CHÂN TRỜI MỚI CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ĐANG RỘNG MỞ TRONG LÒNG CHỦ NGHĨA TƯ BẢN



Chủ nghĩa tư bản là một hình thái kinh tế - xã hội trong tiến trình lịch sử của nhân loại. Chủ nghĩa tư bản phát triển gắn liền với sự phát triển của kinh tế thị trường. Theo lý luận mác xít, đặc trưng của chủ nghĩa tư bản là hình thức cuối cùng và cao nhất của chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, với việc sản xuất và chiếm đoạt giá trị thặng dư, chiếm đoạt lợi nhuận tối đa vào tay thiểu số người (hiện nay chỉ chiếm khoảng 1% dân số ở các nước tư bản phát triển), gây nên sự bất bình đẳng xã hội với khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng. Lịch sử chứng minh, chủ nghĩa tư bản đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy cho xã hội, đó là sự đẫm máu và nước mắt trên con đường đi của nó, khi mà chiến tranh thế giới và sự nô dịch các dân tộc khác đã trở thành “lẽ đương nhiên” với họ. Chủ nghĩa tư bản là một xã hội mà ngay cả các học giả tư sản cũng cho rằng “không thể chấp nhận được”, và hôm nay chứng thực nó đang đi tới những chặng đường lịch sử gay cấn, quyết định sự sinh tồn trong “tính tất yếu nhất thời của nó”.
Ngày 01 tháng 12 năm 2008, Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) chính thức công bố: Mỹ đã lâm vào suy thoái. Bốn ngày sau, Tổng thống G. Buss thừa nhận: Nền kinh tế Mỹ đang trong suy thoái. Còn Tổng thống mới đắc cử B. Obama thì đưa ra đánh giá sâu xa hơn: “Cuộc khủng hoảng này không đến bằng vài sự ngẫu nhiên của lịch sử mà đã trải qua nhiều năm”. Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đã kéo theo khủng hoảng rộng khắp các nước châu Âu và đỉnh điểm là khủng hoảng kinh tế thế giới (2008 – 2012). Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này được A. Grin-xpan - cựu Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thừa nhận: chính kinh tế thị trường vạn năng đã dẫn đến suy thoái trầm trọng. Sau 5 năm khủng hoảng, người ta đã chứng kiến một nước Mỹ với những cuộc chơi tài chính rủi ro, lấn át cả kinh tế thực, một châu Âu ì ạch với những khoản nợ công khổng lồ, một cuộc chiến tranh giành những mảnh đất màu mỡ về tài nguyên, kinh tế giữa các nước tư bản như không có hồi kết… Và điều đó cho thấy, gần 500 năm tồn tại với cơ man là phao cứu sinh, với chủ nghĩa tự do cũ rồi chủ nghĩa tự do mới, với toàn cầu hóa và tài chính hóa, với phương thức tự điều chỉnh để thích nghi chủ nghĩa tư bản vẫn bất lực với khủng hoảng chu kỳ. Chủ nghĩa tư bản qua thời gian tưởng như là giai đoạn phát triển cao nhất hóa ra vẫn chỉ là bước qua những đỉnh cao rồi lại lao xuống đáy thấp của những chu kỳ khủng hoảng do chính sự phát triển của nó gây nên, điển hình gần đây là khủng hoảng tài chính châu Á 1997; Khủng hoảng tài chính thế giới 2007 - 2008 và đỉnh cao là khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 - 2012.  
Không những thế, ngày từ những năm 70 của thế kỷ XX, mâu thuẫn giữa các nước tư bản ngày càng sâu sắc, hình thành 3 trung tâm kinh tế tư bản chủ nghĩa (Mĩ, Tây Âu, Nhật bản). Các trung tâm này luôn luôn đấu tranh quyết liệt trên các lĩnh vực: thương mại, tài chính tiền tệ… như “chiến tranh về thép” giữa khối thị trường chung châu Âu và Mĩ, “chiến tranh xe hơi” giữa Nhật và Tây Âu, “chiến tranh tiền tệ” giữa Mĩ và Nhật; “chiến tranh nông sản” giữa 3 trung tâm kinh tế Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản… Đặc biệt là sự kiện Brexit hồi tháng 6 năm 2016 đã chính thức đưa Vương quốc Anh – một trong những nước tư bản phát triển nhất – ly khai Liên minh châu Âu (EU); sau Anh thì Bồ Đào Nha cũng chuẩn bị “hai kịch bản sẵn sàng với EU”, Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng “sấp ngửa”… Liên quan đến vấn đề Siria, quan hệ Nga - Mỹ những ngày vừa qua được xem là “những ngày trong màn sương băng giá”. Thực tế đó cho thấy sự tan vỡ của Liên minh châu Âu ngày càng lan rộng, phản ánh “tình trạng tư sản nô dịch tư sản” như lý luận Mác xít đã chỉ ra, và tất yếu mâu thuẫn giữa tư bản với tư bản ngay trong lòng nó cũng ngày càng gay gắt. Chính mâu thuẫn đó làm cho khoảng cách giữa các nước tư bản ngày càng rộng ra không thể hàn gắn, đã thúc đẩy nhanh hơn sự kết thúc “tính tất yếu nhất thời” và vai trò lịch sử có tính giai đoạn của chủ nghĩa tư bản, điều này làm phong phú hơn lý luận về sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản.
Và điều đó cho thấy: chân trời mới của chủ nghĩa xã hội đang rộng mở ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản./.
                                                                                               Yến Chi

Nhận xét

Unknown đã nói…
bài viết được, có tính đấu tranh cao

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC