NGÀY THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ - NGÀY TÔN VINH ĐẠO LÝ “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN” CỦA DÂN TỘC

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, làm nghĩa vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa do Đảng ta lãnh đạo, bao người con ưu tú của dân tộc đã để lại một phần thân thể, đã hy sinh máu xương vì lý tưởng cao đẹptranh đấu vì độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Để đền đáp một phần những cống hiến, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Đồng thời, để nhân dân ta tỏ lòng “hiếu nghĩa bác ái” và bày tỏ sự biết ơn các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, ngày 27-7-1947 đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam, Nha thông tin, tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ, và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày làm ngày “thương binh”. Sau khi cân nhắc về nhiều mặt, Hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27-7-1947 làm ngày “Thương binh toàn quốc” và từ đó được tổ chức trọng thể thường kỳ hằng năm.
Từ năm 1955, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh,liệt sĩ” để để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc và thể hiện đầy đủ hơn tình cảm, đạo lý, nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta và các thế hệ người Việt Nam đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta dù bận trăm công ngàn việc nhưng Người vẫn luôn nhớ tới Thương binh, Liệt sĩ và giành nhiều tình cảm, quan tâm đến gia đình của họ. Năm nào vào dịp này, Hồ Chủ Tịch cũng có thư và quà gửi anh chị em thương binh và các gia đình liệt sĩ. Trong thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” ngày 27-7-1947, Bác viết:“…Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó đã ốm yếu. Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ những người anh dũng ấy”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng đánh giá cao những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ đối với Tổ quốc. Sự cống hiến, hy sinh của họ cho độc lập tự do của nhân dân là vô giá, không chỉ cho ngày hôm qua, hôm nay mà cho muôn đời con, cháu mai sau.Với quan điểm, tư tưởng chỉ đạo là nhằm ghi nhận và tôn vinh thành tích; đền đáp một phần cống hiến hy sinh của đồng bào và chiến sĩ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc; bảo đảm cho người được hưởng chính sách, chế độ đãi ngộ ổn định cuộc sống vật chất và tinh thần…,hệ thống chính sách, chế độ đãi ngộ đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước ta xây dựng hoàn chỉnh, có hiệu lực, hiệu quả caovà thực hiện thống nhất trong cả nước.
Các chính sách, chế độ đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng ngày càng được mở rộng về đối tượng và từng bước nâng cao; đa dạng hơn hình thức chăm sóc. Hệ thống các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng, an dưỡng từng bước xây dựng và hoàn thiện. Các nghĩa trang liệt sĩ, nơi yên nghỉ của những người con ưu tú của dân tộc được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, tu bổ, chỉnh trang. Công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ cũng được phát triển rộng khắp với sự tham gia của tất cả các cấp các ngành, các tổ chức xã hội và của tất cả mọi người. Nhiều chương trình như: xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, chăm sóc thương binh, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng... đã được thực hiện trên phạm vi cả nước, qua đó đã động viên mọi nguồn lực, trước hết là các nguồn lực tại chỗ để giúp đỡ những người có công với cách mạng.
Việc ban hành và thực hiện Pháp lệnh “Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng” và Pháp lệnh “Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đã góp phần to lớn vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần ổn định xã hội, tác động sâu sắc làm tăng thêm tình cảm và trách nhiệm của các tầng lớp xã hội trong phong trào toàn dân chăm sóc người có công với cách mạng…
Làm tốt công tác đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng chính là thể hiện tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta. Vì vậy, các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân và mọi người, cần nhận thức rõ ràng hơn, đầy đủ hơn về hệ thống chính sách đó để quyết tâm tổ chức thực hiện hiệu quả cao và thiết thực. Trên cơ sở đó củng cố niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cơ sở chính trị - xã hộivững chắc ổn định, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.
                                                                                           Thái Bình

Nhận xét

maivanglq2 đã nói…
đời đời nhớ ơn các mẹ, các chị, các anh...!
người yêu nước đã nói…
chúng ta luôn biết ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh đã hy sinh xương máu, bản thân cho nền độc lập cho nước nhà

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC