SỰ SAI TRÁI CỦA QUAN ĐIỂM “NHÂN QUYỀN CAO HƠN CHỦ QUYỀN”

“Nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “Nhân quyền không biên giới”, “Chủ quyền hạn chế”, “Can thiệp nhân đạo”... là những cách diễn đạt khác nhau của cùng một tư tưởng lý luận và ý đồ chính trị của các thế lực cực hữu phương Tây dùng dân chủ, nhân quyền làm công cụ để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước XHCN và các quốc gia đi theo con đường độc lập dân tộc. Để bác bỏ luận điểm “Nhân quyền cao hơn chủ quyền”, chúng ta cần phân tích luận điểm này một cách có hệ thống trên cả hai bình diện: tư tưởng chính trị và pháp lý quốc tế.
Xét về tư tưởng chính trị, quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Tất cả các quốc gia dân tộc đều có những đóng góp vào giá trị đó. Quyền con người là thành quả của các cuộc đấu tranh: đấu tranh giai cấp, chống áp bức, bóc lột; đấu tranh giành độc lập dân tộc và đấu tranh chống lại sự suy thoái về đạo đức, lối sống, hướng đến sự hoàn thiện phẩm giá con người. Với chúng ta, bảo đảm quyền con người chân chính thuộc bản chất của chế độ xã hội XHCN của Đảng và của Nhà nước ta.
Chủ nghĩa Mác- Lênin đã đặt quyền con người vào trong tiến trình lịch sử, rằng, những quyền đó gắn liền với Nhà nước và pháp luật. Quyền con người, do đó không thể không in dấu ấn giai cấp, nhất là khi vận dụng nó trong cuộc đấu tranh giai cấp cũng như đấu tranh giành độc lập dân tộc. Quyền con người đã từng là vũ khí đấu tranh của giai cấp tư sản nhằm lật đổ sự thống trị bởi vương quyền, thần quyền và dùng để củng cố địa vị thống trị của mình.
Xét trên phương diện pháp lý quốc tế, trước khi tổ chức Liên hợp quốc ra đời, quyền con người chỉ tồn tại trong Luật Hiến pháp, có nghĩa chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội trong phạm vi nội bộ của mỗi quốc gia. Từ khi Liên hợp quốc thành lập (1945) cùng với Hiến chương Liên hợp quốc và các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người ra đời, quyền con người đã trở thành một chế định trong Luật quốc tế. Từ đây, quyền con người được bảo đảm bởi cả hai cơ chế, cơ chế quốc gia và cơ chế quốc tế. Đây chính là cơ sở lịch sử - chính trị của luận điểm “Nhân quyền cao hơn chủ quyền”.
Bác bỏ luận điểm “Nhân quyền cao hơn chủ quyền” cần phân tích mối quan hệ giữa độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết với cơ chế quốc tế bảo đảm quyền con người. V.I.Lênin đã đề cập tới quyền dân tộc tự quyết trên tinh thần cách mạng và khoa học. Người nói: “Quyền dân tộc tự quyết có nghĩa là sự phân lập của các dân tộc đó, với tư cách là quốc gia, ra khỏi tập thể các dân tộc khác, có nghĩa là sự thành lập một quốc gia dân tộc độc lập”. Người còn nhấn mạnh, quan điểm của chủ nghĩa xã hội đối với các dân tộc bị áp bức là: “Chủ nghĩa xã hội thắng lợi nhất thiết phải lập nên chế độ dân chủ hoàn toàn và do đó, không những làm cho các dân tộc hoàn toàn bình đẳng với nhau, mà còn thực hành quyền tự quyết của các dân tộc bị áp bức”. Thực tiễn lịch sử ghi nhận, nhà nước Xô-viết đã giành quyền dân tộc tự quyết cho các dân tộc chung sống trong Liên bang cộng hòa XHCN Xô-viết bao gồm cả quyền tách khỏi Liên bang như trường hợp Phần Lan.
Tiếp nối và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin về quyền dân tộc tự quyết, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong “Tuyên ngôn độc lập” nhấn mạnh đến quyền đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng thời khẳng định dân tộc Việt Nam có đủ điều kiện và quyết tâm bảo vệ nền độc lập đó. Điều đó có nghĩa, Việt Nam không cần đến cái gọi là “chế độ quản thác'” của bất cứ ai, kể cả Liên hợp quốc.
Như vậy là luận điểm “Nhân quyền cao hơn chủ quyền” trên phương diện Luật quốc tế, không có căn cứ bởi vì chủ thể của Luật quốc tế là các quốc gia, chứ không phải là các cá nhân. Xét về nội dung việc bảo đảm các quyền con người ở mỗi quốc gia theo Công ước quốc tế còn phải căn cứ vào các điều kiện cụ thể về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của mỗi nước. Pháp luật quốc tế không cho phép bất cứ quốc gia nào hay tổ chức quốc tế nào được phép can thiệp vào vấn đề nhân quyền của mỗi nước. Những mâu thuẫn hoặc khác biệt nào đó giữa các quốc gia trên lĩnh vực này chỉ có thể được giải quyết trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và đối thoại xây dựng.
Luận điểm “Nhân quyền cao hơn chủ quyền” là một trong những nội dung cơ bản của cuốn sách “Ngoại giao nhân quyền” do D.Niu sơn viết và xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1966. Các lực lượng cầm quyền Hoa Kỳ cho rằng, hệ tư tưởng tư sản với tự do, dân chủ, nhân quyền là thế mạnh của họ. Hoa Kỳ có thể giành được ưu thế chính trị nếu biết dựa trên quan niệm dân chủ, nhân quyền trong hoạt động đối ngoại. Chính sách ngoại giao nhân quyền của Hoa Kỳ lấy quan niệm dân chủ, nhân quyền của họ “làm nền tảng”. Tùy theo tương quan lực lượng và điều kiện khách quan, chủ quan mà họ đề cập tới vấn đề nhân quyền với quốc gia nào và ở mức độ nào. Đôi khi Hoa Kỳ đặt vấn đề nhân quyền là điều kiện tiên quyết để thiết lập và duy trì quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, bản chất ngoại giao nhân quyền là dùng khái niệm dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Trên lĩnh vực tư tưởng, ngoại giao nhân quyền hướng vào phê phán, bài bác các quan điểm nhân quyền mác-xít, truyền bá quan điểm nhân quyền tư sản nhằm làm biến đổi ý thức hệ Mác-Lênin từ đó làm thay đổi tận gốc chế độ xã hội XHCN ở các quốc gia, áp đặt một xã hội theo “hình ảnh” của họ.
Sau khi Liên Xô tan rã, các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, đế quốc Mỹ thúc đẩy chiến lược “diễn biến hòa bình” và ngoại giao nhân quyền, sử dụng luận điểm “Nhân quyền cao hơn chủ quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Đối với Việt Nam, sau khi buộc phải rút quân, Hoa Kỳ đã áp dụng nhiều chiến lược phá hoại, từ các “kế hoạch hậu chiến”, nuôi dưỡng những phần tử có hận thù với cách mạng, xây dựng lực lượng chính trị, quân sự trong nước và ngoài nước... đến việc đưa biệt kích xâm nhập nội địa, mưu toan gây bạo động chính trị, vực dậy lực lượng phản động trong nước... nhưng họ đã bị thất bại. Trong mục tiêu chiến lược đánh đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kịch bản “diễn biến hòa bình”, dựa trên lợi dụng dân chủ, nhân quyền như đã từng diễn ra ở Liên Xô, Đông Âu (1989 - 1991) được xem là phương thức chủ yếu, là điều mong muốn nhất của họ.
Khác với các giai đoạn trước đây, điểm mới trong chiến lược “diễn biến hòa bình” cũng là điểm mới trong việc sử dụng luận điểm “Nhân quyền cao hơn chủ quyền” của Hoa Kỳ là song song với việc truyền bá hệ tư tưởng tư sản, lối sống, văn hóa là áp đặt pháp lý đơn phương nhằm gây khó khăn, từng bước làm biến đổi chế độ xã hội ta. Có thể nói về chiến lược của chủ nghĩa đế quốc hiện nay là lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, lợi dụng luận điểm “Nhân quyền cao hơn chủ quyền” để can thiệp vào vấn đề dân tộc, tôn giáo, phá hoại đại đoàn kết toàn dân tộc làm trọng tâm; lấy việc xây dựng tổ chức, tạo dựng ngọn cờ và gây bạo loạn chính trị, tạo cớ móc nối với các thế lực bên ngoài làm khâu đột phá. Ảo tưởng thành lập “Nhà nước Đêga độc lập” ở Tây Nguyên, “Nhà nước Khmer Rôm” ở Tây Nam Bộ; “Vương quốc H'mông tự trị” ở Tây Bắc; “Vương quốc Chăm” ở Nam Trung Bộ cùng với mưu đồ xây dựng các tổ chức chính trị đội lốt tôn giáo phi pháp như “Tin Lành Đêga”, “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”, “Ủy ban liên tôn đấu tranh vì tự do tôn giáo”... là những kịch bản đầy tham vọng của họ.
Bác bỏ luận điểm “Nhân quyền cao hơn chủ quyền” trong bối cảnh chính trị quốc tế hiện nay, chúng ta cần nhận thức đầy đủ, toàn diện về mục tiêu, chiến lược cách mạng của Đảng, về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời chúng ta cần nắm chắc đặc điểm của tình hình quốc tế liên quan đến cuộc đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người. 
Trong điều kiện cơ chế quốc tế đã hình thành, hiện nay, giải quyết những vấn đề nhân quyền chúng ta cần phải tính đến các nhân tố quốc tế. Cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” nói chung, đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ nhân quyền là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Cuộc đấu tranh này cần phải phục vụ cho mục tiêu nhiệm vụ của chiến lược cách mạng hiện nay: xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển kinh tế, văn hóa đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế, bảo vệ quốc gia và an ninh xã hội. Trong khi kiên quyết và kiên trì cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ vững chắc hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối quan điểm của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh bảo vệ vững chắc chế độ chính trị, an ninh quốc gia, chúng ta cần phải chống lại âm mưu và thủ đoạn bôi nhọ, hạ thấp hình tượng cao đẹp của Việt Nam đã hình thành trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc. Chúng ta có thể và cần phải đấu tranh chống lại âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền cô lập Việt Nam, cản trở và ngăn chặn Việt Nam hội nhập với cộng đồng quốc tế.
          Để giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh này, chúng ta phải chủ động; hợp tác trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đối thoại bình đẳng. . . Đồng thời, giải quyết ngày càng tốt hơn các quyền công dân và quyền con người cho người dân; xử lý kiên quyết đối với những phần tử cơ hội, phản động trong nước và đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thể lực thù địch nước ngoài.
                                                                                                                         NĐS

Nhận xét

nguyễn nguyên đã nói…
vẫn là những luận điệu cũ rích của các thế lực thù địch, phản động...cần tỉnh táo nhận diện và kiên quyết bác bỏ

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC