Âm mưu đen tối đằng sau vỏ bọc “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”
Việc góp ý với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trong thực thi dân chủ, nhân quyền là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người dân. Vấn đề này đã được xác định trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 (thể hiện cụ thể từ Điều 14 đến Điều 49 của Hiến pháp) và trong Quy chế dân chủ ở cơ sở, cùng nhiều bộ luật khác. Trong thực tế, các quyền chính đáng của nhân dân như: Tự do ngôn luận, tự do hội họp, lập hội, quyền được biết, được bàn... đều có thể thực hiện theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, hầu hết người dân Việt Nam, không phân
biệt giới tính, lứa tuổi, tôn giáo... đều được tham gia trong các hội, hiệp
hội, các tổ chức chính trị xã hội, tôn giáo... mà mình thấy phù hợp. Họ được
phát biểu chính kiến và bảo lưu chính kiến thông qua tổ chức đại diện của mình
và các cơ quan chức năng, để ý kiến của mình được chuyển tới nơi cần đến. Hiện
nay, việc thực thi dân chủ của chúng ta ngày càng rộng rãi và công minh, công
bằng và thực sự làm chuyển biến tình hình thực hiện dân chủ ở cơ sở, góp phần
tích cực vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Điển hình như trong vụ án xảy ra ở xã Đồng Tâm đã
thấy rõ dấu hiệu trục lợi trái pháp luật của một số người trong “tổ đồng
thuận”. Nghĩa là họ cứ nghĩ rằng, nếu “đấu tranh” chiếm được đất quốc phòng ở
Đồng Sênh thì có thể tự chia nhau để hưởng. Và họ đã cố tình hành động theo suy
nghĩ ấy. Từ lời khai của các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra
tại thôn Hoành, lại thấy thêm một số người khác muốn lợi dụng những người trong
“tổ đồng thuận” để chiếm một phần lợi ích. Việc hứa “chia đất” của đối tượng Lê
Đình Kình cho những người trong “tổ đồng thuận” và một số người khác, một phần
dựa vào những cam kết có tính hậu thuẫn của một số người được cho là có hiểu
biết nhất định về pháp luật. Vì thế, khi vụ án xảy ra, sự thật đã rõ mười mươi,
nhưng một số đối tượng thuộc loại “cố đấm ăn xôi” vẫn cứ cố tình tập hợp những
cứ liệu rời rạc, rồi chắp ghép, ngụy tạo ra những bản tin lòng vòng để đánh lừa
dư luận. Tất cả những cuộc “phỏng vấn” của BBC, RFA, RFI... đối với một số
người về vụ việc và vụ án xảy ra ở thôn Hoành, đã được, đăng/phát trên các
trang của họ, đều thiếu tính thuyết phục. Bởi những nhân vật phỏng vấn và trả
lời phỏng vấn thậm chí còn không biết thôn Hoành ở đâu và chưa từng “thực mục
sở thị” những gì đã diễn ra tại thôn Hoành cả trước, trong và sau sự việc diễn
ra ngày 9/1/2020. Sự suy diễn và “đoán mò” của họ chỉ có thể lừa phỉnh trong
chốc lát đối với những người thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về pháp luật,
thiếu khả năng phân tích, nhận định về những tiến bộ, đổi mới đang diễn ra ở
Việt Nam.
Từ những hành vi và mưu mô của một số người được
cho là đang “đấu tranh cho dân chủ” ở Việt Nam, có thể thấy, họ chỉ là những kẻ
lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của số ít người dân để kích động họ
vướng vào vòng lao lý. Chúng ta đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam là một quốc
gia độc lập, có chủ quyền, trong đó điều cơ bản và đầu tiên là toàn quyền xử lý
các vấn đề có tính nội bộ của mình, thông qua hệ thống pháp luật đã được toàn
dân thừa nhận và phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế.
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thiết
lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Uy
tín, vị thế của Việt Nam đối với các nước trong khu vực và thế giới ngày càng
được củng cố, nâng cao bằng các hoạt động có trách nhiệm đối với các tổ chức,
công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Như vậy có thể thấy, Việt Nam xây nên
và khẳng định vị thế, uy tín đối với thế giới bằng thực lực của chính mình. Do
đó, mọi hành vi xuyên tạc của thế lực thù địch và cơ hội chính trị, hòng làm
chuyển hóa hệ thống pháp luật, nền tư pháp và thể chế chính trị ở Việt Nam, đều
là những hành động hão huyền, phi thực tế và không thể lừa phỉnh được ai.
TRINHDANG
Nhận xét