NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH CHỐNG "DIỄN BIẾN HÒA BÌNH" TRÊN LĨNH VỰC KINH TẾ
“Diễn biến hoà bình” là chiến lược cơ bản của chủ nghĩa đế quốc và các thế
lực thù địch nhằm xoá bỏ chế độ chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa từ bên
trong, chủ yếu bằng biện pháp phi quân sự. “Diễn biến hòa bình” được tiến hành
trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá... trong đó lĩnh
vực kinh tế được các thế lực thù địch xem là trọng tâm, là khâu “đột phá”.
Bàn về thủ đoạn của “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực
kinh tế, từ góc độ nghiên cứu lý luận, chúng ta bắt gặp không ít những luận
điểm tìm cách xuyên tạc, phê phán, đòi xem xét lại lý luận kinh tế của chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách kinh tế của Đảng
với mục đích xoá bỏ nền tảng tư tưởng kinh tế ở Việt Nam, xuyên tạc sự nghiệp
đổi mới hòng chuyển hoá nền kinh tế nước ta phát triển theo con đường tư bản
chủ nghĩa. Trong đó, một mặt chúng tìm mọi cách xuyên tạc và lật đổ Học thuyết
giá trị thặng dư của C.Mác, chúng cho rằng quan hệ giữa các chủ tư bản và công
nhân lao động là quan hệ đồng đẳng (cùng góp vốn, cùng chịu trách nhiệm, cùng
hưởng lợi), máy móc với công nghệ hiện đại là nguồn gốc thực sự của sự gia tăng
doanh lợi kếch xù, do đó trong các xí nghiệp tư bản không có sự chiếm hữu tư
nhân, không có quan hệ bóc lột. Mặt khác, chúng lại cho rằng, Việt Nam phát
triển kinh tế thị trường, thừa nhận sở hữu tư nhân đồng nghĩa với việc bóc lột
giá trị thặng dư, theo đó kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là
hình thức. Trên cơ sở đó chúng tập trung công kích, xuyên tạc bản chất mô hình kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta đang xây dựng, không chỉ
công kích đường lối đổi mới kinh tế mà các thế lực thù địch còn dùng sức ép
kinh tế, chính trị, ngoại giao đòi thay đổi, chuyển hóa mục tiêu phát triển đất
nước.
Các thế lực thù địch đã triển khai nhiều “kế hoạch” chống phá và trục lợi
đối với kinh tế Việt Nam, nhằm tác động chuyển hoá Việt Nam. Một trong những
thủ đoạn nổi lên là chúng thổi phồng, bóp méo thông tin về những khó khăn của
kinh tế Việt Nam nhằm làm rối loạn xã hội và hạ thấp uy tín của Việt Nam trên
trường quốc tế thông qua việc tung tin thất thiệt về các cán cân kinh tế vĩ mô,
thị trường tài chính – tiền tệ. Âm mưu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù
địch là thâm nhập, chiếm lĩnh các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt
Nam, nhất là tham dự quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Theo đó,
chúng khuyến khích Việt Nam cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước theo hướng tư vấn
của Mỹ và các tổ chức quốc tế với nguyên tắc: “Cái gì tuột khỏi tay Đảng cộng
sản là khuyến khích, để khi Việt Nam thực hiện xong lộ trình này thì ý thức hệ
cộng sản của con người và xã hội Việt Nam sẽ mai một”.
Bên cạnh đó, chúng tăng cường trục lợi từ nền kinh tế Việt Nam, cho rằng:
“Việt Nam cần tự do hoá các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích tăng giá đồng nội
tệ, xây dựng ngân hàng trung ương thực sự độc lập”. Trên thị trường chứng
khoán, chúng đưa ra những báo cáo sai lệch về tình hình chính sách kinh tế vĩ
mô của Việt Nam, nhất là vấn đề lãi suất và lạm phát, từ đó tác động đến tâm lý
của nhà đầu tư trong nước để trục lợi.
Không những thế, Mỹ còn xác định: “WTO là công cụ hữu hiệu nhất để làm mất
màu kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phát triển kinh
tế thị trường tự do kiểu tư bản”. Chúng ra sức chống phá thành phần kinh tế nhà
nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, chúng khoét sâu vào những yếu kém
nổi lên của một số doanh nghiệp nhà nước thời gian qua và lập luận: “Nguyên
nhân yếu kém của nền kinh tế Việt Nam là do các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế
nhà nước làm ăn kém hiệu quả”, từ đó “khuyên” Việt Nam cổ phần hoá triệt để
hoặc giải thể các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước. Giới tài phiệt Mỹ và
phương tây đã đặt ra lộ trình chi phối tài chính Việt Nam như đầu tư mạnh vào
các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và nhấn mạnh: “Mỹ sẵn sàng bơm tiền vào
Việt Nam, miễn là lái được hệ thống chính sách tài chính của Việt Nam, làm cho
nền tài chính Việt Nam phải phụ thuộc vào Mỹ”.
Từ thực tiễn trên, để ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại sự chống phá của các
thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế đối với nước ta trong chiến lược “diễn
biến hòa bình” cần thực hiện tốt các giải pháp cụ thể sau:
Một là, chủ động đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng lý luận, bảo vệ vững chắc các
nguyên lý kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và
đường lối đổi mới kinh tế của Đảng ta, góp phần củng cố vững chắc trận địa tư
tưởng trong nhân dân, mà trước hết là trong cán bộ, đảng viên.
Muốn làm được điều đó, phải nắm vững một cách có hệ thống các quan điểm
kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vạch trần mục
đích, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong tuyên truyền, xuyên tạc,
phủ nhận các tư tưởng kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh; luận giải một cách khoa học cơ sở lý luận và thực tiễn của đường lối đổi
mới kinh tế của Đảng; chủ động nắm bắt thực tiễn, kịp thời luận giải có cơ sở
khoa học các vấn đề nảy sinh, không để xảy ra các khoảng trống về tư tưởng để
địch lợi dụng chống phá.
Hai là, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế, rút
ngắn khoảng cách chênh lệch về kinh tế giữa nước ta với các nước khác trong khu
vực và trên thế giới.
Bởi lẽ, một trong những thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường sử dụng để
chống phá đó là lợi dụng vào điểm yếu về kinh tế của ta để phá hoại. Vì vậy, để
làm thất bại âm mưu, thủ đoạn này, cùng với đấu tranh trên mặt trận lý luận, tư
tưởng, chúng ta phải đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước, đẩy mạnh sự nghiệp
công nghiệp hoá, hiện đại hoá, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về kinh tế giữa
nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi thực hiện công
nghệ nhiều tầng, nhiều trình độ thì phải biết lựa chọn, đi tắt, đón đầu, đi
thẳng vào công nghệ hiện đại trong những ngành, lĩnh vực quan trọng mà ta có
tiềm năng. Lựa chọn công nghệ nhập ngoại phù hợp với điều kiện, khả năng của
từng ngành, từng lĩnh vực, song kiên quyết từ chối những công nghệ lạc hậu,
biến nước ta thành bãi thải công nghệ của thế giới.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chống hoạt động phá hoại trên lĩnh vực
kinh tế trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với đấu
tranh chống tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác trong nền kinh tế.
Tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác trong nền kinh tế không chỉ ảnh hưởng
trực tiếp tới phát triển kinh tế, tới niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế
độ, mà còn là mảnh đất màu mỡ để chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch lợi
dụng thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ với cách mạng
Việt Nam. Do đó, phải đẩy mạnh công tác chống tham nhũng và đi đôi với chống
lãng phí cùng các tệ nạn tiêu cực khác trong xã hội. Phải phát huy thật tốt quy
chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Tổ chức triển
khai và thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng; xây dựng cơ chế
chính sách chống tham nhũng có hiệu quả; phối kết hợp các cơ quan, các ngành
chức năng và của toàn xã hội để những người có chức có quyền “không có cơ hội
tham nhũng”, “không giám tham nhũng” và “không muốn tham nhũng”.
Để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững
chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới đòi hỏi mỗi cán bộ,
đảng viên và quần chúng phải tích cực nâng cao nhận thức về “diễn biến hòa
bình” trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, phải luôn cảnh giác cao độ, kiên quyết
đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại sự chống phá của kẻ thù trên lĩnh
vực kinh tế. Quán triệt, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm
vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến, tự
chuyển hóa” trong nội bộ, bảo vệ vững chắc sự phát triển nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay./.
ĐD
ĐD
Nhận xét