TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ QUÂN ĐỘI THAM GIA LAO ĐỘNG, SẢN XUẤT
Quân đội sản xuất, xây dựng kinh tế, trực tiếp tham gia vào sự nghiệp
công nghiệp hoá, hiện đạo hoá đất nước là một tất yếu khách quan, là bước phát
triển mới của quốc sách “ Ngụ binh ư nông” trong lịch sử dựng nước và giữ nước
của dân tộc. Các doanh nghiệp quân đội không những tạo ra sảnphẩm cho xã hội,
giải quyết việc làm cho người lao động mà còn góp phần gìn giữ tiềm lực kinh tế
quốc phòng. Vấn đề khai thác tiềm năng, thế mạnh của quân đội cho mục đích kinh
tế là điểm lớn trong hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ
bản của cách mạng Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu mới
thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn chú trọng đến việc quân đội tham gia
lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm. Mặc dù đánh giặc, cứu nước là nhiệm vụ
chủ yếu, song bên cạnh đó, quân đội vẫn luôn tích cực tăng gia sản xuất để đáp ứng
phần nào nhu cầu sinh hoạt của mình. Theo Bác,đó là việc làm thiết thực để khắc
phục sự bao vây, phong toả của kẻ thù đối với nền kinh tế nước nhà, đồng thời
làm giảm bớt phần nào gánh nặng của nền kinh tế trong việc đáp ứng các yêu cầu
đòi hỏi của cuộc chiến tranh thông qua việc thực hành tự cấp, tự túc đối với mọi
cấp, mọi ngành, mọi cơ quan đơn vị trong quân đội. Tại Hội nghị cung cấp toàn
quân lần thứ nhất (năm 1952), Bác chỉ rõ: “Các cơ quan trong quân đội phải cố sức
trồng trọt, chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân.
Tuy công việc chuyên môn vẫn là chính nhưng phải cố sức tăng gia”.
Bác không chỉ yêu cầu các
đơn vị trong quân đội “Phải thực hành tự cấp, tự túc bằng cách thiết thực, bằng
tăng gia sản xuất” mà người còn chỉ rõ cách thức tiến hành tăng gia sản xuất,
thực hành tự cấp, tự túc đối với mỗi đối tượng cụ thể, sát với đặc điểm tình
hình, tính chất và yêu cầu nhiệm vụ của mỗi đối tượng. Trong tác phẩm “Đời sống
mới”, Bác viết: “Bộ đội cũng phải tăng gia sản xuất. Cố nhiên những bộ đội ở
trước mặt trận, phải luôn luôn lo việc đánh giặc, không có thời giờ đâu mà làm
việc khác. Song những bộ đội ở hậu phương thì cần làm và quyết làm được. Tuỳ
theo hoàn cảnh mỗi bộ đội, hoặc làm vườn, nuôi lợn, hoặc làm giúp dân. Có lúc bộ
đội chia phiên nhau, lớp đánh giặc, lớp làm ruộng làm vườn, để tự cấp, tự túc,
không phiền đến dân cả mọi việc”. Đối với các đơn vị thường xuyên cơ động, nay
đây mai đó cũng cần phải tích cực tăng gia sản xuất. Trong dịp đến thăm đoàn xe
đầu tiên của quân đội (3/1951), Bác căn dặn: “Các chú phải tranh thủ tăng gia để
có thêm rau ăn. Dù nay đây mai đó cũng cần tăng gia. Mình không ăn thì để cho
đơn vị khác ăn, nhân dân ăn. Ở đâu và ai cũng làm như thế nhất định có thêm nhiều
thức ăn cải thiện”.Những tư tưởng đó của Người thể hiện rõ sự kế thừa, vận dụng
linh hoạt, sáng tạo kế sách “Ngụ binh ư nông”, “Động vi binh, tịnh vi dân” của
tổ tiên ta, đúc kết trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước
của dân tộc Việt Nam.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác về Quân đội
tham gia lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm, trong những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt, cụ thể
hóa đường lối, quan điểm của Đảng, đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, văn bản
quy phạm pháp luật, trong đó có: Nghị quyết số 71/ĐUQSTW, ngày 25-4-2002 “Về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ
mới – tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội”;
Nghị quyết số 520-NQ/QUTW, ngày 25-9-2012 về “Lãnh
đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm
2020”; Thông tư số 69/2017/TT-BQP ngày 3-4-2017 của Bộ Quốc phòng
ban hành Quy chế quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh kinh tế của Quân đội. Đặc
biệt là Nghị quyết 425-NQ/QUTW, ngày 18-5-2017 “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp
Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Quân
đội luôn nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; quán triệt sâu sắc, thực
hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, đồng
thời phát huy những kinh nghiệm, kết quả đạt được tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt
nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, xứng đáng là “đội quân chiến đấu,
đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất” trong thời kỳ mới. Qua đó, tô thắm
thêm bản chất cách mạng, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng,
thiết thực góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc, kịp thời đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc,
sai trái của các thế lực thù địch, bôi nhọ hình ảnh, hạ thấp uy tín, làm phai mờ
bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong lòng nhân dân và bạn bè
quốc tế.
JuPi Minh
Nhận xét