NHẬN DIỆN VÀ PHÊ PHÁN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI DÂN CHỦ HIỆN ĐẠI

Chủ nghĩa xã hội dân chủ là một trào lưu tư tưởng cải lương trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, xuất hiện vào những năm 70 của thế kỷ XIX. Cho đến nay, chủ nghĩa xã hội dân chủ vẫn tồn tại và một số đảng dân chủ (dân chủ xã hội) đang nắm chính quyền ở một số nước tư bản chủ nghĩa. Sau sự kiện khủng hoảng sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, Đông Âu, một số người cộng sản, một bộ phận công nhân, nhân dân lao động có những biểu hiện dao động về chủ nghĩa xã hội mácxít, muốn ngả sang chủ nghĩa xã hội dân chủ, họ lớn tiếng đòi hỏi Đảng ta phải nhanh chóng từ bỏ lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học đi theo con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ. Vì vậy, vạch rõ bản chất và tính phản động của chủ nghĩa xã hội dân chủ là vấn đề cấp thiết trên mặt trận đấu tranh tư tưởng lý luận hiện nay.
Chủ nghĩa xã hội dân chủ là hệ thống các quan điểm tư tưởng của trào lưu xã hội dân chủ quốc tế mang tính cải lương về chủ nghĩa tư bản, về mô hình và con đường, biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội khác. Chủ nghĩa xã hội dân chủ không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Trái lại, nó là sản phẩm nảy sinh từ cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội của chủ nghĩa tư bản và cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội tư bản. Từ những năm 70 của thế kỷ XIX, những tư tưởng chủ nghĩa xã hội dân chủ đã được hình thành với tư cách là một học thuyết, một lý luận trong phong trào công nhân quốc tế.
Nguồn gốc tư tưởng của chủ nghĩa xã hội dân chủ chính là ảnh hưởng của hệ tư tưởng tư sản, tư tưởng tiểu tư sản trong phong trào công nhân được biểu hiện dưới nhiều màu sắc: chủ nghĩa xã hội không tưởng tư sản và tiểu tư sản, chủ nghĩa công liên, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cơ hội hữu và tả, chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa chống cộng và sự đan xen phức tạp của các khuynh hướng tư tưởng đó. Chủ nghĩa xã hội dân chủ - học thuyết của trào lưu xã hội dân chủ trở thành một học thuyết chiết trung, hỗn tạp và mang tính cải lương, thực dụng, thoả hiệp giai cấp.
Nguồn gốc xã hội của chủ nghĩa xã hội dân chủ là tầng lớp giai cấp công nhân quý tộc và tầng lớp trí thức có lợi ích gắn liền với giai cấp tư sản, sự hình thành và tồn tại của các tổ chức công đoàn vàng trong phong trào công nhân và các nghiệp đoàn tự do trong xã hội tư bản, đặc biệt là các đảng xã hội dân chủ và các tổ chức chính trị xã hội của nó. Ngoài ra còn kể đến sự hình thành và phát triển của tầng lớp trung lưu rộng lớn trong xã hội tư bản hiện đại và bộ phận công nhân chậm tiến.
Chủ nghĩa xã hội dân chủ là tên gọi thống nhất của hệ thống tư tưởng và mô hình mục tiêu của đảng dân chủ xã hội. Bản chất của nó là trào lưu tư tưởng cải lương nằm trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, lý luận mang tính chung chung, cải lương, cơ hội để nguỵ biện cho những thay đổi về thực tiễn chính trị khi cần thiết, thực chất là bảo vệ và duy trì chế độ tư bản chủ nghĩa. Tính cải lương là muốn cải tiến, cải cách chủ nghĩa Mác - Lênin trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa để giai cấp tư sản và nhà tư bản chấp nhận được. Thoả hiệp với tư sản, họ tuyên truyền về “hợp tác giai cấp”, “hoà bình xã hội”. Các nhà dân chủ xã hội tuyên bố nguyên tắc chủ yếu trong những nguyên tắc đó là “nền dân chủ đa nguyên”, chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng biện pháp cải cách, sử dụng chế độ nghị viện tư sản, nhằm giành chính quyền chỉ thông qua bầu cử, khước từ những cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, những thay đổi cơ bản về cơ cấu chính trị và kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Tính phản động là phản bội chủ nghĩa Mác - Lênin, phản bội lợi ích của giai cấp công nhân, phủ nhận quy luật tiến hóa của lịch sử, bác bỏ những luận điểm quan trọng nhất của học thuyết Mác - Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản. Tính phản khoa học là lý luận mang tính chung chung, nguỵ biện, không tưởng, lúc tả, lúc hữu. Không nhất quán về lập trường tư tưởng “Gió chiều nào, che chiều ấy”, từ bỏ đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội, chuyên chính vô sản, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Muốn tìm con đường thứ ba trong phát triển xã hội loài người.
Thực chất của chủ nghĩa xã hội dân chủ là phản bội lợi ích giai cấp công nhân, chỉ vì lợi ích của một nhóm người, duy trì vĩnh viễn chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bảo vệ chế độ tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội dân chủ là sự hỗn tạp về tư tưởng, biểu hiện rất đa dạng. Các đảng, các phái theo chủ nghĩa xã hội dân chủ đều có quan niệm riêng của họ về chủ nghĩa xã hội, về các vấn đề cải tổ xã hội theo những cái gọi là nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội dân chủ. Chủ nghĩa xã hội dân chủ không dựa trên một cơ sở lý luận nhất quán mà mang tính chiết trung, hỗn tạp của nhiều khuynh hướng tư tưởng. Chủ nghĩa xã hội dân chủ đánh giá mơ hồ về bản chất của giai cấp tư sản, về xã hội tư bản, ảo tưởng rằng có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội trong lòng xã hội tư bản, không cần lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản; có thể thông qua những cải cách xã hội để xây dựng chủ nghĩa xã hội trong khi vẫn duy trì cơ sở kinh tế, chính trị, pháp luật của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội dân chủ phủ nhận đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội, phủ nhận và xuyên tạc những lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin như nguyên lý về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, lý luận hình thái kinh tế - xã hội, lý luận về chuyên chính vô sản... Chủ nghĩa xã hội dân chủ đưa ra những quan điểm tự do, bình đẳng, dân chủ phi giai cấp, phi lịch sử và trừu tượng. Quan niệm về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội dân chủ coi chủ nghĩa xã hội là một phạm trù đạo đức chứ không phải là một chế độ xã hội - giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa và ra đời thông qua cuộc cách mạng xã hội lật đổ giai cấp tư sản; về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội dân chủ chủ trương xây dựng nền kinh tế dựa trên chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thừa nhận và bảo lưu sự bóc lột của giai cấp tư sản đối với người lao động; về chính trị, thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, duy trì nền dân chủ tư sản, pháp quyền tư sản; về lợi ích, điều hoà lợi ích giữa giai cấp tư sản và các giai cấp, tầng lớp lao động khác.
Thực chất chủ nghĩa xã hội dân chủ là sự điều chỉnh thích nghi của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Chủ nghĩa xã hội dân chủ đã đồng lõa với chủ nghĩa chống cộng, chống phá quyết liệt chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, các đảng cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội dân chủ là đồng minh với chủ nghĩa tư bản để chống phá chủ nghĩa xã hội hiện thực, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Chủ nghĩa xã hội dân chủ là một kẻ thù tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học.
Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, lợi dụng sự sụp đổ, tan rã chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, trào lưu xã hội dân chủ tích cực tuyên truyền về chủ nghĩa xã hội dân chủ nhằm thu hút và tập hợp lực lượng. Các đảng dân chủ xã hội phát triển mạnh mẽ ở các khu vực cả châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ Latinh và cả ở các nước xã hội chủ nghĩa. Đến giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, các đảng dân chủ xã hội ở hầu hết các nước Tây Âu (13/15 nước thuộc Liên minh châu Âu, trước tiên là Anh, sau đó là Pháp, Thụy Điển, Italia, Đức...) lại lần lượt thắng cử, trở lại cầm quyền với những quan điểm lý luận và đường lối, chính sách mới. Các chính trị gia và các nhà nghiên cứu khoa học chính trị phương Tây gọi lý luận đó là “con đường thứ ba” - một bước phát triển lý luận mới của chủ nghĩa xã hội dân chủ hiện đại. “Con đường thứ ba” là một cải biến của chủ nghĩa xã hội dân chủ, được dùng để chỉ mô hình xã hội do các đảng dân chủ xã hội cầm quyền. Đó là một xã hội không phải tư bản chủ nghĩa, cũng không phải là xã hội chủ nghĩa. Mô hình này có ba điểm chính: Hệ thống chính trị tư bản chủ nghĩa, do đảng dân chủ xã hội cầm quyền; hệ thống kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa có sự điều tiết lớn của Nhà nước; hệ thống an ninh xã hội được bảo đảm bởi một hệ thống chính sách bảo trợ xã hội rộng lớn. Mô hình này còn được gọi chung là nhà nước phúc lợi. Những năm gần đây, “con đường thứ ba” được các nhà dân chủ xã hội sử dụng với nội dung phát triển hơn, đó là một mô hình xã hội được điều chỉnh ở giữa mô hình của chủ nghĩa xã hội dân chủ (mô hình nhà nước phúc lợi) với mô hình thị trường tự do. “Con đường thứ ba” này còn được gọi là mô hình nhà nước đầu tư cho xã hội và phúc lợi xã hội.
Hiện nay, chủ nghĩa xã hội dân chủ có ảnh hưởng mạnh mẽ và các đảng dân chủ xã hội có một vai trò rất quan trọng trong đời sống chính trị ở châu Âu, đặc biệt là các nước Tây Âu. Trong số các đảng dân chủ xã hội cầm quyền hoặc liên minh cầm quyền, có Công Đảng Anh và Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) là hai đảng đạt được những thành công nhất định. Hai đảng này trong thực tiễn cầm quyền đã áp dụng tư tưởng của “con đường thứ ba” vào việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước và thu được những thành tựu khá nổi bật. Tuy nhiên trước những biến động lớn của tình hình thế giới và những khó khăn trong nội bộ các nước Tây Âu, nhiều vấn đề mới đã xuất hiện và tác động vào “con đường thứ ba” tạo ra những cản trở đối với sự phát triển của nó. Mặt khác, trong phạm vi của các nhà nước do các đảng xã hội dân chủ cầm quyền đã diễn ra những vấn đề nan giải. Trước hết, đó là tình trạng thất nghiệp hàng loạt do sự biến đổi của “tháp dân cư” - tuổi thọ trung bình tăng nhanh, tỷ lệ người hưởng trợ cấp tuổi già do đó cũng tăng nhanh. Trong khi đó, lực lượng trẻ bổ sung vào lực lượng lao động xã hội có xu hướng giảm. Thứ hai, gắn liền với tình hình trên là “sự bùng nổ” chi phí cho hệ thống y tế do sử dụng ngày càng tăng các thiết bị hiện đại và thuốc men đắt tiền. Đó còn là sự gia tăng của tệ nạn xã hội, phần lớn do thất nghiệp, do “bị gạt ra ngoài lề xã hội”. Thứ ba, đó là tình trạng trốn lậu thuế dưới nhiều hình thức ngày càng tăng. Tình hình trên đã dẫn đến khủng hoảng thâm hụt tài chính nghiêm trọng của các nhà nước xã hội do các đảng xã hội dân chủ cầm quyền. Không những thế, chính những mặt tích cực trong chính sách bảo trợ xã hội đã trở thành tiêu cực. Chính sách phúc lợi và bảo hiểm xã hội dân chủ truyền thống, “từ cái nôi đến phần mộ”, nhất là bao cấp cho những lớp người “xếp hàng chót” trong thị trường lao động, khiến cho họ ỷ lại, mong được hưởng lâu dài chế độ này và tất nhiên người ta không tích cực tìm cách để quay lại thị trường lao động. Vai trò của nhà nước, ở các nước tư bản phát triển đang đứng trước một mâu thuẫn mới, một bên là sự cần thiết của vai trò quản lý quốc gia tập trung với một bên là hoạt động ngày càng mạnh mẽ của các tổ chức phi chính phủ (NGO). Những tổ chức này hoạt động không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trên phạm vi quốc tế. Chính sách xã hội dân chủ làm sao thích ứng được với bối cảnh đó, làm sao tạo điều kiện cho công dân làm quen và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội rộng lớn, đó là một câu hỏi lớn và là biểu hiện của sự thất bại, phá sản của chủ nghĩa xã hội dân chủ.
          Những người cộng sản không phủ nhận những tìm tòi, thành tâm của một số người với sự mong muốn tháo gỡ khó khăn trên con đường phát triển xã hội của một số đảng xã hội dân chủ tiến bộ. Nhưng chúng ta kiên quyết không chấp nhận quan điểm tư tưởng, lý luận và biện pháp cải lương của chủ nghĩa xã hội dân chủ, đồng thời chúng ta cũng không tuyên chiến với các đảng xã hội dân chủ mà chống ảnh hưởng tư tưởng của nó với đảng cộng sản và quần chúng nhân dân lao động. Tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác với các đảng xã hội dân chủ đang cầm quyền có xu hướng tiến bộ như: Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Pháp, Nhật Bản... Tiếp thu chọn lọc những hạt nhân hợp lý của chủ nghĩa xã hội dân chủ như chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo hiểm xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống áp đặt hoặc lợi dụng quan hệ thân thiện để can thiệp vào công việc nội bộ hoặc phá hoại sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta, lái con đường phát triển xã hội theo chủ nghĩa xã hội dân chủ.

Để ngăn chặn, đẩy lùi và loại trừ ảnh hưởng tác hại của chủ nghĩa xã hội dân chủ ở  nước ta hiện nay, cần nắm vững một số yêu cầu có tính nguyên tắc sau: Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trung thành với lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và cả dân tộc, giải quyết hài hoà lợi ích giai cấp - dân tộc - nhân loại. Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa thật sự trong sạch vững mạnh. Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Kiên quyết chống đa nguyên chính trị. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ đường lối chính trị, quan điểm của Đảng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chủ động trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động phòng, chống “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến”, sự suy thoái về chính trị, về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững sự ổn định và tăng cường phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tốt các chính sách xã hội, công  bằng xã hội; bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc. Tăng cường hợp tác với các đảng cộng sản và công nhân trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế các nước xã hội chủ nghĩa, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, bảo vệ của chủ nghĩa Mác - Lênin, sự đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới./.
                                                                                              Sân Đình

Nhận xét

maivanglq2 đã nói…
Bài viết có tính chiến đấu cao đấy!
maivanglq2 đã nói…
Bài viết có tính chiến đấu cao đấy!

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC