PHẢI CHĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN Ở VIỆT NAM LÀ SỰ CHUYỂN HƯỚNG SANG CHẾ ĐỘ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA
Tháng 6. 2017, Đảng ta ban hành Nghị quyết số
10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của
nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trên một số trang mạng xã hội đã xuất
hiện những bài viết “ca ngợi, tán dương kinh tế tư nhân”, coi “kinh tế tư nhân
là con đường giải thoát cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay” và lan truyền những
tin đồn rằng, “chấp nhận kinh tế tư nhân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từ bỏ con
đường xã hội chủ nghĩa, chuyển hướng sang con đường tư bản chủ nghĩa”?!. Thực
chất đây là những tin đồn sai trái, với dụng ý xấu, hòng gây nên nhận thức lệch
lạc đối với kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước nói riêng, nền kinh tế của Việt
Nam nói chung, nhất là đối với sự kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở
Việt Nam của Đảng Cộng sản.
Ngay từ những năm đầu khởi xướng công cuộc
đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của kinh tế
tư nhân trong nền kinh tế quốc dân. Trải qua các kỳ Đại hội và Hội nghị Trung
ương, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hình thành nên quan điểm và đường lối phát
triển kinh tế tư nhân phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước
ta. Mới đây nhất, Đại hội XII của Đảng đã xác định: Kinh tế tư nhân là bộ phận
cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là
vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định
hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trung
tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của
đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị quyết số 10-NQ/TW đã thấy rõ Đảng
ta không những coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân – “động lực quan trọng”,
mà còn xác định rõ ràng nó là một bộ phận không tách rời “của nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Mặc dù, trong Nghị quyết đã giành một phần
rất quan trọng để đánh giá về vị trí, vai trò và hiệu quả của kinh tế tư nhân
trong những năm qua đối với nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt là khẳng định: “Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng
trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 – 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động
của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho
đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu
kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân
dân, bảo đảm an sinh xã hội”. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng luôn xác định kinh
tế tư nhân trong mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời với các bộ phận kinh tế
khác đó là: “Kinh tế tư nhân là một động
lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng
với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ”.
Đặc biệt là, trong Nghị quyết Trung ương 5 đã
nêu rõ quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân, đó là: “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu
cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế,
phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; là một
phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng
có hiệu quả các nguồn lực phát triển”. Cùng với đó, Nghị quyết của Đảng
cũng chỉ rõ mục tiêu tổng quát: “Phát
triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động
lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần
phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của
nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm
đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII |
Trong hệ thống các giải pháp về phát triển
kinh tế tư nhân của Nghị quyết, đi liền với các giải pháp thống nhất nhận thức,
tư tưởng và hành động; tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ
kinh tế tư nhân… thì những giải pháp khác đều là những giải pháp phát huy vai
trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa, nâng cao
vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội –
nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân… để bảo đảm cho kinh tế tư nhân thực sự trở
thành một động lực quan trọng và là một bộ phận của nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, dù nhận thức đúng đắn và khẳng định
rõ vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế quốc dân, nhưng
không ở đâu, không ở chỗ nào trong đường lối quan điểm của Đảng Cộng sản Việt
Nam từ bỏ nguyên tắc định hướng xã hội chủ nghĩa đối với kinh tế tư nhân. Trái
lại, Đảng ta luôn thể hiện rõ những đường hướng lãnh đạo thông thoáng nhất,
quản lý nhà nước luôn cởi mở nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư
nhân phát triển nhằm thực hiện các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh, tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Sự tuyên truyền bịa đặt với
dụng ý xấu về Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng sẽ thất bại trước nhận
thức đúng đắn, khoa học và ý chí, quyết tâm kiên định con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội của của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta./.
NGA NGUYỄN
Nhận xét