế giới
lần thứ hai của chủ nghĩa đế quốc; là trào lưu cách mạng của thời đại, mà mũi
nhọn là phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân
kiểu mới trên toàn thế giới.
Hiện
nay, Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ “Đối tác toàn diện”, quan hệ giữa 2 nước đã có
những bước phát triển mới trên tất cả các lĩnh vực. Chính điều này đã làm cho một
số người ngộ nhận về bản chất của Mỹ, cho rằng Mỹ là “bạn” nên không cần phải cảnh
giác như trước nữa, hoặc có thể bắt tay để trở thành đồng minh với Mỹ. Thực tế
đã chứng minh rằng Mỹ và các thế lực thù địch vẫn tiến hành chiến lược “Diễn biến
hòa bình” đối với nước ta nhằm lật đổ chế độ cộng sản, đưa nước ta đi theo quỹ
đạo của chủ nghĩa tư bản. Đó chính là những lời cảnh tỉnh cho những ai còn mơ hồ
về bản chất của chủ nghĩa đế quốc.
Ngọc Thủy
Nhận xét