MÔ HÌNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA VIỆT NAM LÀ SỰ PHÙ HỢP THỰC TIỄN

 

Từ năm 1986, trong đường lối đổi mới kinh tế, Việt Nam thừa nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN (Kinh tế thị trường định hướng XHC) Tuy vậy, đến nay, vẫn có một số người, cả ở trong nước và ngoài nước, vì nhiều lý do, nhiều động cơ khác nhau, cho rằng không có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bởi kinh tế thị trường, các quy luật của kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; ghép định hướng xã hội chủ nghĩa vào kinh tế thị trường là sự gán ghép chủ quan duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Thậm chí, có quan điểm còn cho rằng, khi Việt Nam xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển thành các tổng công ty, tập đoàn kinh tế mạnh, hoạt động cả trong nước và ngoài nước thì nền kinh tế thị trường sẽ phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, như các nước tư bản khác. Do đó, nếu Việt Nam bỏ “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì kinh tế đất nước còn phát triển nhanh hơn, kết quả đạt được còn lớn hơn… Những luận điệu như vậy đã và đang tác động đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, làm một số người băn khoăn, ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội; làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; ảnh hưởng tới việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

Sai lầm của những người cho rằng không thể có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thứ nhất, là do họ đã đồng nhất kinh tế thị trường với kinh tế thị trường chủ nghĩa tư bản, cho rằng, chỉ có một loại kinh tế thị trường là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Song, thực chất các quan hệ kinh tế thị trường và các quan hệ tư bản là hoàn toàn khác nhau. Nguồn gốc và bản chất của kinh tế thị trường là kinh tế hàng hóa; các phạm trù giá trị, giá cả, hàng hóa, tiền tệ, các quy luật cạnh tranh, cung cầu, quy luật giá trị của kinh tế hàng hóa cũng là các phạm trù và quy luật của kinh tế thị trường. Các phạm trù, quy luật này có trước chủ nghĩa tư bản, được chủ nghĩa tư bản vận dụng có hiệu quả trong phát triển lực lượng sản xuất, phát triển thành kinh tế thị trường dưới chủ nghĩa tư bản chứ không phải nó chỉ tồn tại trong chủ nghĩa tư bản mà thôi. Thứ hai, sai lầm của những người này là dường như cho rằng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa từ khi ra đời đến nay là không thay đổi, “nhất thành, bất biến”. Họ không thấy rằng trải qua thời gian, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa cũng có nhiều biến đổi. Thời kỳ đầu khi mới ra đời, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, chưa có sự can thiệp của nhà nước. Song sự điều tiết của “bàn tay vô hình” đã gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ, đòi hỏi phải có bàn tay quản lý của nhà nước để hạn chế, khắc phục những khuyết tật do điều tiết tự phát của cơ chế thị trường. Ngày nay, nền kinh tế thị trường hiện đại của các nước tư bản phát triển trên thế giới đều là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, vừa có điều tiết bởi “bàn tay vô hình” của thị trường, vừa có điều tiết bằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước. Do đó, Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng chính là sử dụng bàn tay nhà nước để dẫn dắt cơ chế thị trường hoạt động có hiệu quả, hướng tới mục tiêu đã xác định.

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay thừa nhận vai trò “là một trong những động lực quan trọng” của Kinh tế tư nhân với phương diện là con đường để huy động vốn, phát triển khoa học công nghệ, giải quyết việc làm chứ không phải trên phương diện xây dựng quan hệ sản xuất XHCN. Do đó, nếu a dua theo cách “cắt đuôi” định hướng XHCN thì không thể đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay cũng có sự đa dạng các loại thị trường; các chủ thể kinh tế vẫn tự do kinh doanh theo pháp luật và sự chi phối của quy luật thị trường; hệ thống thị trường đảm bảo tính mở, tính phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường thế giới… Do đó, Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự tuân theo quy luật khách quan, cần thiết cho một nước quá độ lên CNXH không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

YÊN CHI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC