ĐỪNG CỐ TÌNH ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM GIỮA “THANH LỌC” LÀM TRONG SẠCH ĐỘI NGŨ VÀ “THANH TRỪNG NỘI BỘ”

Trên trang mạng nguoilambao, những ngày qua, đập vào mắt người đọc là bài viết với tiêu đề “chống tham nhũng hay thanh trừng nội bộ” của người viết mang bút danh “Kông Kông”. Chỉ cần đọc đến bút danh, người đọc đã không khỏi liên tưởng đến những âm thanh được phát ra từ một cái thùng rỗng khi được ai đó đập – gõ vào. Đọc hết nội dung tác giả viết, càng cho thấy liên tưởng của người đọc là đúng, bởi tác giả không biết vô tình hay cố ý không hiểu những nguyên tắc xây dựng, hoạt động của một tổ chức lãnh đạo, cố gắng khoa môi, múa mép hòng đánh đánh tráo khái niệm “thanh lọc” làm trong sạch bộ máy với “thanh trừng nội bộ”.
Thanh lọc đảng viên là Đảng đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi hàng ngũ của mình.
Thanh trừng nội bộ được hiểu là các bè phái, phe cánh trong một tổ chức công kích, hạ bệ, sát phạt, trừ khử lẫn nhau.
Thanh trừng nội bộ xuất phát và phục vụ cho mưu đồ cá nhân, lợi ích nhóm, cục bộ. Đối tượng thanh trừng là những người gây khó khăn, cản trở, đi ngược lại với lợi ích cá nhân, nhóm đó, bất kể phẩm chất, năng lực của họ có như thế nào! Còn mục đích của việc thanh lọc những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, giúp cho “đảng trở thành một đội tiền phong của giai cấp vô sản vững mạnh hơn trước nhiều; nó sẽ làm cho đảng trở thành một đội ngũ tiền phong có liên hệ vững chắc hơn với giai cấp ấy, có khả năng hơn để đưa giai cấp ấy đi đến thắng lợi, giữa vô vàn khó khăn và nguy hiểm”[1].
Để đội ngũ của Đảng luôn luôn trong sạch, chỉ bao gồm những chiến sĩ tiên phong trong phong trào cách mạng cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, được quần chúng tin tưởng, Đảng phải thường xuyên đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi hàng ngũ của mình. Đó là một biện pháp đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Lịch sử đã minh chứng, năm 1921, Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga tổ chức Đại hội lần thứ X, quyết định thực hiện Chính sách kinh tế mới (NEP). Nhận thấy sự tồn tại của nhiều phe phái trong Đảng, có nguy cơ cản trở quá trình thực hiện đường lối kinh tế mới, V.I. Lênin chỉ thị cho toàn Đảng tiến hành một cuộc thanh lọc đảng viên triệt để. Trong đợt thanh lọc này, có 170.000 người (chiếm 25%) bị đưa ra khỏi Đảng. Nhờ đó, Đảng mạnh lên rất nhiều, thành phần xã hội của Đảng được cải thiện, quần chúng thêm tín nhiệm Đảng, tình đoàn kết và tinh thần kỷ luật của Đảng được tăng lên.
Đảng ta là đảng cầm quyền. Trước bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế hiện nay, không ít phần tử thù địch, cơ hội chính trị đã, đang và sẽ tìm mọi cách chống phá Đảng từ nhiều phía. Do vậy, Đảng cần phải thường xuyên tự đổi mới, tự thanh lọc, chỉnh đốn đội ngũ đảng viên. Đồng thời, thường xuyên chăm lo công tác chính trị - tư tưởng, bảo đảm sự thống nhất trong Đảng về nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đường lối, chủ trương đổi mới và vai trò lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã khẳng định: “Để giữ vững vai trò lãnh đạo của mình, một trong những việc cấp bách cần làm ngay hiện nay là, Đảng phải thanh lọc đội ngũ đảng viên, đưa ra khỏi hàng ngũ của Đảng những người đã thoái hóa, biến chất, phai nhạt lý tưởng, cơ hội, thực dụng, tham nhũng, bè phái, gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng”. Đây cũng là biện pháp để “ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Liên quan đến công tác cán bộ và kỷ luật Đảng gần đây, đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII đối với ông Đinh La Thăng vì những vi phạm trong giai đoạn 2009-2015 tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Ngày 22/1/2018, sau 14 ngày xét xử và nghị án, TAND Hà Nội tuyên án với ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Trong đó, xác định ông Thăng có vai trò chỉ đạo xuyên suốt tại vụ án kinh tế tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng này, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù.

Vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm.... là một trong số những vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao như: vụ Giang Kim Đạt; vụ Hà Văn Thắm; vụ Châu Thị Thu Nga; vụ Phạm Công Danh. Sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra; giữa thanh tra, kiểm toán với điều tra; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, địa phương và các bộ, ngành chức năng trong phát hiện, làm rõ, xử lý sai phạm và tội phạm ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn. Các phiên toà xét xử đổi mới theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật. Rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn.

Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Minh chứng cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng cũng đã được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt đẹp, được nhân dân rất hoan nghênh, ủng hộ, đồng tình cao, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Vậy mà không biết là do không hiểu hay cố tình không hiểu mà tác giả Kông Kông lại cho rằng đó là “Thanh trừng nội bộ”; “đánh hội đồng nghi can”. Việc thi hành kỷ luật, tuyên phạt Đinh La Thăng cùng đồng phạm… là thanh lọc làm tròng sạch Đảng, bộ máy Nhà nước, xử phạt những công dân vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, cho dù công dân ấy là ai, việc này không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Mục đích việc làm đó là vì Đảng, vì dân, khác hoàn toàn về chất với việc giống như Kông Kông đang làm, chỉ vì lợi ích nhóm, cục bộ. Cho nên, thật nực cười khi cho rằng việc “thanh lọc ấy là “thanh trừng nội bộ”, thông qua vụ Đinh La Thăng, Kông Kông cố tình đánh tráo khái niệm“thanh lọc” làm trong sạch bộ máy với “thanh trừng nội bộ” là một trò hề vụng về và lố bịch không hơn không kém.

                                                                                                                                                        Trung Dũng


[1] V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2005, t. 44, tr. 152.

Nhận xét

maivanglq2 đã nói…
nội dung bài viết rất sát thực và mang tính thời sự cao, kính mong tác giả tiếp tục phát huy

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC