THÀNH TỰU KHÔNG THỂ BÁC BỎ VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM

Trong thế giới ngày nay, quyền con người được xem là giá trị chung của nhân loại; một quy định pháp luật cơ bản của các nhà nước pháp quyền, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển. Tuy nhiên, trong tính hiện thực của nó, quyền con người luôn mang tính đặc thù bởi truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa và chế độ chính trị. Sự khác biệt nào đó về quyền con người giữa các quốc gia, dân tộc là điều bình thường và là lẽ tự nhiên.
Ở Việt Nam, quyền công dân và quyền con người là thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã quy định đầy đủ quyền công dân. Mặc dù văn kiện này chưa dùng khái niệm quyền con người, nhưng có thể nói, quyền con người đã được lồng ghép với quyền công dân, kể cả quyền của người nước ngoài định cư hợp pháp ở Việt Nam.
Quyền con người bao gồm cả về chính trị, dân sự, kinh tế - xã hội, văn hóa… đặc biệt, quyền có việc làm, thu nhập, nhà ở, học tập, được chăm sóc sức khỏe, sống trong môi trường an toàn ngày càng trở thành những quyền cơ bản, thiết thực và có ý nghĩa cao nhất về nhân quyền... Trên cơ sở nhận thức nhân quyền vừa là kết quả, thước đo, vừa là động lực cho sự phát triển, ổn định của một quốc gia văn minh, Hiến pháp nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) đã khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3). Đặc biệt, Hiến Pháp đã dành 36 điều trong Chương III về quyền con người (từ Điều 14 đến Điều 49) để cụ thể hóa, đảm bảo hướng tới thực hiện nhân quyền một cách đầy đủ nhất.
Thế nhưng, với động cơ đen tối và tư duy chính trị bảo thủ, một số tổ chức phản động vẫn kỳ thị với chế độ chính trị và Nhà nước Việt Nam. Họ lấy vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” làm cái cớ để vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người. Các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội về chính trị thường “té nước theo mưa”, phụ họa với truyền thông phương Tây, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam “vi phạm nhân quyền”, nhất là về tự do báo chí, ngôn luận. Chẳng hạn, nhóm nghị sỹ cực đoan ở Hạ viện Hoa Kỳ thường tổ chức “điều trần” về “tình hình nhân quyền Việt Nam” và soạn thảo “Dự luật nhân quyền Việt Nam”. Vụ Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ) hằng năm soạn thảo “Phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền thế giới”; “Phúc trình về tự do tôn giáo thế giới”. Trong đó, họ xuyên tạc, bôi đen tình hình nhân quyền ở Việt Nam, rằng: “Việt Nam vẫn là một quốc gia mà tôn giáo nằm dưới sự chi phối của chính phủ,…”. Bên cạnh đó, Văn phòng Đại diện Liên minh châu Âu ở Việt Nam cũng thường “cập nhật” những vụ án vi phạm một số tội về an ninh quốc gia được quy định trong Bộ Luật Hình sự 1999, từ đó, họ lên tiếng “quan ngại” về những vụ bắt, xét xử nhiều đối tượng sử dụng Internet, trong đó có Facebook chống phá chế độ xã hội và Nhà nước Việt Nam như: Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Bloger Mẹ Nấm); Hoàng Đức Bình (Nghệ An), v.v. Họ cho rằng: “Việc bắt giữ này đi ngược lại với những cam kết về nhân quyền trong nước và quốc tế, đặc biệt là Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, mà Việt Nam là một thành viên từ năm 1982... Gần đây nhất, lợi dụng Diễn đàn APEC (2017) tổ chức tại Việt Nam, không ít các tổ chức chống cộng đã có “thông điệp” đến lãnh đạo nhiều nước phải có những “đòi hỏi mạnh mẽ Việt Nam tuân thủ các “chuẩn mực” nhân quyền”.
Cho dù các thế lực chống phá có ra sức xuyên tạc, vu cáo, bôi đen với mọi hình thức thì cũng không thể bác bỏ được những thành thành tựu to lớn, vững chắc về bảo đảm quyền con người của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế.
Nói tới thành tựu về quyền con người của nước Việt Nam, trước hết cần nói tới cơ sở tư tưởng, chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong Cương lĩnh, đường lối của Đảng từ khi thành lập cho đến nay, luôn nhất quán xem quyền con người là một mục tiêu của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 2011), một lần nữa khẳng định, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định những cam kết quốc tế của Nhà nước ta với cộng đồng quốc tế về quyền con người: “Coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết”.
Cho đến nay, Việt Nam đã gia nhập, ký kết hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người và những công ước chuyên biệt về quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Thực hiện các cam kết quốc tế, Nhà nước ta đã nội luật hóa các công ước nói trên vào hệ thống pháp luật quốc gia. Hiến pháp năm 2013 đã dành cả một chương (chương II) quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, nêu rõ: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (khoản 1, Điều 14). Hiến pháp năm 2013 cùng với hệ thống pháp luật hiện nay của Việt Nam không chỉ tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người, mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật tiến bộ hàng đầu trên thế giới.
Việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, trước hết được thể hiện trong bầu cử. Điển hình như Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV (năm 2014): tỷ lệ cử tri đã bỏ phiếu đạt 99,35%; về cơ cấu có: 86 đại biểu là người dân tộc thiểu số, 133 đại biểu là phụ nữ, 21 đại biểu là người ngoài Đảng. Lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là phụ nữ... Hoạt động của Quốc hội trong những năm qua thể hiện rõ tính dân chủ, thẳng thắn, đổi mới theo hướng thực hiện tốt hơn cơ chế “kiểm soát” quyền lực; nhiều vấn đề “nóng” mà dư luận nhân dân quan tâm được đưa ra chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền của các dân tộc thiểu số được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Tháng 11/2016, Quốc hội đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (thay cho nghị định trên lĩnh vực này). Luật này mở rộng và quy định rõ: quyền của cá nhân bao gồm cả những người đang bị giam giữ, thi hành án được thực hiện các nghi thức, thực hành tín ngưỡng; quyền của người nước ngoài về tín ngưỡng, tôn giáo ở tại Việt Nam...
Việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí, hiện nay Việt Nam có: 858 cơ quan báo chí in; 105 cơ quan báo điện tử; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Không chỉ người dân Việt Nam mà người nước ngoài cư trú ở Việt Nam đều có đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn, báo chí lớn, như: CNN, BBC, TV5, NHK, Network, Bloomberg. Qua Internet, người dân Việt Nam cũng có thể tiếp cận tin, bài của các cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài.
Trên lĩnh vực kinh tế - xã hội và văn hóa, việc bảo đảm quyền con người được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 2011-2016, bình quân GDP đạt khoảng 5,91%. Bình quân thu nhập đầu người tăng từ 1.024 USD/năm (2008) lên 2.200 USD (năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho nhóm nghèo, hộ nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, v.v. Nổi bật là Chương trình 133, 135 về “hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn”. Việt Nam là điểm sáng của khu vực và thế giới về công tác xóa đói, giảm nghèo.
Quyền của nhóm xã hội dễ bị tổn thương, yếu thế  như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật… được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực và thứ hai trên thế giới tham gia ký “Công ước quốc tế về quyền trẻ em” (năm 1989). Hằng năm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức liên quan và các địa phương phát động “Tháng hành động vì trẻ em” nhằm vận động toàn xã hội chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện. Chương trình “Trái tim cho em” do Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông Quân đội tổ chức, sau 7 năm triển khai đã quyên góp được 90 tỷ đồng, hỗ trợ phẫu thuật thành công cho 2.700 em nhỏ dưới 16 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn. Về quyền của nữ giới, từ năm 2010 đến nay, Quốc hội đã ban hành 40 đạo luật; trong đó, quyền của nữ giới được lồng ghép đầy đủ trong hệ thống pháp luật Quốc gia. Trong lĩnh vực lao động - việc làm, hiện nay lao động nữ vẫn duy trì ở mức cao và đạt 48,3% trong tổng số lực lượng lao động cả nước; tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp đạt 24,9%.
Trên con đường hội nhập, phát triển, xã hội ta đang còn nhiều vấn đề kinh tế, xã hội cần phải nỗ lực giải quyết. Song, không ai có thể phủ nhận việc bảo đảm quyền con người của Đảng và Nhà nước ta đến nay đã có cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc. Đồng thời, các quyền con người trên tất cả các nhóm quyền, từ quyền dân sự, chính trị, đến quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ngày càng được nâng cao, vì đó là bản chất của chế độ ta. Chính vì vậy nên Việt Nam được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu làm: thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (nhiệm kỳ 2016-2018), Ủy ban Pháp luật Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2017-2021).
                                                                                                          Thảo Chi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC