“ĐỂ CÓ DÂN CHỦ, PHÁT TRIỂN Ở VIỆT NAM CẦN ĐA NGUYÊN CHÍNH TRỊ, ĐA ĐẢNG ĐỐI LẬP” – MỘT LUẬN ĐIỂM SAI TRÁI CẦN PHÊ PHÁN

Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh một chân lý: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, cả trong giành, giữ chính quyền cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tuy nhiên, nhằm mục tiêu chuyển hóa chế độ ở Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa, thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch chú trọng tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Mục đích của các thế lực thù địch là thông qua hoạt động phá hoại tư tưởng để tác động thay đổi nhận thức, niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của đảng, từ dó lôi kéo họ vào con đường chống đối đảng, hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Hiện nay, do tác động từ hoạt động chống phá đó mà trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cổ súy cho luận điểm phá hoại tư tưởng đó là “để có dân chủ, phát triển ở Việt Nam, cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”.
Trước hết cần thấy rằng đây là luận điệu xuyên tạc, nhưng lại có tính nguy hiểm vì nó đánh đồng vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ và phát triển. Vậy, vấn đề đặt ra là: Việt Nam có cần  thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không? Cần khẳng định ngay là “KHÔNG” bởi lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn tất yếu lịch sử, đã giải quyết được đường lối giải phóng dân tộc khi mà những tư tưởng yêu nước lúc bấy giờ nổi lên mạnh mẽ nhưng đều thất bại. Và hai cuộc trường chinh đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập tự do hoàn toàn cho dân tộc đã chứng minh rằng: Đảng cộng sản việt Nam chưa bao giờ tự ban cho mình vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội mà đó là nhiệm vụ cao cả mà nhân dân Việt Nam tin tưởng giao phó cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, trong mọi giai đoạn lịch sử, Đảng luôn là đội tiên phong, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và tuyệt đối trung thành với lợi ích của toàn thể nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam.
Một góc độ khác cần làm sáng tỏ là: sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ “tầm” để đưa đất nước phát triển trong giai đoạn hiện nay hay không? Câu trả lời là “CÓ”. Bởi nhìn một cách khách quan, mặc dù trong quá trình lãnh đạo đất nước, có những lúc đường lối phát triển chưa phù hợp với thực tiễn, còn vấp váp, sai lầm song kể từ năm 1986 đến nay, với đường lối đổi mới toàn diện, trọng tâm là đổi mới kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước ra khỏi tình trạng nghèo đói, kém phát triển; vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng cao; quốc phòng – an ninh được giữ vững…. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 230 quốc gia, tổ chức, vùng lãnh thổ; là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, WTO; đã và đang nỗ lực thực hiện các cam kết thế hệ mới (TPP, EVFTA)… Đặc biệt, Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 28 quốc gia, đối tác toàn diện với nhiều nước khác cũng là minh chứng sáng tỏ cho vai trò, năng lực đủ để đảm đương sứ mệnh lãnh đạo đất nước phát triển bền vững của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Và có một điều hiển nhiên ai cũng hiểu nhưng lại có một số ít người không thừa nhận hoặc không muốn thừa nhận vì mưu đồ chống phá là: Dân chủ, phát triển không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng và thực hiện đa nguyên, đa đảng không đồng nghĩa với dân chủ và phát triển. Dân chủ là phạm trù gắn với nhà nước. Nền dân chủ của mỗi nước là khác nhau do những đặc thù và trình độ phát triển về kinh tế, chính trị xã hội quy định chứ không phải là cơ chế đa nguyên, đa đảng hay một đảng. Vì vậy luận điểm cho rằng chỉ có đa đảng mới có dân chủ thì là một trò “lập lờ đánh lận con đen” để bao biện cho mưu đồ chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Xin dẫn lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi trả lời câu hỏi của phóng viên báo Express Ấn Độ (năm 2010): “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn… Điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển không?... Và cũng không nhất thiết cứ kinh tế thị trường là phải đa đảng và ở Việt Nam chưa thấy cần thiết phải có chế độ đa đảng”. Như vậy, vấn đề không phải ở chỗ một đảng hay đa đảng đất nước mới phát triển, mà vấn đề quan trọng nằm ở chỗ đường lối lãnh đạo của đảng có đúng hướng không. Và theo đó, ở Việt Nam hiện nay, với đường lối lãnh đạo sáng suốt, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn đang dẫn dắt đất nước phát triển ổn định, dân chủ không ngừng được mở rộng, quyền con người được tôn trọng và đảm bảo. Minh chứng rõ ràng nhất cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của một Đảng duy nhất là Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.

Như vậy, xét cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, luận điểm “để có dân chủ và phát triển, ở Việt Nam cần thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” là hoàn toàn sai trái, phản động.
                                                                                                       Yến Chi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC