KẾT HỢP KINH TẾ VỚI QUỐC PHÒNG LÀ VẤN ĐỀ CHIẾN LƯỢC CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh là hai nhiệm vụ chính trị quan trọng xuyên suốt luôn đồng hành với nhau trong mọi thời kì của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trước tình hình thế giới, tình hình khu vực có nhiều biến động phức tạp, sự tranh chấp chủ quyền biên giới, biển và đảo đang diễn ra gay gắt, gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh là quan trọng, cần thiết; là phương thức có hiệu quả nhằm vừa nâng cao tiềm lực kinh tế, vừa tăng cường tiềm lực quốc phòng và sức mạnh quân sự quốc gia.
Trong lịch sử dân tộc, truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước” được xây dựng và phát huy từ các triều đại phong kiến, đề ra kế sách “Nước lấy dân làm gốc, khoan thư sức dân làm kế sách sâu rễ bền gốc”, “động vi binh, tĩnh vi dân”, xây dựng kinh tế bằng việc khai hoang, lập ấp ở những nơi xung yếu để “phục binh sẵn, phá thế giặc”... Trong quá trình xây dựng đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kết hợp kinh tế với quốc phòng đã trở thành đường lối chiến lược để phát triển sản xuất, củng cố thế trận phòng thủ, xây dựng tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự quốc gia, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong kháng chiến chống Mỹ, tháng 3 năm 1958, Ban chấp hành Trung ương ra Nghị quyết về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng xác định: “xây dựng kinh tế phải kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng và xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng phải khéo léo sắp xếp cho ăn khớp với xây dựng kinh tế”. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV: “phải kết hợp đúng đắn kinh tế với quốc phòng. Xây dựng đất nước phải đi đôi với bảo vệ đất nước đó là yêu cầu  sống còn của dân tộc ta”.
Trong giai đoạn hiện nay, kết hợp kinh tế với quốc phòng là một chủ trương lớn nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Đại hội IX, XI của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của sự kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh, quốc phòng và an ninh với kinh tế trong các chiến lược, quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội”[1]; “Kết hợp kinh tế với quốc phòng – an ninh với phương châm phát triển kinh tế- xã hội là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc; ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh là điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”[2]. Mục tiêu của kết hợp kinh tế với quốc phòng phải tạo khả năng giữ vững hòa bình và ổn định mọi mặt, tạo nội lực, chống nguy cơ diễn biến hòa bình một cách có hiệu quả.
Nhất quán quan điểm các kì đại hội trước, Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; các dự án Phát triển kinh tế - xã hội trong các khu vực phòng thủ phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng – an ninh nhất là ở những vị trí trọng yếu, chiến lược… Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế quốc phòng…”[3].  
Trong thực tiễn, đường lối kết hợp kinh tế với quốc phòng được cụ thể hóa trong từng chiến lược, kế hoạch phát triển; xây dựng vùng kinh tế gắn với khu vực phòng thủ, tỉnh, thành phố, các công trình trọng điểm quốc gia. Cả nước đã đầu tư xây dựng 23 khu kinh tế - quốc phòng, đẩy mạnh hoạt động tham gia phát triển kinh tế của lực lượng vũ trang ở các địa bàn trọng yếu, tuyến biên giới của Tổ quốc. Đây cũng là cách thức để phát huy tốt chức năng quân đội tham gia phát triển kinh tế, tăng cường nội lực; khai thác, sử dụng mọi tiềm năng kinh tế, quốc phòng, an ninh và các nguồn lực của đất nước đạt hiệu quả, làm cho kinh tế, quốc phòng, an ninh phát triển mạnh mẽ, cân đối, hài hoà và vững chắc; góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia, thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một dẫn chứng cụ thể là, Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) – đơn vị quốc phòng làm kinh tế - từ năm 2000 đến năm 2012 doanh thu tăng 2,6 nghìn lần (từ 53,7 tỷ đồng lên 141.086 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế tăng 22 nghìn lần (từ 1,25 tỷ đồng lên 27.514 tỷ đồng); nộp ngân sách tăng 2.834 lần (từ 4 tỷ đồng lên 11.337 tỷ đồng); tổng giá trị tài sản tăng 41,9 nghìn lần (từ 2,3 tỷ đồng lên 96.529 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu tăng 9,3 nghìn lần (từ 6,6 tỷ đồng lên 63.166 tỷ đồng.  Hiện nay, Tập đoàn đang là doanh nghiệp viễn thông tiên phong đầu tư ra nước ngoài, đầu tư sang 7 nước, tại 3 châu lục (gồm: Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique, Peru, Đông Timor, Cameroon). Năm 2016, trong 5 doanh nghiệp hàng đầu ngành Thông tin và truyền thông có tổng doanh thu là 417.335 tỷ thì Viettel chiếm 226.558 tỷ; nộp ngân sách của 5 doanh nghiệp này là 49.469 tỷ thì Viettel nộp 40.396 tỷ. Trong 5 tháng đầu năm 2017, doanh thu của 5 doanh nghiệp là 212.243 tỷ thì Viettel là 115.522 tỷ; nộp ngân sách 25.170 tỷ thì Viettel nộp 20.190 tỷ[4]. Hiện dọc bờ biển Việt Nam, Viettel phủ sóng cách xa bờ 100 km, phục vụ hàng triệu người trên biển. Việc này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn đảm bảo an ninh - quốc phòng. Trong điều kiện gia tăng an ninh phi truyền thống, Viettel cũng là tập đoàn mạnh đầu tư cho an ninh mạng, tác chiến mạng rất lớn, bảo vệ các vị trí quan trọng của đất nước và phát triển công cụ tác chiến mạng… Hoặc trong nhiều năm qua, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) luôn giữ vững vị thế của nhà khai thác cảng biển hàng đầu Việt Nam. SNP đang giữ 89% thị phần container xuất nhập khẩu ở khu vực TP. Hồ Chí Minh và 50% thị phần container xuất nhập khẩu trên cả nước. Nhưng quan trọng hơn là sự kết hợp hiệu quả giữa nhiệm vụ quân sự-quốc phòng và sản xuất kinh doanh để xây dựng nên thương hiệu SNP “cách mạng, chính quy, hiện đại, văn minh, nghĩa tình”. SNP đã tiếp nhận và lai dắt trên 2.000 lượt tàu quân sự, xếp dỡ an toàn gần 70.000 tấn hàng quân sự và 1.537 thiết bị quân sự qua cảng, 65 lượt trực thăng cất hạ cánh; xây dựng hơn 100 công trình quân sự trên các đảo, 12 cầu cảng quân sự của Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam. Đây chính là những nhiệm vụ quân sự quan trọng, đặc thù mà Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân giao, có nhiều đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương; xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa… Chính thực tiễn đó đã góp phần khẳng định rằng: suốt hơn 70 năm qua, thực hiện chức năng chiến đấu, lao động sản xuất, quân đội đã thể hiện sự đúng đắn về chủ trương kết hợp an ninh - quốc phòng với phát triển kinh tế, góp phần gia tăng sức mạnh nội lực cả về kinh tế - khoa học công nghệ; đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh, tăng cường quan hệ quốc tế.
Trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Điều 65 nêu rõ: “Lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ… cùng toàn dân xây dựng đất nước”. Chính vì vậy, kết hợp kinh tế với quốc phòng là quan điểm nhất quán của Đảng. Tuy nhiên trong thời gian qua, lợi dụng những quyết sách liên quan đến dự án sân bay Miếu Môn và khu sân golf Tân Sơn Nhất, các thế lực phản động, cơ hội đang ra sức tuyên truyền rằng Quân đội Việt Nam sẽ không làm kinh tế. Đó là luận điệu xuyên tạc cần đấu tranh để bảo vệ đường lối của Đảng bởi như lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi trao đổi với VTV đã khẳng định: “Quân đội không làm kinh tế đơn thuần nhưng quân đội vẫn làm kinh tế quốc phòng. Quân đội làm kinh tế khoa học công nghệ để phục cho phát triển tiềm lực quốc phòng thì quân đội sẽ làm và làm mạnh hơn nữa”.
                                                                                               Yến Chi



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H 2001, tr.195
[2] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H 2006, tr.227-228
[3] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, VPTW Đảng, H.2016, tr.312.

[4] Vietnamnet.vn (7/7/2017): Minh chứng kết hợp quốc phòng-an ninh với phát triển kinh tế


Nhận xét

Unknown đã nói…
bài viết rất hữu ích!
người yêu nước đã nói…
bài viết rất sắc sảo
Hạ Tím đã nói…
Bài viết đề cập vấn đề khá toàn diện lý luận, thực tiễn.

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC